49.000 tỉ đồng phát triển kinh tế biển Đà Nẵng

07:17 | 07/12/2017

673 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UBND TP Đà Nẵng vừa quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển ngành kinh tế biển TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với tổng mức đầu tư lên đến 49.000 tỉ đồng.

Đầu tư “khủng” để “kích” tăng trưởng

Với vốn đầu tư cho kinh tế biển thuộc loại “khủng” nhất miền Trung, Đà Nẵng đặt quyết tâm đến 2030 nền kinh tế biển trở thành “xương sống” của các ngành kinh tế của thành phố.

Đề án tập trung vào 2 góc độ: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế biển và đóng góp của ngành này vào GDP chung của toàn thành phố. Theo đó, mục tiêu của đề án đặt ra là, tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2016-2025 đạt 13-14%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt 13%/năm; khối lượng hàng hóa qua cảng đến năm 2025 đạt 12-13 triệu tấn/năm và tốc độ tăng trưởng hàng container giai đoạn 2020-2025 đạt 10-15%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đến năm 2025 đạt 12-13%/năm.

49000 ti dong phat trien kinh te bien da nang
Đà Nẵng nhìn từ trên cao

Trong đề án này, cơ cấu phân bổ vốn cũng tập trung vào từng giai đoạn. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế biển dự kiến giai đoạn 2017-2020 hơn 19 nghìn tỉ đồng, trong giai đoạn 2021-2025 là 13 nghìn tỉ đồng và giai đoạn 2026-2030 khoảng 17 nghìn tỉ đồng.

Theo ý kiến một số chuyên gia, cùng với đề án này, nếu Đà Nẵng được bổ sung vào hệ thống khu kinh tế ven biển của cả nước sẽ tăng thêm lực hút đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời tạo cơ sở để thành phố lập nhiều dự án kêu gọi đầu tư và đề nghị cơ chế phát triển đặc thù.

Tập trung vào vận tải biển và hậu cần nghề cá

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng về kinh tế biển như đề án đã vạch ra, trước mắt Đà Nẵng sẽ ưu tiên vào những lĩnh vực chủ chốt. “Bên cạnh phát triển phát triển các sản phẩm du lịch mới như thể thao biển, công nghiệp du thuyền… và hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch ven biển, tăng cường năng lực cho hướng dẫn viên du lịch về chủ quyền biển đảo, thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế hàng hải, phát triển cảng Đà Nẵng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế theo 2 khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu” - ông Thơ nói.

Vẫn theo ông Thơ, sắp tới Đà Nẵng sẽ đầu tư khu cảng Tiên Sa phục vụ hành khách, đầu tư khu bến chuyên biệt cho tàu du lịch. Khu cảng Liên Chiểu phục vụ hàng container, hàng tổng hợp và hàng lỏng. “Đà Nẵng sẽ đặc biệt chú ý đến việc xúc tiến đầu tư xây dựng các cảng cạn để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua hành lang kinh tế Đông Tây, đặc biệt là hàng hóa được vận chuyển bằng container” - ông Thơ khẳng định.

Để giải bài toán dịch vụ logistics, Đà Nẵng đang ưu tiên bố trí nhân lực theo dõi và nghiên cứu thường xuyên nhằm tham mưu chính sách phát triển kinh tế hàng hải. Đồng thời, xây dựng đề án vận chuyển container giữa hai cảng Tiên Sa và Liên Chiểu để giảm vận tải qua nội thành; đề xuất phân luồng và điều tiết giao thông, giảm mâu thuẫn giữa vận tải và du lịch.

Cùng với mở rộng các bến cảng để phục vụ vận tải biển, Đà Nẵng sẽ chú trọng xây dựng các cảng cá lớn để phục vụ hậu cần nghề cá. Theo hướng này, việc nâng cấp cảng cá Thọ Quang thành cảng loại 1, Khu trú bão và neo đậu tàu thuyền... theo hướng trở thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa được Đà Nẵng ưu tiên đặc biệt.

Các cảng cá sẽ là động lực để việc khai thác nghề biển phát triển bền vững. “Trong thời gian tới, để hiện thực hóa đề án, chúng tôi sẽ từng bước phát triển đội tàu vỏ thép, tàu composit, gỗ bọc composite công suất lớn, hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ khai thác gắn với chú trọng công tác khuyến ngư, nâng cao năng lực khai thác, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác cho ngư dân. Đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang” - đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết thêm.

An An