Đục thông các vòm cầu đường sắt tại hai phố Phùng Hưng và Gầm Cầu

Ý tưởng khả thi, thận trọng triển khai

15:25 | 12/07/2017

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin về chủ trương đục thông các vòm cầu đã bị bịt kín ở đường dẫn tàu hỏa lên cầu Long Biên trên phố Phùng Hưng, phố Gầm Cầu ở Hà Nội đang thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân thủ đô.  

Quyết định thiết thực

Có thể thấy đề xuất đục thông 127 vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng đến ga Long Biên nhằm kiến tạo không gian đô thị, thiết lập địa điểm sinh hoạt cộng đồng làm tăng giá trị văn hóa thủ đô của UBND TP Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía các kiến trúc sư, các nhà văn hóa. Bởi lẽ, ý tưởng này không chỉ đơn thuần là một dự án chỉnh trang đô thị mà còn là công trình ôm trọn các giá trị văn hóa - lịch sử - xã hội - kinh tế…

y tuong kha thi than trong trien khai
Các nghiên cứu đo đạc các vòm cầu trong Đề án cải tạo cầu Long Biên và khu vực phụ cận

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giao UBND quận Hoàn Kiếm khẩn trương lấy ý kiến nhân dân và các chuyên gia xây dựng về việc này. Khi được hỏi ý kiến, đa phần người dân tại khu vực đường Phùng Hưng đều ủng hộ ý tưởng này. Có người cho rằng, nếu đục thông các vòm cầu, người dân ở hai khu phố sẽ được kết nối sau nhiều năm “gần nhà xa ngõ” và chắc hẳn việc kinh doanh, buôn bán sẽ thuận lợi hơn. Người khác lại mừng vì việc đục thông vòm cầu sẽ “xóa sổ” các điểm đen trông giữ xe gây mất mỹ quan đô thị, xóa cả những khu vực ô nhiễm môi trường vốn rất nan giải lâu nay…

Ông Phạm Tuấn Long - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - đơn vị lập dự án cho biết: “Việc này mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. UBND quận Hoàn Kiếm cũng xác định khu vực hai phố Phùng Hưng và Gầm Cầu nằm trong quần thể di sản đô thị, khác với di sản bảo tồn. Mà cải tạo di sản đô thị là đưa một cuộc sống mới vào đó. Điều này được thể hiện rõ nhất trong ý tưởng đục thông các vòm cầu đường sắt và cải tạo thành không gian văn hóa công cộng như phố sách, cà phê sách, các hoạt động nghệ thuật, hội họa… phục vụ nhu cầu của người dân, du khách tham quan”.

Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thành viên Hội đồng Khoa học, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia nhận định: “Tận dụng không gian các vòm cầu là việc làm bình thường của nhiều thành phố trên khắp thế giới, Hà Nội hơi đặc biệt hơn một chút vì chức năng giao thông rất yếu, đường sắt trên cầu đang khai thác với công suất thấp, trong khi áp lực giao thông Hà Nội lại rất cao, thứ hai là chức năng đường phố rất lãng phí, cả một tuyến đường đẹp nhưng chỉ để đỗ ôtô, xe máy, tập kết rác, nhà vệ sinh, cùng một số cơ sở buôn bán nhỏ lẻ… Do vậy, nếu áp dụng những ý tưởng khai thác không gian đô thị, làm cho nó gia tăng giá trị là việc rất cần thiết và rất đáng trân trọng, cần ủng hộ”.

Thận trọng khi thực hiện

Bên cạnh việc ủng hộ hiện thực hóa ý tưởng này, một số người dân băn khoăn về việc bảo đảm an toàn kết cấu xây dựng, an toàn giao thông khi đục thông các vòm cầu đã hơn 100 tuổi.

Đối với câu hỏi về tính an toàn kết cấu xây dựng, kỹ sư kết cấu Lê Minh Đức, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: “Kết cấu vòm là kết cấu an toàn nhất trong các kết cấu và các vòm cầu này lại được xây bằng đá từ thời Pháp nên rất chắc chắn. Hơn nữa, trước đây các vòm cầu này đã thông nhau nhưng sau đó vì tình trạng mất vệ sinh, mất an ninh trật tự tại khu vực nên mới tiến hành bịt kín. Do đó, việc đục thông, khôi phục lại các vòm cầu không làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như độ an toàn của đường sắt. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, việc phá dỡ cần phải được tính toán và làm cẩn thận để không gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực”.

y tuong kha thi than trong trien khai
Công trình đục thông vòm cầu của Pháp được UBND quận Hoàn Kiếm tham khảo

KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, không nên quá lo ngại về kết cấu của công trình, bởi hiện tại có nhiều giải pháp kỹ thuật hiện đại có thể thực hiện được. KTS Trần Huy Ánh cũng phân tích: “Hằng ngày vẫn có 10 chuyến tàu nặng 400-500 tấn đi trên cầu đá và qua cầu Long Biên. Tuyến đường này vẫn nằm trong kế hoạch phát triển mở rộng tuyến đường sắt quốc gia và tuyến đường sắt đô thị, nay lại có ý tưởng phát triển thương mại, nghệ thuật, du lịch. Như vậy việc đục thông cầu mà vẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động đa chức năng cần giải pháp rất cẩn trọng và thông minh. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, cộng với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự chung tay của ngành giao thông vận tải và các chuyên gia, tôi nghĩ vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được”.

Về những băn khoăn nhằm bảo đảm an ninh, trật tự khi các vòm cầu được đục thông và tổ chức các hoạt động văn hóa công cộng, ông Phạm Tuấn Long cho biết, những nội dung này đã được tính đến, cũng như sẽ tiếp tục được nghiên cứu để tìm giải pháp tối ưu. UBND quận Hoàn Kiếm đang xem xét các phương án bãi đỗ xe trong khu vực và toàn quận để đáp ứng nhu cầu người dân, đồng thời xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự… nhằm đảm bảo nơi đây thực sự trở thành một không gian văn hóa, “điểm đến” ấn tượng của du khách trong nước và quốc tế.

Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: Cần sự chung tay của các cấp, ngành

“Chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm của thành phố Paris, Pháp. Các vòm cầu đá của họ còn có tuổi đời lâu đời hơn ở ta rất nhiều. Tuy vậy, để biến ý tưởng thành hiện thực, chúng ta vẫn cần nghiên cứu cẩn trọng, tham vấn các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lấy ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải. Đây là dự án khó, do vậy thành phố mong nhận được sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành vì sự phát triển của Hà Nội”.

KTS Lê Việt Sơn, Công ty CP Thiết kế Xây dựng Hà Nội: Cần lập hội đồng thẩm định

“Khi triển khai dự án cần khảo sát thật kỹ lưỡng, bởi lẽ công trình này đã tồn tại hơn 100 năm và có quá trình dài chịu sự rung lắc của tàu hỏa. Về nguyên tắc, khi tàu chạy qua gây rung lắc, các kết cấu nhả ra. Bên cạnh đó, tải trọng của tàu thời điểm hiện tại cũng lớn hơn nhiều so với thời kỳ mới xây dựng cầu. Chính vì thế, rất cần lập hội đồng thẩm định, phản biện nhiều chiều để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Nên khảo sát cả tuyến, quy hoạch kết nối, lập đề án quy hoạch trước, sau mới thi công từng giai đoạn một. Thi công, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng trên toàn tuyến".

Huyền Trang