Xung đột quan điểm về mashup

08:50 | 13/09/2017

1,372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cơn bão mashup lan tỏa khắp thế giới, các nhạc sĩ, ca sĩ cùng nhiều bạn trẻ Việt cũng không thể chối bỏ được sức hút của trào lưu này. Tuy nhiên đến nay, với mashup vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.  

Phần "chào sân" đáng nhớ của mashup tại Việt Nam là tiết mục biểu diễn của Hồ Ngọc Hà trong lễ trao giải “Làn sóng xanh” tháng 12-2013. Đó là bản mashup của Nguyễn Hải Phong gồm 5 ca khúc “Từ ngày anh đi”, “Lặng thầm một tình yêu”, “Sẽ mãi bên nhau”, “Xin hãy thứ tha”, “Hãy thứ tha cho em”. Sự mới lạ trong cách trộn nhạc, tạo một “tứ” nghe tươi mới đã làm công chúng chú ý. Ngay sau đó, mashup gây sốt tại thị trường nhạc trẻ Việt.

Rượu cũ bình mới

Mashup là thuật ngữ chỉ việc ghép (hoặc tự hát lại nhạc cover) các video, bài hát không liên quan đến nhau trở thành một clip hoặc một bản nhạc hoàn chỉnh. Nói cách khác, mashup có thể hiểu là một cách mix nhạc đang ngày càng phổ biến. Mashup xuất hiện trên thế giới vào những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng mãi đến năm 2001, khi các album chuyên nghiệp được phát hành, mashup mới được công nhận như một thể loại âm nhạc mới.

Khi mashup chưa xuất hiện, làng nhạc Việt và thế giới vẫn còn là địa bàn thống trị của trào lưu cover. Tuy nhiên, đã là trào lưu thì sẽ có lúc thoái trào và cover cũng không nằm ngoài quy luật đó. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", mashup xuất hiện như một làn gió mới, thôi thúc sự tìm kiếm những điều mới lạ trong thế giới âm thanh muôn màu của các bạn trẻ.

xung dot quan diem ve mashup
Nhóm nhạc The Wings nổi lên nhờ mashup

Không kể đến những bản mashup đình đám thế giới, ngay ở nước ta cũng có không ít video mashup được cư dân mạng chia sẻ rầm rầm. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, mashup chưa thực sự tạo thành một trào lưu, chỉ đến gần đây, khi O-Plus, F Band… thể hiện quá thành công các bản mashup do nhóm tự làm, mọi thứ về mashup như khái niệm, nguồn gốc… mới được khán giả Việt quan tâm. Bên cạnh đó, sự thành công của “X Factor” - gameshow âm nhạc góp phần đưa mashup “thống trị” các diễn đàn âm nhạc.

Dù tiếp cận với sân chơi mashup chưa lâu, nhưng giới trẻ Việt đã cho ra những clip thú vị. Đặc biệt nhất phải kể đến bản mashup 30 bài hát của Minh Triết và Quang Hùng. "Tác phẩm" kỳ công này đã thu hút hơn 600.000 lượt xem và hơn 20.000 lượt chia sẻ. Với giọng ca ấm áp, hai anh chàng đã lần lượt thể hiện 30 ca khúc hit của V-Pop với những bài hát nổi tiếng như: “Như ngày hôm qua” (Sơn Tùng M-TP), “Thật bất ngờ” (Trúc Nhân), “Làm vợ anh nhé” (Chi Dân), “Em là bà nội của anh” (Trọng Hiếu), “Sau tất cả” (Erik St.319) và các bản hit của ca sĩ Tiên Tiên như “Say you do”, “Vì tôi còn sống”… tất cả đều được phối rất ăn khớp và mềm mại.

Mashup có thể là một nét chấm phá, một giải pháp thay thế cho cách làm liên khúc xưa nay, tạo sự thú vị cho người thưởng thức theo kiểu vui là chính.

Đỗ Nguyên Phúc (18 tuổi, du học sinh tại Australia) và Lê Na (20 tuổi, Đại học Thăng Long, Hà Nội) cũng từng gây sốt khi hòa giọng trong bản mashup gồm 20 ca khúc được giới trẻ Việt yêu mến như: “Một nhà” (nhóm DaLab), “Gửi anh xa nhớ” (Bích Phương), “Chúng ta không thuộc về nhau” (Sơn Tùng M-TP), “Bống bống bang bang” (nhóm 365)… được kết hợp nhuần nhuyễn và lôi cuốn. Clip đăng tải lên Facebook thu hút hơn 400.000 lượt xem, 19.000 like (thích), gần 20.000 chia sẻ và bình luận.

Mới đây, bản mashup loạt hit của các ca sĩ Tuấn Hưng, Sơn Tùng M-TP, Lệ Quyên, Quang Lê từ Rum và Nit trong chương trình "Phiên bản hoàn hảo" cũng khiến cộng đồng mạng vô cùng thích thú. Trong chương trình “Women in Music” Phương Vy nồng nàn với bản ballad mashup “Có đôi lần - Lúc mới yêu”, còn Văn Mai Hương lại mang đến những cảm xúc tươi tắn qua bản mashup “Nếu như anh đến - Một ngày mới”.

Không phải là xu hướng phát triển

Rất nhiều các mixer (người mix nhạc) bán chuyên và chuyên nghiệp đã từng thử sức với mashup. Mashup không đơn thuần là cắt, ghép vào nhau, mà còn phải biến những đoạn nhạc rời rạc, thậm chí trái ngược nhau thành một thể thống nhất và liên kết. Mashup được ưa chuộng trên thế giới tạo ra sân chơi âm nhạc rộng mở cho sự sáng tạo, mà không bắt buộc người chơi phải là dân chuyên nghiệp. Người ta có thể "trộn" 3, 5, 10, thậm chí là 30 ca khúc yêu thích trong một bản mashup. Những ca khúc đó có thể lấy lại hoặc bạn tự thu âm, sáng tác. Cùng một chùm ca khúc nhưng mỗi người có cách thể hiện, hòa trộn khác nhau tạo nên nhiều biến tấu không ai giống ai... Đó chính là điểm hấp dẫn của mashup.

Mashup có 2 dạng: Một là ghép từ các audio và video của nhiều nghệ sĩ, dùng chính giọng hát của nghệ sĩ (gọi là video mashup). Dạng mashup này không biểu diễn sân khấu, vì các nghệ sĩ thường không có dịp để diễn cùng. Dạng còn lại là người tạo ra mashup với mục đích biểu diễn, phải sử dụng nhạc cụ để chơi và hát lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả hai dạng này thật sự vẫn chưa làm được đến nơi đến chốn.

Đó là chưa nói hiện nay ở Việt Nam, trào lưu mashup nở rộ nhưng dường như số đông vẫn chưa hiểu hết thế nào là mashup và không ít sản phẩm khi nghe kỹ thì chẳng khác liên khúc (medley) bao nhiêu. Bên cạnh đó, sự thiếu chuyên nghiệp của các mixer đôi khi sẽ tạo ra sản phẩm mang tính "phá hoại" những bản nhạc nguyên thủy.

Giới chuyên môn bày tỏ, không nên xem mashup là xu hướng phát triển, vì người nghe nhạc vẫn cần sự xuất hiện của những ca khúc mới, hợp với sự phát triển của âm nhạc thế giới hơn. Hơn nữa, trong thời buổi nhộn nhạo của thị trường âm nhạc, khi mà "đạo nhạc" đang là vấn đề nhạy cảm đối với giới sáng tác thì mashup không phải là một trào lưu được số đông hoan nghênh, có chăng nó chỉ thỏa mãn được sở thích của một bộ phận nhỏ trong giới yêu nhạc.

Điều quan trọng nhất của một nền âm nhạc là sự phát triển dựa trên sáng tạo cái mới, mà mashup không thể có được tinh thần này. Tuy nhiên, về phía những người đang tung hô mashup, quan điểm của họ khá thoáng: "Chỉ cần hay là được"! Âm nhạc quan trọng nhất là phải hay. Thậm chí họ còn cho rằng, chúng ta nên đặt cái cũ ở một vị trí của nó và miễn sao cái mới không thô tục, không bậy bạ, không phản cảm là được.

Trong thời buổi nhộn nhạo của thị trường âm nhạc, khi mà “đạo nhạc” đang là vấn đề nhạy cảm đối với giới sáng tác thì mashup không phải là một trào lưu được số đông hoan nghênh, có chăng nó chỉ thỏa mãn được sở thích của một bộ phận nhỏ trong giới yêu nhạc.

Vũ Quang