Xét xử phúc thẩm vụ kỹ sư Lê Văn Tạch kiện Toyota Việt Nam

13:43 | 20/06/2012

1,335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Sáng 20/6, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp kỷ luật lao động” giữa nguyên đơn là kỹ sư Lê Văn Tạch và bị đơn là Công ty Toyota Việt Nam (TMV).

Chiều ngày 19/6, trao đổi với báo chí, kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay: Theo giấy triệu tập của TAND tỉnh Vĩnh Phúc thì đúng 7h30 ngày 20/6/2012, tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc phiên tòa xét xử phúc thẩm sẽ chính thức bắt đầu.

Theo đó, Luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm, Đoàn luật sư Quảng Ninh sẽ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn kỹ sư Tạch và bảo vệ cho bị đơn Công ty Toyota là luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư BQH & Cộng sự, Đoàn luật sư Hà Nội.

Trước đó, vào ngày 14/4, kỹ sư Lê Văn Tạch, đã gửi đơn kháng cáo lên TAND thị xã Phúc Yên và TAND tỉnh Vĩnh Phúc để kháng cáo toàn bộ Bản án lao động sơ thẩm ngày 11/4/2012 của Tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên giữa nguyên đơn Lê Văn Tạch và bị đơn là Công ty Toyota Việt Nam (TMV). Lý do của việc kháng cáo, kỹ sư Tạch cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Kỹ sư Lê Văn Tạch.

Tại bản án sơ thẩm cho rằng, nội quy lao động của TMV được xây dựng đúng trình tự luật định, đã đăng ký với Sở lao động, người lao động đã được phổ biến và không có ý kiến gì nên nội dung của Nội quy lao động đó, trong đó có Điều 57.6, là hợp pháp.

Kỹ sư Tạch cũng cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ. Cụ thể, trong phần hỏi tại phiên tòa đã cho thấy Biên bản xử lý kỷ luật ngày 24/8/2011 của TMV không phản ánh đúng diễn biến, trình tự và nội dung phiên họp kỷ luật. Người chủ trì phiên họp trên thực tế là bà Đỗ Thị Ngân Bình, bà này không được Tổng giám đốc của TMV ủy quyền bằng văn bản, cũng không có tên trong Biên bản xử lý kỷ luật nhưng Bản án sơ thẩm vẫn căn cứ vào Biên bản xử lý kỷ luật để cho rằng trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đúng pháp luật.

Trong hồ sơ vụ án không có bất kỳ tài liệu nào do ông Tachibana, với tư cách cá nhân, lập trước ngày diễn ra phiên họp kỷ luật lao động (24/8/2011) thể hiện việc ông này cảm thấy bị làm phiền, cũng như thời điểm bị làm phiền, bởi hành vi của anh Lê Văn Tạch nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn nhận định rằng anh Lê Văn Tạch đã có hành vi làm phiền Tổng giám đốc TMV là sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ.

Theo kỹ sư Tạch, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện. Trong khi nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án xác định Điều 57.6 Nội quy lao động TMV là vô hiệu thì Tòa án cấp sơ thẩm lại xem xét toàn bộ nội dung của Nội quy lao động TMV và đưa ra nhận định: “Nội quy lao động của Công ty ô tô Toyota Việt Nam được xây dựng với đầy đủ các điều khoản theo quy định của Bộ luật Lao Động và các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có các điều khoản cụ thể liên quan tới các hình thức kỷ luật lao động”. Các quy định pháp luật về Công đoàn cũng không được tuân thủ trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Trong đơn kháng cáo kỹ sư Tạch yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 182 Bộ luật Lao động, Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự, tuyên bố sửa bản án lao động sơ thẩm ngày 11/4/2012 của Tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên theo hướng chấp nhận toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Lê Văn Tạch.

N. Tú