Vụ hỏa hoạn tàu Normandie: Những bí mật mang theo

16:20 | 10/07/2017

250 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Normandie từng là con tàu chở khách sang trọng lừng danh nước Pháp những năm 30 của thế kỷ trước. Con tàu đã bị cháy và lật úp trên sông Hudson, New York vào lúc 2 giờ 37 phút ngày 9-2-1942. 

Vụ hỏa hoạn bất ngờ hay có chủ đích?

Tàu Normandie được Hải quân Mỹ mua lại vào năm 1939 và cải tạo để sử dụng. Mùa thu năm 1941, tàu Normandie sừng sững đậu ở bến tàu số 88 trên sông Hudson, thu hút sự chú ý của dư luận. Vào đúng lúc con tàu được hoàn thiện để đưa vào biên chế thì vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra.

Trước khi con tàu bị lật (2 giờ 37 phút ngày 9-2-1942), ngọn lửa bất ngờ phát ra từ phòng khách rộng lớn trên boong tàu.

vu hoa hoan tau normandie nhung bi mat mang theo
Tàu Normandie bốc cháy dữ dội tại bến tàu số 88

Mặc cho những chiếc máy bay chiến đấu chở hàng nghìn tấn nước để dập lửa và những cố gắng của đội cứu hộ, gió to khiến lửa bốc lên càng ngày càng dữ dội. Chẳng bao lâu, con tàu giống như một con vật khổng lồ hấp hối, nó lật xuống và chìm dần...

Theo NY Daily News, vụ hỏa hoạn khiến 210 người thương vong, trong đó có 1 người thiệt mạng, 90 người khác bị thương nhẹ và 109 người khác phải nhập viện.

Đáng nói là, chỉ cách thời gian chuẩn bị viễn chinh châu Âu đúng 3 tuần, nước Mỹ mất đi một con tàu chở quân lớn nhất lúc bấy giờ. Sự việc chẳng khác nào một “đòn chí mạng” với quân đồng minh.

Kỹ sư thiết kế tàu Normandie cho rằng, trận hỏa hoạn này nhất quyết không phải ngẫu nhiên, bởi vì các thiết bị phòng cháy chữa cháy trên tàu được liệt vào dạng tối tân nhất thời điểm đó.

Tàu Normandie được khởi đóng ngày 26-1-1931, hạ thủy ngày 29-10-1932. Tàu có chiều dài 314m, chiều cao 56,1m, lượng giãn nước 68.500 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ tăng áp với tổng công suất 160.000 mã lực, tốc độ tối đa 32,2 hải lý/giờ (59,6km/giờ).

Hàng loạt nghi vấn

Tờ NY Daily News dẫn con số, nước Mỹ thiệt hại tới… 5 triệu USD chỉ riêng do hỏa hoạn tàu Normandy, chưa kể những thiệt hại khác liên quan.

Ở thời điểm tàu Normandie bị lật, tất cả các tàu nhỏ quanh đó đã được sơ tán khỏi khu vực. Trước khi hỏa hoạn xảy ra, con tàu đã trôi dạt về vị trí trung tâm của bến tàu. Phát ngôn viên của Sở Cứu hỏa New York cho hay, nếu báo động cứu hỏa trên tàu được bật sớm hơn thì có lẽ thảm kịch đã được ngăn chặn, nhưng không, mọi thứ đã quá trễ. Báo cáo điều tra cho thấy, khi còi báo động hú vang là lúc đám cháy đã lan tới… lò thượng của con tàu. Người ta lại càng có cớ để nghi ngờ đây là một sự cố ý.

Lúc 0h55 phút ngày 9-2-1942, Đô đốc Adolphus Andrews của Hải quân Mỹ ra lệnh cho các tàu cứu hộ và tàu kéo sơ tán hết tất cả các tàu khỏi vùng nước xung quanh, do đó tránh được thảm kịch hỏa hoạn lan rộng khi con tàu bốc cháy và chìm dần. Việc đóng tất cả các cửa ra vào của con tàu khi hỏa hoạn xảy ra cũng đã ngăn chặn nước tràn vào thân tàu, song vẫn không thể khiến nó ngừng chìm.

Bất chấp ý kiến của Cảnh sát trưởng Thomas R.Brophy và Đô đốc Andrew - đồng thời là chỉ huy phòng cháy chữa cháy trên tàu, rằng đây chỉ là một vụ tai nạn, nhưng giới chức Mỹ vẫn nghi ngờ có ý đồ phá hoại nào đó từ kẻ địch bên ngoài và cho thành lập một đội điều tra nhằm làm sáng tỏ mọi chuyện. Sau 2 tháng điều tra, kết luận của nhóm điều tra thuộc Hải quân Mỹ là: “Do bất cẩn của công nhân sửa chữa trên tàu”.

Cho rằng kết luận không thuyết phục, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc và tiến hành thẩm vấn toàn bộ những người có mặt trên tàu khi hỏa hoạn xảy ra. FBI thậm chí nghi vấn rằng, vụ hỏa hoạn xảy ra có liên quan tới gián điệp của phát xít Đức.

Giả thuyết đặt ra là, sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức năm 1940, Đức đã rất muốn Pháp lấy lại con tàu Normandie đã bán cho Hải quân Mỹ. Phía phát xít Đức cho rằng, một con tàu chở quân “hùng mạnh” như vậy chẳng khác nào “hổ thêm cánh” cho quân đội Mỹ và đồng minh trên Đại Tây Dương.

Trần Quân