Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ với cả Nga và Israel?

08:23 | 01/07/2016

789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiến bộ trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel và Nga là kết quả của những nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara rất hài lòng về điều đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quan hệ với EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik cho biết tại Brussels hôm thứ Năm, 30/6.
tin nhap 20160701081837
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ treo cờ mừng phục hồi quan hệ với Nga và Israel

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo với nội các Nga rằng kể từ khi nhận được lá thư của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông đã quyết định bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Ankara.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện những nỗ lực ngoại giao để giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại. Chúng tôi luôn luôn nói rằng không có vấn đề nào mà không thể giải quyết thông qua thương lượng. Tất nhiên, trong trường hợp này, chúng tôi rất hài lòng về các tiến bộ đã đạt được trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel và Nga" – ông Celik phát biểu.

Ông Celik nói thêm rằng Ankara cũng đang dự định sử dụng phương tiện ngoại giao để đạt được sự đồng thuận về việc bãi bỏ thị thực vào EU cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Về vấn đề này, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hội đàm tại Brussels trong các cuộc họp liên chính phủ trong khuôn khổ quá trình xét duyệt kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên của EU.

Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra sau khi vào ngày 24 tháng 11 năm 2015 máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria. Tổng thống Nga gọi đó là một "cú đâm từ phía sau" của những những kẻ đồng lõa với khủng bố. Ngay sau đó, Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, gây cho quốc gia này một số khó khăn về kinh tế.

Hôm thứ Hai, ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của tổng thống Nga, nói với các phóng viên rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong thông điệp của mình gửi tới nhà lãnh đạo Nga đã ngỏ lời xin lỗi về việc đã bắn rơi máy bay Nga và bày tỏ lời chia buồn về cái chết của phi công Oleg Peshkov.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, Dore Gold vào hôm thứ Ba đã ký một thỏa thuận tại Jerusalem về việc bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Song songvới sự kiện này, một buổi lễ tương tự được tổ chức tại Ankara, nơi mà các văn kiện (về việc bình thường hóa quan hệ hai nước) đã được ký kết bởi Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu.

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel từng là đối tác chiến lược khăng khít, nhưng đã bắt đầu rời xa nhau sau khi phe Hồi giáo lên nắm quyền ở Ankara đã tái định hướng chính sách ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào mục tiêu hội nhập châu Âu và củng cố vị trí trong thế giới Hồi giáo Ả Rập. Giọt nước làm tràn ly gây đỉnh điểm bất hòa là sự cố với đội tàu Tự do xảy ra vào năm 2010, khi các tàu dân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị Israel chặn bắt do vi phạm lệnh phong tỏa Dải Gaza, và giết chết 9 thành viên thủy thủ đoàn.

“Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong những năm trước đây từng có một mối quan hệ tuyệt vời. Chúng tôi không muốn mối quan hệ ấy bị đổ vỡ, và chúng tôi đã không có lỗi trong chuyện này. Chúng tôi luôn hoan nghênh bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ”, Thủ tướng Netanyahu từng phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp tại Jerusalem với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hồi đầu năm nay.

Trước đó, giới truyền thông hai nước đưa tin rằng Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ, mở lại các đại sứ quán và nối lại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Bước đột phá đầu tiên đã đạt được trong cuộc hội đàm bí mật hồi năm 2015 ở Thụy Sĩ giữa ông Yossi Cohen, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia (hiện nay là sếp tình báo Israel, Mossad), và Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu.

Như vậy, chỉ trong vài ngày gần đây, đã đạt được thắng lợi đúp trong hoạt động ngoại giao khi phục hồi thành công mối quan hệ với hai đối tác chiến lược là Nga và Israel.

Thiện Tâm

Tass, RIA,