Vì sao Pháp-Nga đạt được thỏa thuận hủy Mistral?

14:00 | 09/08/2015

5,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc hủy thỏa thuận mua bán chiến hạm Mistral với Nga hôm 5/8 đang buộc Pháp phải tìm kiếm khách hàng mới. Báo chí Pháp mỉa mai rằng Paris giờ rao bán chiến hạm của họ như rao hàng, đồng thời tiết lộ nguyên nhân giúp cuộc đàm phán hủy hợp đồng nhanh chóng đạt đồng thuận.
5Vì sao Pháp-Nga đạt được thỏa thuận hủy Mistral?

Sevastopol và Vladivostok, hai tầu Mistral theo đơn đặt hàng của Nga, đang được Pháp rao bán sau khi hủy hợp đồng với Nga

Ngày 5/8, theo thỏa thuận đạt được, Pháp sẽ trả lại cho Nga tất cả các trang thiết bị của Nga đã được lắp trên 2 chiếc tàu Mistral và hoàn trả toàn bộ chi phí mà Moskva đã trả cho Paris trong hợp đồng. Đổi lại, Pháp sẽ toàn quyền sở hữu hai con tàu này.

Thiệt hại mà phía Pháp phải gánh chịu do việc hủy bỏ hợp đồng trên sẽ dưới 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) do hai chiếc tàu vẫn chưa được hoàn thiện.

Hợp đồng mua bán tàu Mistral giữa Nga và Pháp được ký hồi năm 2011 và đã bị đình chỉ trong tháng 9/2014.

Tổng thống Pháp Hollande đã quyết định hủy bỏ cam kết bàn giao cho Nga chiếc tàu Mistral đầu tiên vào tháng 11/2014 sau khi xung đột leo thang tại miền Đông Ukraina.

Cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết nước này đang tìm kiếm những khách hàng mới để mua lại hai tàu Mistral sau khi hủy hợp đồng mua bán trên với Nga.

Phát biểu trên đài phát thanh RTL của Pháp, ông Le Drian nêu rõ sẽ có những khách hàng mới mua hai tàu sân bay trên vì một số nước đã bày tỏ sự quan tâm đối với loại thiết bị quân sự này.

Theo Reuters ngày 7/8, hơn một chục quốc gia muốn mua lại hai chiến hạm Mistral của Pháp. Trong số đó có Brazil, Singapore, Arập Xê Út và Canada. Nguồn tin thân cận với điện Elysée nói rằng Hải quân Pháp đã có ba chiến hạm Mistral, không cần thêm nữa. “Thật hết sức đáng tiếc. Bởi vì đây là các chiến hạm siêu hiện đại, nhưng thôi…Hải quân Pháp đã có 3 chiếc, không thể mua thêm hai Mistral nữa” - Đô đốc Alain Coldefy, cựu Tổng thanh tra quân đội Pháp tiếc rẻ.

Theo IHS Jane’s, nhu cầu thế giới đối với loại chiến hạm hiện đại này trong những thập kỷ tới sẽ là 26 chiếc. Đô đốc hải quân Pháp Alain Coldefy giải thích: “Phải tìm ra được những nước có ý hướng can thiệp trên thế giới, muốn phô trương hình ảnh của mình. Các nước này phải có đủ phương tiện tự thưởng cho mình các chiến hạm tối tân hàng đầu như thế. Và cần phải có các thủy thủ được đào tạo tốt, mà điều này không dễ dàng”.

Tổng thống Pháp François Hollande hôm 6/8 tuyên bố với báo chí là Pháp không khó khăn gì để tìm ra khách hàng mua lại Mistral mà không tốn kém gì thêm. Tuy vậy, ước tính phải mất nhiều trăm triệu euro để cải tạo hai chiến hạm này cho phù hợp với các khách hàng mới, và mỗi tháng phải chi ra một triệu euro để bảo trì trong khi chờ đợi.

Các trang thiết bị do Nga lắp đặt trên hai chiếc Mistral dự kiến giao vào tháng 10/2014 và tháng 10/2015 sẽ được tháo gỡ trong những tuần tới, một khi Quốc hội Pháp phê chuẩn việc hủy hợp đồng với Nga. Số tiền phải bồi hoàn thấp hơn trị giá 1,2 tỉ USD của hợp đồng; tuy nhiên cao hơn số 800 triệu euro mà Moskva đã ứng trước vì phải tính cả chi phí đào tạo. Nguồn tin ngoại giao cho biết Paris hy vọng bán được hai chiến hạm Mistral với giá phải chăng.

Nhà phân tích Ben Moores của IHS Jane’s nói: “Rồi Pháp sẽ bán được hai chiếc Mistral ấy thôi, nhưng phải hạ giá xuống rất thấp để thu hút. Có thể phải mất nhiều năm”.

Chuyên gia vũ khí Philippe Migault thuộc trung tâm tư vấn Iris nhận xét: “Cuối cùng, vụ này sẽ làm Pháp thiệt hại khoảng một, hai tỉ euro. Chúng ta phải gánh lấy các chiến hạm đang phải neo đậu, mà chỉ riêng việc bảo trì thôi cũng tốn từ một đến năm triệu euro mỗi tháng. Thú thật, đây không phải là vị thế tốt nhất để bắt đầu thương lượng với các khách mua tiềm năng…”.

Liên quan tới đề tài này, tờ báo Le Parisien mỉa mai trên trang nhất: “Cần bán: Hai chiến hạm còn mới nguyên”. Một kỹ sư than với nhật báo rằng “về mặt tâm lý, điều đó không dễ chịu chút nào cho công nhân”. Từ đây cho đến khi tìm được đối tác mua, họ sẽ phải ngắm nhìn thành phẩm của họ bị hoen rỉ. Thành phẩm mà người công nhân đã phải mất không biết bao nhiêu triệu giờ để làm nên.

Trong hậu trường của thỏa thuận Pháp – Nga, báo Le Figaro cho biết để có thể đạt được thỏa thuận đó, Paris và Moskva đã phải mất hết 8 tháng với ba vòng thương lượng căng thẳng và gian nan.

Nhưng Le Figaro cho rằng sở dĩ cả hai bên đã nhanh chóng tìm được đồng thuận với mức bồi thường thấp hơn đề xuất ban đầu của Nga đến 5 lần (Moskva yêu cầu đến 5 tỷ euro) là do bởi hai bên cùng có một lợi ích chung. Phía Nga gặp khó khăn trong kinh tế nên rất cần tiền mặt. Trong khi đó, về phía Pháp các hồ sơ nóng bỏng như Ukraina và chiến sự tại vùng Trung Cận Đông lại là những điểm gây bất đồng giữa Nga và Pháp nói riêng, và Nga – phương Tây nói chung.

Nói tóm lại, giờ thì “Nước Nga thở phào khi dứt bỏ được hồ sơ này”, theo như tựa đề bài viết khác của Le Figaro. Riêng nước Pháp sau khi đúc kết được thỏa thuận phải lo tìm một đối tác mua khác, nếu không tiền của và công sức coi như đổ sông đổ bể.

Ai Cập có thể là khách hàng mua lại tàu Mistral của Pháp
Hồi kết cho thương vụ tàu đổ bộ Mistral
Nga dồn toàn lực đóng siêu tàu đổ bộ thay thế Mistral
Nga lên sẵn phương án thay thế Mistral

Nh.Thạch

Năng lượng Mới