Vì sao an ninh năng lượng của Indonesia vẫn có thể bị tổn thương?

11:00 | 25/03/2013

848 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những tưởng, sở hữu một trữ lượng lớn tài nguyên than đá và khí đốt với vô vàn tiềm năng thừa để trở thành một nước xuất khẩu năng lượng ròng, Indonesia sẽ không phải “lăn tăn” nhiều về an ninh năng lượng. Tuy nhiên, những phân tích dưới đây lại cho thấy an ninh năng lượng của đất nước nghìn đảo vẫn có thể bị tổn thương.

Đâu là vấn đề?

Theo nhà nghiên cứu Karen Agustiawan, thuộc Trung tâm khoa học và các vấn đề quốc tế, Đại học Harvard (Mỹ) trong bài viết “Improving Indonesia’s energy security” (Cải thiện an ninh năng lượng của Indonesia) đăng trên Jakarta Post mới đây, an ninh năng lượng của Indonesia vẫn có thể bị tổn thương bởi sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu, sự biến động đột ngột giá năng lượng trên thế giới hay do sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia về sở hữu và quyền tiếp cận các nguồn năng lượng chiến lược. Để có thể thúc đẩy an ninh năng lượng, Indonesia nên bắt tay vào việc cải tạo các chính sách trong nước của mình.

Trước hết, việc phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Indonesia chính là “gót chân Achilles”, là yếu tố ảnh hưởng rất quan trọng đến an ninh năng lượng của nước này. Indonesia đã từng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tham gia Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tuy nhiên, đến năm 2008, nước này tuyên bố rút khỏi tổ chức này do đã trở thành một nước nhập khẩu dầu mỏ.

Với mức tiêu thụ dầu mỏ hiện nay khoảng 1,36 triệu thùng/ngày, cao hơn hẳn mức sản lượng khai thác hiện tại là 826.000 thùng/ngày, trong đó lại dành 30 – 40% để xuất khẩu,  Indonesia đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Trong khi đó, công suất của các nhà máy lọc dầu trên đất nước nghìn đảo mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước. Do đó, Indonesia phải dựa vào nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Số liệu của năm 2011 cho thấy, đất nước đông dân nhất Đông Nam Á đã nhập khẩu hơn 400.000 thùng dầu thành phẩm mỗi ngày.

Mặt khác, mặc dù là một nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên và than đá hàng đầu thế giới nhưng sự phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu còn khiến Indonesia phải đối mặt với rủi ro về giá cả và nguồn cung, đặc biệt trong bối cảnh các cú sốc địa chính trị đang chực chờ bùng nổ tại Trung Ðông.

Indonesia là nước xuất khẩu than đá hàng đầu thế giới

Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây bởi sản lượng khai thác của rất nhiều nước xuất khẩu dầu quan trọng đã bị ảnh hưởng bởi các bất ổn chính trị cả trong nước lẫn trong khu vực. Đơn cử như Iraq. Nỗ lực khôi phục quyền lực dầu mỏ một thời của Baghdad, từ việc gia tăng sản lượng khai thác đến thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp dầu mỏ,… đang vấp phải những khó khăn không nhỏ do căng thẳng sắc tộc, tình trạng bạo lực, chia rẽ chính trị sâu sắc trong nước. Người ta còn đang lo ngại rằng Iraq có thể quay trở lại thời kỳ nội chiến, đặc biệt là khi nước này đang cố gắng để cuộc xung đột ở nước láng giềng Syria không lan sang nước mình.

Hay như ở Iran – nước từng xuất khẩu dầu nhiều thứ 2 OPEC, vì không khuất phục trước áp lực của Mỹ và phương Tây mà từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình, ngành công nghiệp dầu mỏ cũng như việc xuất khẩu dầu mỏ của Tehran cũng gặp phải những khó khăn không nhỏ.

Bên cạnh đó, an ninh năng lượng của Indonesia còn dễ bị tổn thương do nguồn năng lượng tiêu thụ chủ yếu là hydrocarbon, chiếm tới 71% năng lượng tiêu thụ, trong đó, riêng dầu mỏ đã chiếm tới hơn 40%. Do đó, đa dạng hóa các nguồn năng lượng là rất cần thiết để có thể hỗ trợ an ninh năng lượng của đất nước nghìn đảo.

Đổi mới phải từ chính sách

Để giải quyết hiệu quả vấn đề an ninh năng lượng, theo nhà nghiên cứu Karen Agustiawan,  trước hết Indonesia phải xem xét lại chính sách năng lượng hiện tại. Đầu tiên là chính sách trợ giá năng lượng, được áp dụng từ những năm 1960 đến nay. Chính sách trợ giá này đã khiến giá năng lượng, vốn được xác định dựa trên quan hệ cung - cầu trở nên xa rời thực tế, khiến người tiêu dùng không ý thức được chi phí thực sự của năng lượng mà họ sử dụng. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều và lãng phí.

Thứ hai, với mức trợ cấp nhiên liệu đáng kinh ngạc và cực kỳ bất hợp lý như hiện nay (20%), ngân sách nhà nước của Indonesia liên tục bị thâm hụt. Thống kê công bố chính thức cho thấy, trong năm 2012, chính phủ Indonesia đã dành ngân sách 306.500 tỉ rupiah (31,8 tỉ USD) cho trợ giá năng lượng, tăng 24,3% so với năm 2011. Dự kiến, tiêu thụ nhiên liệu được trợ giá trong năm 2013 sẽ tăng 6,7% so với năm ngoái lên 48 triệu kilolitre.

Trong khi đó, khoản ngân sách này nếu được dành cho việc đầu tư cải thiện nguồn sinh kế, môi trường sống cho nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước sẽ tốt hơn. Bởi thực tế, chương trình Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) năm 2015 của Indonesia không đạt được tiến độ mong muốn một phần là do khan hiếm nguồn lực tài chính. Tỷ lệ dân số được tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường đã tăng không đáng kể và vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu.

Thứ ba là vấn đề chính sách – có quá nhiều khiếm khuyết. Không được đầu tư đầy đủ đúng mức, cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng Indonesia đã trở nên lạc hậu theo thời gian. Thực trạng này đã kìm hãm Indonesia ở đáy của chuỗi giá trị, khiến cho một đất nước giàu tiềm năng bỏ lỡ cơ hội tạo ra một nguồn cung năng lượng ổn định ở trong nước.

Bên cạnh đó là vấn đề phân cấp. Sự phân quyền cho chính quyền địa phương được tiến hành từ năm 2001 đã làm việc thực hiện chính sách năng lượng của Indonesia thiếu sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương. Mặc dù chính quyền địa phương có quyền đầu tư vào năng lượng tái tạo nhưng họ lại thiếu các định hướng chính sách mang tính quốc gia mà đáng lẽ phải được xây dựng bởi trung ương. Sự phối hợp lỏng lẻo này đã khiến kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia bị trật hướng.

Để khắc phục và cải thiện an ninh năng lượng cho Indonesia, theo tác giả, trước tiên, Jakarta cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng dựa nhiều hơn vào khí tự nhiên. Thực tế là sản lượng khí đốt tự nhiên của nước này đã tăng hơn 1/3 kể từ năm 2005 và đây là tiền đề khả thi để thúc đẩy việc sử dụng khí vỉa than (CBM) và khí hóa lỏng (LPG).

Bên cạnh đó, Indonesia cần phát huy tiềm năng to lớn về nguồn năng lượng tái tạo. vốn chưa được quan tâm xứng đáng của mình. Bởi mặc dù là đất nước quần đảo, nằm trải dài và rộng trên một vùng biển lớn, giàu tiềm năng năng lượng Mặt trời, gió, sóng biển, địa nhiệt, sinh khối, thủy điện, và nền kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh trên 6% trong những năm qua, song tỷ trọng năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm 5% trong tổng sản lượng điện năng của Indonesia.

Nói riêng như địa nhiệt, theo ước tính của Cơ quan Địa chất Quốc gia Indonesia, mới chỉ đóng góp khoảng 1.200 MW so với tiềm năng 27.000 MW (chiếm tới 40% dự trữ của thế giới). Song song với việc thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, chính phủ Indonesia cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến để tăng cường an ninh năng lượng.

Nếu có quyết tâm, đổi mới chính sách và phát huy đầy đủ các thế mạnh của mình, việc đảm bảo an ninh năng lượng với Indonesia chắc chắn sẽ là việc trong tầm tay.

Linh Phương (Theo Jakarta Post)