Ứng xử học đường chưa chuẩn mực - Vì đâu nên nỗi?

07:00 | 21/04/2018

2,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc làm xấu đi hình ảnh vốn được coi là chuẩn mực của nhà giáo. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như vậy? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với những người trong ngành giáo dục để tìm câu trả lời.  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Nặng dạy “chữ”, nhẹ dạy “người”

ung xu hoc duong chua chuan muc vi dau nen noi

Trước những sự việc liên tiếp xảy ra trong ngành giáo dục vừa qua, để chấn chỉnh và ngăn chặn những vụ việc tương tự, Bộ GD&ĐT đã đề ra một giải pháp có tính lâu dài. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp với các vụ, cục của Bộ và nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Tại đây, một số nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động tới văn hóa ứng xử trong trường học đã được phân tích, lý giải, đồng thời nhiều giải pháp cũng được đưa ra. Điển hình là nguyên nhân một số cơ sở giáo dục vẫn còn khá nặng việc dạy “chữ” mà nhẹ việc dạy “người”.

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào. Việc đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên trong các trường sư phạm còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa theo kịp biến động về tâm lý của học sinh, còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh.

Những tác động từ áp lực cuộc sống cũng là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều bậc cha mẹ phó thác con cái cho nhà trường làm cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo hay cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em, làm cho văn hóa ứng xử trong trường học không được tốt đẹp.

Để tăng cường văn hóa ứng xử trong trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo, cần bắt đầu từ quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó, chú ý tới đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho giáo sinh. Trong quá trình công tác, bản thân mỗi thầy cô giáo cũng cần tích cực trau dồi chuyên môn, đạo đức để nâng cao năng lực nghề nghiệp. Sắp tới, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện cả về phẩm chất và năng lực người học, cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.

Riêng các môn Đạo đức, Giáo dục công dân sẽ tăng về thời lượng, chất lượng, chú ý tới phương pháp dạy và học để vị thế của môn học được coi trọng đúng mức. Trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên và tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường phổ thông, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh…

Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường phổ thông sẽ được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới.

TS Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Để là nhà giáo đúng nghĩa không dễ dàng

ung xu hoc duong chua chuan muc vi dau nen noi

PV: Thưa ông, thời gian qua, trên báo chí, thông tin về những vụ việc liên quan đến giáo viên mà cụ thể là ứng xử của họ với học sinh bất ổn. Cảm nhận của ông như thế nào khi xem những thông tin đó?

TS Nguyễn Ngọc Ân: Trước hết phải nói là rất buồn, giống như chuyện trong gia đình có một người làm mất thể diện, uy tín của cả gia đình thì những người còn lại cảm thấy phiền lòng. Và đó là hành vi, ứng xử không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật giữa cha mẹ, giáo viên, học sinh. Câu chuyện mà tôi còn muốn nhắc đến trong trường hợp này là bố học sinh bắt giáo viên quỳ gối vì giáo viên đã phạt học sinh cũng bằng hình thức quỳ. Ứng xử và hành vi của những người trong vụ việc này không còn giới hạn chỉ riêng trong ngành giáo dục nữa, mà là mối quan hệ xã hội và dù ở ngành nghề nào thì họ cũng là sản phẩm của xã hội hiện nay.

PV: Nói vậy là nguyên nhân bắt nguồn từ xã hội?

TS Nguyễn Ngọc Ân: Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực trên. Trong đó có những nguyên nhân từ xã hội với lối sống thiếu kỷ cương, không mẫu mực trong việc chấp hành luật pháp và nhận thức pháp luật của khá nhiều người còn hạn chế. Không loại trừ một nguyên nhân nữa là áp lực cuộc sống, áp lực mưu sinh cũng tạo ra những tính xấu, nhất là trong trường hợp thiếu kỹ năng xử lý.

Hãy nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và toàn diện hơn thay cho việc quy chụp. Theo tôi, những gì xảy ra ở nhà trường, với giáo viên và học sinh thì đều đổ lỗi cho ngành giáo dục là không công bằng. Vì như tôi đã nói, họ cũng là sản phẩm chung của xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những gì họ gây ra có trách nhiệm của ngành giáo dục. Nhiều hiện tượng xảy ra được báo chí thông tin cho thấy sự thiếu hụt về năng lực sư phạm của một số giáo viên, không loại trừ yếu tố đạo đức trong một số trường hợp. Ví dụ việc giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng chẳng hạn. Cách hành xử đó không phải là của một người bình thường, chứ chưa nói đến một nhà giáo. Nhà giáo là sản phẩm của các cơ sở đào tạo giáo viên, vì vậy chắc chắn các trường sư phạm cũng có trách nhiệm không nhỏ đối với các “sản phẩm bị lỗi” này.

PV: Ông có cho rằng, đặc thù nghề nghiệp chỉ nói cho người khác nghe cũng tạo nên cho giáo viên một quyền lực, một tư duy của người ban phát trong giáo dục cho nên mới dẫn đến những chuyện không hay như trên?

TS Nguyễn Ngọc Ân: Nhà trường có quyền, giáo viên có quyền, nhưng không phải là bề trên ban phát hay quyền “hành” người khác. Điều này được quy định rất rõ trong các văn bản quy định đối với nhà trường, với giáo viên như: Điều lệ trường học, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp… Khi một số hiện tượng tiêu cực gần đây được phát hiện, có thể do giáo viên nhận thức chưa đúng đắn về “quyền” của mình, dẫn đến thực trạng quyền được làm thì làm chưa tốt nhưng lại đi làm cái việc không được quyền làm.

Với gần 1,5 triệu giáo viên trên khắp cả nước hiện nay, những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra không phải là phổ biến. Còn rất nhiều tấm gương thầy cô tâm huyết, giỏi nghề, rất nhiều vị cha mẹ hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, kính trọng, giúp đỡ thầy cô. Đa số các em học sinh là những trò giỏi, con ngoan.

Để thay đổi thực trạng đó, tự mỗi giáo viên nên tìm hiểu, đọc kỹ, hiểu rõ các văn bản quy định nhiệm vụ, nghĩa vụ của giáo viên, học hỏi từ rất nhiều những đồng nghiệp giỏi nghề, có tư cách đạo đức chuẩn mực, có thâm niên nghề giáo cao… rồi mới có thể dạy học một cách tử tế, để không trở thành một “thợ dạy” đơn thuần.

Qua theo dõi, các hiện tượng giáo viên yếu năng lực và vi phạm đạo đức phần nhiều là giáo viên trẻ, mới ra trường, kinh nghiệm và tuổi nghề còn hạn chế. Các kỹ năng hành xử trong cuộc sống chắc chắn còn thiếu và hiển nhiên khi đối mặt với những áp lực trước công việc, trước các tình huống sư phạm phức tạp, bất ngờ, dễ dẫn đến ngợp và bột phát những hành vi thiếu kiểm soát. Nói vậy cũng có nghĩa là nghề dạy học rất khó và để trở thành nhà giáo đúng nghĩa thì không hề dễ dàng.

PV: Ông vừa nhắc đến trách nhiệm của các trường sư phạm, nơi đào tạo ra các giáo viên “bị lỗi”. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

TS Nguyễn Ngọc Ân: Hiện nay, trong các cơ sở đào tạo giáo viên, việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đã được coi trọng chưa và hiệu quả của các học phần tâm lý giáo dục như thế nào, vẫn là một câu hỏi lớn. Phần lớn sinh viên trong quá trình học tập tại trường đều chú trọng nhiều đến kiến thức chuyên ngành mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố hành nghề dạy học. Vì thế, bản thân họ không dành nhiều sự quan tâm và đương nhiên sẽ bị lỏng lẻo về mặt kỹ năng khi đảm nhiệm công việc của một giáo viên thực sự. Thời lượng dành cho rèn luyện tay nghề trong trường sư phạm cũng chưa bảo đảm. Chúng ta cũng nên nhớ: Dạy học là một nghề tương đối đặc biệt, nó đòi hỏi năng khiếu và tố chất rất riêng.

ung xu hoc duong chua chuan muc vi dau nen noi

PV: Như vậy có thể hiểu, những kỹ năng “mềm” để xử lý các tình huống trong giáo dục, giáo viên cũng chưa được đào tạo kỹ khi còn ngồi trên ghế giảng đường?

TS Nguyễn Ngọc Ân: Có thể hiểu như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nói, với gần 1,5 triệu giáo viên trên khắp cả nước hiện nay, những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra không phải là phổ biến. Còn rất nhiều tấm gương thầy cô tâm huyết, giỏi nghề, vững nghiệp, rất nhiều vị cha mẹ hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, kính trọng, giúp đỡ thầy cô. Đa số các em học sinh là những trò giỏi, con ngoan. Vì thế, các thầy cô giáo cũng không nên hoang mang, dao động, mất phương hướng. Đây là thời điểm cần thiết để các thầy cô thể hiện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng tự tin và trách nhiệm với nghề nghiệp.

PV: Để giải quyết và hạn chế các sự việc về ứng xử học đường không chuẩn mực, theo ông chúng ta phải làm gì?

TS Nguyễn Ngọc Ân: Theo tôi, việc đi giải quyết từng trường hợp là cần thiết, nhưng đã đến lúc cần có cách giải quyết căn cơ hơn, đi vào bản chất hơn là: Tất cả các trường, đoàn thể trong trường và mỗi giáo viên ngay lập tức phải tự nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại tổ chuyên môn mình, trường mình. Rất có thể một ngày nào đó lại xảy ra việc với chính mình thì mình xử lý như thế nào. Phải đặt ra tình huống như vậy, bởi cuộc sống với sự vận động phức tạp dễ dẫn đến những diễn biến tâm lý khó lường của học sinh, những phản ứng bất ngờ của cha mẹ… cho nên mỗi người trong ngành, mỗi giáo viên đứng trên bục giảng phải chủ động chuẩn bị.

Cũng ngay lúc này, bên cạnh chủ động trang bị “kỹ năng mềm”, những người làm công tác quản lý như hiệu trưởng, ban giám hiệu, các tổ trưởng, ban chấp hành công đoàn của mỗi trường… phải bắt tay vào xây dựng “Chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường” để tạo dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, trên cơ sở đó giúp mọi người nhận thức bạo lực là điều phải tránh xa. Ngoài ra, cần tổ chức các khóa tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép các buổi sinh hoạt chuyên môn nội dung nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nghề dạy học, trang bị những kỹ năng ứng xử sư phạm trong các tình huống với đồng nghiệp, với cha mẹ và đặc biệt là với học sinh. Các trường cần thiết phải tập huấn lại cho giáo viên hiểu và biết cách sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực - một nội dung mà Bộ GD&ĐT đã triển khai từ lâu nhưng hình như thời gian gần đây đang bị lãng quên trong các nhà trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Bạo lực và sử dụng nhục hình là điều tối kỵ

ung xu hoc duong chua chuan muc vi dau nen noi

Có thể nói, những sự việc xảy ra vừa qua với các nhà giáo, trước tiên các thầy cô giáo đã hành xử không đúng nguyên tắc sư phạm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo. Dường như nhiều thầy cô giáo không ý thức về nghề nghiệp và việc giữ gìn hình ảnh của mình. Do đó mới có việc cô quỳ gối trước mặt học trò, vì nghĩ rằng làm thế cho qua chuyện để mình không bị kỷ luật, chứ không nghĩ đến việc gìn giữ hình ảnh nhà giáo của mình.

Thêm nữa, các thầy cô không nắm được nguyên tắc sư phạm, tức là nghề nghiệp không tinh thông, coi thường tâm lý giáo dục. Đáng lo ngại là vẫn còn mang nặng tư tưởng quyền uy trong nhà trường. Điều này rất nguy hiểm. Để giáo dục học sinh, trong nguyên tắc và phương pháp sư phạm thì nhà giáo được quyền phạt học sinh để duy trì nề nếp kỷ luật của nhà trường, của lớp học. Tuy nhiên, dù hình thức kỷ luật nào cũng không được hạ nhục, vi phạm nhân cách học sinh.

Theo quan điểm của tôi, là nhà sư phạm trước hết phải khoan dung với học trò, nghĩ ra cách giáo dục chứ không phải trừng phạt học trò. Những cách hành xử của giáo viên trong thời gian qua là rất đáng lên án, cần xem xét lại phẩm chất đạo đức nhà giáo và nghiệp vụ sư phạm quá kém. Bạo lực và sử dụng nhục hình là điều tối kỵ. Giáo viên không có sự tôn trọng học sinh. Những hình phạt, cách cư xử không chuẩn mực của giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự hình thành nhân cách các em sau này.

Xâu chuỗi các sự việc vừa qua, từ chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ, cô giáo không giảng bài khi lên lớp, thầy giáo văng tục, miệt thị học sinh trong giờ dạy, đến cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng… đều xuất phát từ một điểm chung đó là cách dạy quyền uy, áp đặt, tự cho mình quyền uy tuyệt đối với học trò. Đây đang là phương pháp giảng dạy hết sức sai lầm, song điều đáng tiếc là phương pháp này vẫn đang phát triển trong các nhà trường. Chúng ta phải lên án mạnh mẽ những phương pháp giảng dạy đó mới có thể hạn chế được những việc làm sai trái, đáng tiếc của các thầy cô giáo đối với học sinh.

Bên cạnh việc xử lý kỷ luật, giáo viên cũng cần xây dựng cho các em tinh thần kỷ luật tự giác. Để làm được điều này cần mất nhiều thời gian, là cả một quá trình giáo dục học sinh về giá trị sống, kỹ năng sống, giúp học sinh hiểu ý nghĩa của kỷ luật và biết tự chịu trách nhiệm. Các hình thức kỷ luật cũng cần rõ ràng, công khai. Kỷ luật trên nguyên tắc để giáo dục chứ không phải là hạ nhục hay làm tổn thương học sinh.

Usinxki - nhà giáo dục danh tiếng của thế giới cho rằng: Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào. Nghề dạy học là cao quý vì nó phát triển nhân cách, xây dựng tương lai cho mỗi đứa trẻ. Vì thế, tôi cho rằng, việc thầy cô giữ hình ảnh của mình, giữ nhân cách của mình là vô cùng quan trọng, không chỉ cho bản thân mình mà đây cũng chính là công cụ để dạy học, công cụ để phát triển nhân cách cho chính học trò của mình. Đó là một đòi hỏi của nghề nghiệp, đòi hỏi của xã hội, nếu ai không đáp ứng được thì không nên theo nghề giáo.

Nhóm P.V