Trung Quốc "phũ" với láng giềng gần gũi nhất

07:00 | 03/04/2015

1,574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu trả lời của Trung Quốc là “không thể”, các nguồn tin ngoại giao đã tiết lộ như vậy với tờ Emerging Markets. Câu trả lời phũ phàng này đã khiến Bình Nhưỡng thực sự sốc và ngỡ ngàng.

 Trung Quốc đã khiến nhiều người bất ngờ khi phũ phàng từ chối nguyện vọng của đồng minh Triều Tiên về việc tham gia vào dự án Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng và chủ trì. Đây là thông tin được xác nhận bởi các nguồn tin ngoại giao Trung Quốc trên tờ tin tức Emerging Markets.

Tháng 10/2014, Trung Quốc cùng 20 quốc gia khác đã kí Biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB


Một phái đoàn Triều Tiên hồi tháng 2 được cho là đã đặt vấn đề với Trung Quốc để tham gia vào dự án ngân hàng do Bắc Kinh chủ trì. Đây là dự án được Trung Quốc đưa ra nhằm thiết lập một đối thủ với Ngân hàng Thế giới do Mỹ lãnh đạo.
 
Tuy nhiên, điều đáng nói là Triều Tiên chỉ nhận được sự cự tuyệt thẳng thừng từ đồng minh lớn nhất và thân thiết nhất sau khi Bình Nhưỡng không cung cấp được đầy đủ thông tin về tình trạng kinh tế và tài chính của Triều Tiên.
 
Câu trả lời của Trung Quốc là “không thể”, các nguồn tin ngoại giao đã tiết lộ như vậy với tờ Emerging Markets. Câu trả lời phũ phàng này đã khiến Bình Nhưỡng thực sự sốc và ngỡ ngàng. Bình Nhưỡng đang nhận được những khoản vay từ Trung Quốc nhưng Bắc Kinh nói rằng Bình Nhưỡng sẽ phải trả lại những khoản vay cho ngân hàng AIIB bởi đây là “một thể chế được lập ra không phải để phân phát những khoản viện trợ".
 
Trung Quốc là đồng minh lớn nhất, thân nhất cũng là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Triều Tiên. Vì thế, Bắc Kinh được tin là nước có ảnh hưởng nhất đối với Bình Nhưỡng.
 
Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền, chính quyền Triều Tiên đã liên tục có những bước đi phớt lờ, không để tâm gì đến lập trường, quan điểm của người bạn khổng lồ Trung Quốc kế bên. Bất chấp sức ép và mọi lời kêu gọi của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa. Bắc Kinh không ít lần cảm thấy “bẽ mặt” vì bị Triều Tiên qua mặt. Chính vì lý do này, quan hệ thắm thiết một thời giữa Trung Quốc và Triều Tiên bắt đầu có dấu hiệu xa cách dần. Trung Quốc đã không còn ngại ngần chỉ trích Triều Tiên cũng như tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong việc đưa ra biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
 
Mặc dù Bắc Kinh không dám làm căng quá mức với Bình Nhưỡng nhưng người ta vẫn thấy rõ sự không hài lòng, mất kiên nhẫn của chính quyền Trung Quốc đối với đồng minh thân thiết của họ. Một trong những biểu hiện rõ nét gần đây về sự lạnh nhạt của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng là chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Seoul hồi năm ngoái. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn Hàn Quốc thay vì Triều Tiên để đến thăm trong chuyến công du đầu tiên đến bán đảo Triều Tiên kể từ khi ông này lên cầm quyền.
 
Việc Trung Quốc thẳng thừng cự tuyệt mong muốn tham gia dự án AIIB của Triều Tiên cũng là một dấu hiệu thêm nữa chứng tỏ mối quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Triều Tiên không còn gắn bó chặt chẽ như trước.
 
AIIB là một thể chế tài chính quốc tế được thành lập theo sáng kiến của Trung Quốc nhằm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Dự luật thiết lập ngân hàng với số vốn đăng ký lên tới 100 tỉ USD đã được 21 quốc gia ký kết vào tháng 10 năm 2014.
 
Ngân hàng khu vực mới là dự án gây lo ngại cho Mỹ bởi nó có khả năng trở thành đối thủ của các thể chế tài chính do phương Tây chủ trì. Điều khiến Washington cảm thấy bất an hơn là một loạt đồng minh của họ như Anh, Italia, Pháp, Đức, Australia... đều muốn tham gia vào dự án ngân hàng của Trung Quốc. Đây được xem là một bức tranh không mấy sáng sủa cho Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới và nhiều thể chế tài chính quốc tế khác.
 
Hàng loạt đồng minh của Mỹ tham gia dự án của Trung Quốc
 
Dự án ngân hàng của Trung Quốc hiện tại đã thu hút được sự tham gia của hàng chục nước, trong đó có nhiều nước lớn như Nga, Anh, Đức, Pháp, Australia, Italia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil....
 
Tuy nhiên, vào phút cuối, đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á – Nhật Bản đã từ chối tham gia vào dự án ngân hàng của Trung Quốc.
 
Nhật Bản – một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, sáng nay (31/3) đã chính thức khẳng định, nước này chưa tham gia vào dự án ngân hàng AIIB của Trung Quốc. Câu trả lời này của Nhật Bản được đưa ra khi mà hạn định ngày 31/3 để trở thành một thành viên sáng lập của ngân hàng sắp hết.
 
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso cho biết, Nhật Bản sẽ không tham gia vào dự án Ngân hàng phát triển Hạ tầng Châu Á (AIIB), báo chí địa phương đưa tin.
 
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp nội các diễn ra ngày hôm nay, Ngoại trưởng Aso cho hay, Nhật Bản vẫn giữ lập trường thận trọng đối với dự án AIIB, hãng tin Kyodo News của Nhật Bản đưa tin.
 
Nhật Bản cùng với đồng minh Mỹ đều cho thấy một lập trường thận trọng đối với dự án AIIB bất chấp những lời kêu gọi từ các chuyên gia và giới doanh nhân nói rằng Nhật Bản nên có một thái độ tích cực với ngân hàng phát triển mới.
 
Tính đến nay, đã có hơn 40 nước đã nộp đơn xin tham gia vào dự án ngân hàng AIIB, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn của thế giới.
 
AIIB với mục tiêu hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của Châu Á dự kiến sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm nay. Việc nộp đơn xin gia nhập sẽ hết hạn vào ngày hôm nay (31/3) và danh sách các thành viên sáng lập sẽ được công bố vào ngày 15/4.

Theo VnMedia