Trung Quốc có nguy cơ hầu tòa

07:00 | 23/04/2016

3,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 18/4, Trung Quốc bị hơn 30 quốc gia đưa ra “hỏi tội” tại Brussels, Bỉ vì đã lũng đoạn thị trường thép toàn cầu, với giá bán rẻ hơn chi phí sản xuất và vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Cuộc “luận tội” Trung Quốc dưới sự chủ trì của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE). Trong đó, Bộ trưởng Thương mại và đại diện nhiều quốc gia châu Âu cùng Mỹ cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt nhà máy thép ở nước họ, khiến hàng chục nghìn người mất việc làm.

Tata Steel, tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ 6 thế giới vừa thông báo kế hoạch bán các nhà máy thép tại nước Anh, khiến 15.000 lao động tại “xứ sở sương mù” đứng trước nguy cơ mất việc. Công nhân ngành thép khắp châu Âu và Mỹ đã biểu tình phản đối cách làm ăn bất chính của các doanh nghiệp thép Trung Quốc. Ngày 17/4, hơn 40.000 công nhân ngành thép Đức đã biểu tình phản đối việc nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc.

trung quoc co nguy co hau toa
Công nhân ngành thép châu Âu biểu tình chống Trung Quốc

Các bên đứng ra tố cáo cho rằng, Trung Quốc do dư thừa quá mức thép nên đã bán ra thị trường với giá rẻ, thấp hơn cả giá sản xuất và như thế là không tôn trọng luật chơi của quốc tế.

Bắc Kinh chỉ cử Thứ trưởng Thương mại Zhang Ji đến tham dự cuộc “luận tội” này. Phát biểu bào chữa cho mình, ông Zhang Ji nói rằng, Trung Quốc không trợ giá với thép xuất khẩu. Tất cả những gì họ làm đều tuân thủ luật của Tổ chức Thương mại thế giới. Đại diện Trung Quốc còn đổ vấy cho sự giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới, dẫn đến tình trạng dư thừa thép.

Tuy nhiên, lập luận của Bắc Kinh lập tức bị bác bỏ, nhất là các đại diện Mỹ và châu Âu. Robert Holleyman, Phó đại diện Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, sản lượng thép của Trung Quốc hiện vượt xa nhu cầu nội địa của nước này.

Trung Quốc hiện là nước đứng đầu thế giới về thép, đã tiến hành cải cách ngành thép từ năm 2005-2009. Tháng 10/2009, Quốc vụ viện Bắc Kinh đưa ra một số biện pháp tiết giảm sản lượng thép vì sản xuất thừa thì thống kê công bố ngày 21/9 năm đó cho thấy, sản lượng thép thô vào tháng 8 lại tăng 22% để lên tới hơn 52 triệu tấn. Một kỷ lục mới giữa thời suy trầm, khi sản lượng các nước đều giảm.

Tìm hiểu rõ hơn thì thấy rằng chính sách thép do Ủy ban Cải tạo và Phát triển Quốc gia ban hành từ năm 2005 nhằm tái phối trí để nâng cao hiệu năng của các doanh nghiệp sản xuất thép, khi sản lượng thép của Trung Quốc đã đủ cho nhu cầu từ 2006 và từ đấy thừa thép để xuất khẩu.

Nhưng khi kinh tế toàn cầu suy trầm, lượng thép tiêu thụ đều giảm trên thế giới, số thặng dư đó mới là vấn đề. Vì do hiệu năng kém, công nghiệp thép Trung Quốc gây ô nhiễm và ngốn nguyên nhiên liệu khiến giá tăng vọt và nhà nước lại nhảy vào điều tiết để giữ giá nội địa cho thấp.

Kết quả chẳng những công nghiệp thép của Trung Quốc không phát triển nhờ cạnh tranh và đào thải, mà tiếp tục bị phân tán mỏng trong nước với giá lệch lạc. Các nhà máy phì phò thán khí và tạo ra ấn tượng công nghiệp hóa tưng bừng.

Và vì Ủy ban Cải tạo đặt ra sản lượng tối thiểu nếu không thì dẹp lò, các địa phương đều thi đua đầu tư và tuyển dụng để sản xuất cao hơn định mức ấy: kết quả đi ngược với mục tiêu của trung ương! Hiện nay mỗi năm Trung Quốc thừa khoảng 350 triệu tấn thép, trong lúc cả châu Âu chỉ sản xuất 170 triệu tấn.

Khi chính quyền Bắc Kinh hiểu chuyện thì quá muộn, sắt thép của Trung Quốc dư thừa bừa phứa. Để thu hồi ngân sách, Trung Quốc xuất khẩu thép ra ngoài với giá rẻ mạt. Hậu quả là nhiều nhà máy thép ở những nước bị thép Trung Quốc xâm chiếm đã phải đóng cửa, sa thải công nhân hàng loạt.

Cuộc luận tội Trung Quốc hôm 18/4 không đưa tới kết luận gì. Trung Quốc và các quốc gia sản xuất thép hàng đầu khác không nhất trí được các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng ngành thép hiện nay.

Ngay sau đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và 6 quốc gia khác kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng dư thừa sản lượng thép trên toàn cầu. Theo một tuyên bố chung do Bộ Thương mại Mỹ công bố, các đại diện của Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thuận trí phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành công nghiệp thép theo định hướng của thị trường. Các nước trên cũng nhất trí rằng, các chính phủ không nên trợ giá và có các hình thức hỗ trợ khác để duy trì các nhà máy thép làm ăn thua lỗ hoặc khuyến khích việc gia tăng sản lượng.

Trước đó, các nước châu Âu cũng đã xem xét mọi biện pháp để cứu ngành thép nội địa và ngăn sự tấn công của thép giá rẻ Trung Quốc. Tại cuộc họp của Hội đồng Cạnh tranh Liên minh châu Âu gồm 28 Bộ trưởng Công nghiệp hồi tháng 2/2016, Chủ tịch luân phiên EU, Bộ trưởng Hà Lan Henk Kamp cam kết ủng hộ các lời yêu cầu của những nước thành viên trước Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thời gian của các cuộc điều tra chống phá giá.

Ông Kamp tuyên bố: “Chúng ta khẩn thiết phải đưa ra các hành động cụ thể, áp dụng được trong thời gian ngắn”. Ông cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu rút ngắn ít nhất 2 tháng cho khoảng thời gian dành cho các điều tra chống phá giá mà vẫn phải đảm bảo chất lượng điều tra. Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích thời hạn 9 tháng để châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt thuế quan đối với các công ty thép Trung Quốc, bị nghi ngờ cạnh tranh bất chính; trong khi Mỹ chỉ cần 2 tháng cho việc đó. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, trung bình, Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng gấp 3 lần so với châu Âu.

Trong một bức thư gửi Ủy ban châu Âu, các bộ trưởng Đức, Pháp, Italia, Anh, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ suy sụp của ngành thép của châu Âu do sự phá giá của Trung Quốc, chủ yếu là trong ngành sản xuất thép cán nóng.

Châu Âu được kêu gọi “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” và “hành động kiên quyết để đáp trả thách thức mới này”. Một trong các mong muốn là châu Âu áp dụng thuế hải quan đối với nhập khẩu ngay khi có mối đe dọa thiệt hại - như Mỹ đang làm - mà không đợi đến lúc các thiệt hại được ghi nhận rõ ràng.

5 quốc gia khác là Tây Ban Nha, Áo, Rumani, Cộng hòa Séc và Slovakia, cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi này. Ngành công nghiệp luyện thép của châu Âu hiện cung cấp trực tiếp 330.000 việc làm tại 500 cơ sở sản xuất.

S.Phương (tổng hợp)

Năng lượng Mới 516