Toàn cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan

14:47 | 13/03/2017

845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan xảy ra hôm 11/3 và tiếp tục leo thang, bắt nguồn từ việc Hà Lan cấm không cho Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống thành phố Rotterdam (Hà Lan). Quyết định này đã làm cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan giận dữ và dọa sẽ trả đũa.
toan canh cuoc khung hoang ngoai giao giua tho nhi ky va ha lan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Sự việc này đã góp thêm vào danh sách những căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước châu Âu sau khi chính quyền Ankara tổ chức chiến dịch vận động bỏ phiếu trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Và tình hình căng thẳng đang ngày càng leo thang.

Trong khuôn khổ cuộc trưng cầu ngày 16/4 sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao nước này là Mevlut Cavusoglu đã có chuyến bay đến Rotterdam để tham gia vận động bỏ phiếu. Nhưng Hà Lan đã bày tỏ phản đối với chuyến đi này.

Mặc dù đã bị phản đối nhưng Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu vẫn làm theo đúng lịch trình trước đó và đe dọa sẽ “trả đũa nặng” nếu các nhà chức trách Hà Lan dám ngăn cản ông. Kết quả là Hà Lan đã không cho máy bay của ông Cavusoglu hạ cánh tại Rotterdam. Chính quyền Hà Lan giải thích rằng chuyến đi này là mối đe dọa đến trật tự công cộng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người tích cực ủng hộ bỏ phiếu cải cách để tăng thêm quyền hạn cho mình, đã lên án Hà Lan là tàn dư của “chủ nghĩa phát xít”. Để đáp lại, ông cho biết: “Họ có thể chặn chuyến bay của Bộ trưởng Ngoại giao chúng tôi, nhưng xem thử từ giờ các chuyến bay của họ đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hạ cánh bằng cách nào”. Tuy nhiên, ông nói rõ, lời cảnh cáo này không áp dụng cho những công dân Hà Lan.

Ít gay gắt hơn, Ngoại trưởng Cavusoglu bày tỏ "không thể chấp nhận" được lệnh cấm mà ông gặp phải. Tại thành phố lớn Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 500 người biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Hà Lan để ủng hộ thái độ của chính quyền Ankara.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói ông Erdogan đã "vượt quá giới hạn". Theo AFP, một quan chức giấu tên tại Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà chức trách đã cho triệu tập các doanh nghiệp Hà Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu ký bản kháng nghị phản đối hành động của chính quyền Rotterdam.

Trên trang Facebook, Thủ tướng Hà Lan nhận định ông Mevlut Cavusoglu đang ngầm phá hoại các cuộc đàm phán bằng cách kêu gọi những người ủng hộ ông tập hợp thành một đám đông lớn và hành động đe dọa trừng phạt của nhà lãnh đạo ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ "không phải là một giải pháp hợp lý".

Thủ tướng Mark Rutte tiếp tục chia sẻ: "Người dân Hà Lan có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ có thể bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Hà Lan không có ý kiến với việc có những đám đông tập hợp vì vấn đề này. Nhưng những cuộc họp mặt không thể gây ra căng thẳng trong xã hội và bất cứ ai muốn tổ chức một cuộc biểu tình thì cần phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo trật tự và an ninh công cộng".

Sau khi bị từ chối cho đáp xuống Hà Lan, tối 11/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ cánh an toàn tại Metz (Pháp), tại đây ông tham dự cuộc mít-tinh diễn ra vào ngày hôm sau, 12/3. Không giống với quyết định của Chính phủ Hà Lan, Tỉnh trưởng Moselle của Pháp lại nghĩ rằng cuộc họp mặt sẽ không gây ra rối loạn trật tự công cộng. Tuy nhiên, cũng có nhiều nước châu Âu cấm tụ họp như Áo và Thụy Sĩ hôm 11/3.

Theo Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), cũng ngay hôm thứ 7 Bộ trưởng phụ trách về gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ, Fatma Betül Sayan Kaya đã thực hiện chuyến đi bằng đường bộ đến Rotterdam từ thành phố Dusseldorf (Đức), nhưng đã bị cảnh sát chặn đường đến lãnh sự quán. Hình ảnh chụp lại cho thấy xe của bà Sayan Kaya bị ngăn lại ngay lối vào trụ sở.

Hiện tại, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phong tỏa trước các trụ sở sứ quán Hà Lan với “lý do an ninh”.

Chiến dịch vận động bỏ phiếu của Thổ Nhĩ Kỳ là nguồn gốc dẫn đến nhiều căng thẳng giữa nước này và một số nước châu Âu, khởi điểm là việc Bruxelles giải tán các cuộc vận động ủng hộ ông Erdogan tại nhiều thành phố. Ngày 5/3, Ankara lên án đây là hành vi "phát xít", và gây ra phẫn nộ cho Đức và Bỉ. Nhưng nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi mọi người nên giữ bình tĩnh.

H.Phan