Thị trấn Trung Quốc trông chờ thương mại với Triều Tiên hồi sinh

09:54 | 24/06/2018

202 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Toàn bộ hoạt động kinh tế của Hunchun, từ dòng chảy dầu mỏ, than đá, hải sản đến lao động phổ thông đều sụt giảm mạnh vì thương mại với Trung Quốc gián đoạn.

Nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, bên bờ sông Đồ Môn sát biên giới Triều Tiên là các nhà kho, container và cảng dỡ hàng của Hunchun Posco Hyundai Logistics International. Liên doanh này đã được đầu tư 100 triệu USD, với sự kết hợp của 3 đại gia công nghiệp Hàn Quốc. Đây là khoản đặt cược khổng lồ vào sự ấm lên trong quan hệ Trung - Triều.

Oh Jong-soo là giám đốc tại đây. Ông cho biết các cơ sở này gần đây gần như đình trệ. Chỉ khoảng 10 trên 26 nhà máy là có hoạt động, mà công suất cũng chỉ đạt 37%.

thi tran trung quoc trong cho thuong mai voi trieu tien hoi sinh
Cây cầu nối Hunchun (Trung Quốc) với Rason (Triều Tiên). Ảnh: AFP

Oh tỏ ra khá buồn bã khi nhớ lại sự lạc quan bao trùm cả thị trấn sau các cuộc gặp của lãnh đạo Triều Tiên với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ hơn hai tháng qua. Tuy nhiên, thương mại tại đây - vốn bị đình trệ bởi các lệnh trừng phạt của Liên hợp Quốc năm ngoái - vẫn chưa nhúc nhích. Ông cho biết các lệnh trừng phạt từ tháng 8 năm ngoái đã khiến công ty ông không thể nhập khẩu 5.000 tấn hải sản từ Triều Tiên.

“Sau các cuộc gặp thượng đỉnh, chúng tôi đều trông đợi quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên ấm lên. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì tốt cả”, Oh nói.

Việc Trung Quốc quay lưng với Triều Tiên được cho là một trong những yếu tố buộc nhà lãnh đạo Kim Jong Un tìm đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với phương Tây. Khoảng 90% thương mại của Triều Tiên là thông qua Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất đến nay với Bình Nhưỡng. Các lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng đến Trung Quốc - chủ yếu tại các thị trấn biên giới như Hunchun.

Khi Liên hợp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc lên Triều Tiên, các thị trấn này ngay lập tức chịu ảnh hưởng. Dòng chảy dầu mỏ, than đá, hải sản và cả lao động phổ thông đều sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc còn áp dụng nhiều biện pháp hơn những gì Liên hợp Quốc bắt buộc.

“Về cơ bản, tất cả thương mại với Triều Tiên ngừng hẳn lại”, Liang Jingbo - chủ một cửa hàng hải sản tại Hunchun cho biết. Lệnh này đã buộc họ nhập hải sản từ Nga với giá gần gấp đôi Triều Tiên. “Không chỉ hải sản đâu, toàn bộ nền kinh tế của Hunchun đều bị ảnh hưởng”, ông nói.

Việc này còn khiến số lao động phổ thông giảm đi, giá bất động sản và doanh thu các nhà hàng tuột dốc. Kể cả các công ty không trực tiếp bị trừng phạt, như hãng du lịch Trung Quốc ở Triều Tiên, cũng khó làm ăn.

Vì thế, những cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp của lãnh đạo Triều Tiên với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ gần đây đã khiến người dân thị trấn này hy vọng sẽ có sự thay đổi. Zheng Jia Liang - một nhân viên môi giới bất động sản tại Hunchun cho biết giá nhà đã tăng 10% trong tháng qua, do nhu cầu từ “nhiều người ngoài thị trấn”.

Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan gia tăng, các động thái mở cửa biên giới vẫn chưa được thực hiện. Trung Quốc cho biết vẫn tiếp tục tuân theo các lệnh trừng phạt của Liên hợp Quốc, đồng thời cũng thúc đẩy việc nới trừng phạt cho nước này.

Dù vậy, Bắc Kinh dường như đang nới lỏng sức ép với các khu vực không bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt. Ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, Air China đã khôi phục các tuyến bay Bắc Kinh - Bình Nhưỡng sau 5 tháng đình chỉ.

Một nhân viên du lịch tại Kanghui International Travel Service (Đan Đông, Trung Quốc) cũng xác nhận khách du lịch tới Triều Tiên tháng qua đã tăng, nhưng không chắc chắn lý do. Một đại lý du lịch khác cũng khẳng định điều này. “Giới chức Trung Quốc dường như đang bật đèn cho các lĩnh vực không bị Liên hợp Quốc trừng phạt”, như du lịch - một quan chức ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Ở Hunchun, động lực chính để khách du lịch tới đây những năm qua là mua hải sản ở siêu thị Triều Tiên và mang về Trung Quốc. Việc này đang bị coi là bất hợp pháp.

Đầu tuần, hơn 20 xe tải cũng xếp hàng đợi đi qua biên giới. Tuy nhiên, một tài xế cho biết việc giao thương vẫn chưa được cho phép. Các khu ký túc xá từng là nơi ở của lao động Triều Tiên tại Khu Hợp tác Kinh tế Hunchun giờ không một bóng người.

Tuy nhiên, số dự án cơ sở hạ tầng tại đây là tín hiệu cho thấy giới chức địa phương khá lạc quan về viễn cảnh bình thường hóa quan hệ và mở cửa biên giới. Một cây cầu mới đã được xây dựng bắc qua sông Đồ Môn, bên cạnh cây cầu cũ xây bởi người Nhật năm 1938. Một văn phòng hải quan mới cũng đang được xây tại đây.

Hunchun cũng đã có một tuyến tàu cao tốc. Người dân thị trấn này hy vọng ngày nào đó, nó có thể đến thẳng Triều Tiên.

Nhà máy của Posco Hyundai cũng vậy. Được đầu tư bởi Posco, Hyundai và Lotte, dự án khởi công năm 2012 và hoạt động từ năm 2015. Ban đầu, nó dự định mở cửa hoàn toàn năm tới, nhưng sau đó bị trì hoãn vì lý do sản xuất. Thương mại hồi sinh sẽ giúp nhà máy này thoát cảnh khó khăn.

Vnexpress.net