THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc xây thêm đường băng thứ hai ở Trường Sa?

06:00 | 04/08/2015

2,479 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hãng tin Pháp AFP ngày 3/7 tiết lộ Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng thêm một đường băng thứ hai dài 3km trên một đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc xây thêm đường băng thứ hai ở Trường Sa?
Ảnh vệ tinh chụp Đá Xu Bi trong 2 thời điểm khác nhau

Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.000 m trên Đá Chữ Thập thuộc cụm Nam Yết. Đây là sân bay dài nhất ở khu vực Trường Sa. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), đường băng này có thể sử dụng cho các hoạt động tác chiến của Trung Quốc. Sân bay này nằm cách đất liền gần nhất của Trung Quốc là đảo Hải Nam đến 1.000 km, đang trong giai đoạn hoàn tất sau khi khởi công vào năm ngoái.

Ảnh vệ tinh chụp một rạn san hô khác là Đá Xu Bi (Subi Reef) thuộc cụm Thị Tứ, nơi gần bốn triệu mét vuông đất đã được Trung Quốc bồi đắp, cho thấy có thể Bắc Kinh sẵn sàng xây dựng thêm một sân bay thứ hai có chiều dài tương đương.

Trang web CSIS viết: “Một căn cứ không quân của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập có thể gia tăng khả năng phòng bị, giúp Bắc Kinh triển khai các máy bay do thám trên biển và các phi đội chiến đấu cơ trong khu vực. Như vậy Trung Quốc có thể dễ dàng sử dụng các căn cứ không quân để tuần tra hoặc tung ra các hoạt động tấn công giới hạn vào các quốc gia khác đang đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, thậm chí cả các cơ sở của Mỹ”.

Mỹ vốn có một mạng lưới căn cứ quân sự tại châu Á và tích cực tiến hành các hoạt động giám sát, đặc biệt chỉ trích các hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi ngưng việc xây dựng.

Người ta đang chờ đợi vấn đề bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ được đưa ra mổ xẻ trong hội nghị cấp cao về an ninh của ASEAN diễn ra vào 4/8, với sự hiện diện của các quan chức Mỹ và Trung Quốc.

Dậy sóng phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa

Nga có thể bỏ rơi Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thay đổi quan điểm vốn dành sự ủng hộ toàn tâm toàn ý của Điện Kremlin cho nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, và trong tương lai nhà lãnh đạo này của Nga có thể "từ bỏ ông ta", theo AFP.

Theo nhật báo Daily Sabah, khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có thể bị thuyết phục không ủng hộ ông Assad nữa hay không, Tổng thống Erdogan cho rằng ông đã thấy người đồng cấp Nga thể hiện "tích cực hơn" trong cuộc gặp trực tiếp với ông ở thủ đô Baku của Azerbaijan hồi tháng 6/2015 và trong các cuộc điện đàm sau đó.

Nhật báo này dẫn phát biểu của ông Erdogan trước một nhóm báo giới trên chuyên cơ khi ông từ châu Á trở về, khẳng định rằng "thái độ hiện nay của ông Putin đối với Syria tích cực hơn trước. Ông ấy không còn duy trì quan điểm là Nga sẽ ủng hộ ông Assad tới cùng nữa. Tôi tin là ông ấy có thể từ bỏ Assad".

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng hộ các bên đối lập nhau trong cuộc khủng hoảng ở Syria, trong đó Ankara chỉ trích mạnh mẽ ông Assad còn Moskva nằm trong số các đồng minh ít ỏi của nhà lãnh đạo Syria này.

Tái khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Tờ The Korea Herald (Hàn Quốc) ngày 3/8 đưa tin, toàn bộ các thành viên tham gia vòng đàm phán sáu bên về giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên - gồm hai miền Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ - dự kiến tổ chức họp tại Malaysia, với những vấn đề trọng tâm như liệu có đạt được tiến bộ trong đàm phán hạt nhân đang bị bế tắc hay không và những mối căng thẳng khác trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.​

Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên của các thành viên tham gia vòng đàm phán sáu bên kể từ khi Mỹ và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký thỏa thuận với Iran nhằm hạn chế chương trình làm giàu urani của Tehran và đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt. ​

Việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán đã trở nên đặc biệt gấp rút do Bình Nhưỡng được đông đảo dư luận cho là sẽ tiến hành một vụ khiêu khích khác, có thể là vụ thử tên lửa tầm xa vào tháng 10 tới để kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.​

Nga lập phòng thủ từ vũ trụ

Ngày 3/8, Nga đã sáp nhập một số đơn vị trong quân đội thành Lực lượng Hàng không vũ trụ.​ Bộ phận mới sẽ bao gồm lực lượng không quân, phòng không, lực lượng chống tên lửa và không gian vũ trụ. Tư lệnh không quân Nga, Tướng Viktor Bondarev, được bổ nhiệm phụ trách Lực lượng Hàng không vũ trụ mới thành lập.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quyết định trên tạo ra "phương thức tối ưu cho việc cải thiện hệ thống phòng thủ hàng không vũ trụ của nước này".​

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng việc sáp nhập này xuất phát từ việc gia tăng tầm quan trọng của các yếu tố hàng không và không gian vũ trụ trong chiến tranh hiện đại.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã phát động chương trình đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa các kho vũ khí quân sự của Nga và Điện Kremlin cũng đã thể hiện được sức mạnh quân sự của nước này trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc xây thêm đường băng thứ hai ở Trường Sa?
Một người đàn ông đội tivi trên đầu để chuyển tới nơi an toàn khi nước lũ từ sông Hằng dâng cao làm ngập nhiều nhà cửa ở Allahabad, Ấn Độ.

G.K

Năng lượng Mới