THẾ GIỚI 24H: 8 người chết trong cuộc đọ súng giữa Ấn Độ và Pakistan

06:00 | 17/08/2015

1,119 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 16/8, một cuộc giao tranh ác liệt giữa binh sỹ hai nước Ấn Độ và Pakistan dọc Ranh giới Kiểm soát (LoC) tại khu vực tranh chấp Kashmir đã làm 8 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
THẾ GIỚI 24H: 8 người chết trong cuộc đọ súng giữa Ấn Độ và Pakistan
Một lính biên phòng Ấn Độ bị thương trong vụ đọ súng

Phía Ấn Độ nói, có 6 dân thường bên phía họ bị chết đo đạn bắn và pháo kích từ phía Pakistan.

Bên Pakistan thì nói là hai thường dân của họ bị lính Ấn Độ bắn chết.

New Delhi đã triệu tập đại diện của Islamabad để phản đối về vụ nổ súng.

Trong khi đó thì người đại diện Pakistan ở thủ đô Delhi của Ấn độ nói với báo chí rằng ông lo ngại về những vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên xảy ra ở biên giới trong tháng 7 và tháng 8 năm nay.

Các cuộc giao tranh mới đây đã khiến người dân của cả hai nước sinh sống dọc LoC, lo sợ và bắt đầu rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ nổ súng giữa binh sỹ Ấn Độ và Pakistan dọc LoC - đường biên giới trên thực tế dài 720 km chia vùng Kashmir ở dãy núi Himalaya làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Tuy nhiên, cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir.

Các quan chức ngoại giao hàng đầu của hai bên được dự trù là sẽ gặp nhau vào ngày 23/8 tới đây tại thủ đô Delhi của Ấn Độ để cố gắng đạt được điều mà phía Pakistan gọi là tan băng trong quan hệ giữa hai bên.

Lại có thêm nhiều di dân bị chết

Bất chấp các biện pháp chống di dân được các nước châu Âu tăng cường trong thời gian gần đây, hôm qua, lại có thêm ít nhất 40 người di dân gốc châu Phi bị chết trên 1 con tàu nhỏ khi họ tìm cách vượt biển Địa Trung hải để đến hòn đảo Lampedusa của nước Ý.

Ngày 16/8, Hải quân Ý đã cứu vớt 400 thuyền nhân trên một chiếc thuyền lênh đênh trên biển Địa Trung Hải. Nếu như hơn 300 người đã may mắn sống sót, thì ngược lại ban cứu hộ đã tìm thấy khoảng 40 thi hài ở trong hầm thuyền.

Chiếc thuyền đánh cá này đã được tàu tuần tra Cigala Fulgosi của hải quân Ý cứu vớt cho dù con thuyền còn ở trong hải phận Libya.

Theo hải quân Ý, những người trên đã chết có lẽ do thiếu dưỡng khí hay là họ đã hít phải khí ngạt do buồng máy thải ra.

Vùng Địa Trung Hải trở thành mồ chôn tập thể của những người tìm cách vượt biên. Chỉ trong vòng 10 ngày vừa qua, đã có hơn 300 người đã bỏ mình ngoài khơi Libya. Theo Cơ quan Di trú Thế giới, tính từ đầu năm 2015 tới nay, có ít nhất 2.300 thuyền nhân đã chết trên biển Địa Trung Hải.

Bộ trưởng Nội vụ Ý, ông Angelino Alfano, hôm 16/8 một lần nữa đã lấy làm tiếc trước thảm kịch của các thuyền nhân. Theo ông, cho dù hải quân Ý có nỗ lực đều đặn để cứu trợ các thuyền nhân, nhưng chừng nào vấn đề Libya chưa được giải quyết dứt điểm, thì những thảm nạn liên quan tới làn sóng vượt biên sẽ vẫn tiếp diễn. Chính quyền Roma một lần nữa lên tiếng đánh động Liên minh châu Âu, và yêu cầu cộng đồng quốc tế tích cực can thiệp.

Brazil điều tra mạng lưới đưa người Trung Quốc nhập cư trái phép

Dân Trung Quốc trả 42.000 reais (gần 12.000 USD) để vào Brazil. Theo nhật báo O Globo của Brasil, nhiều nhân viên làm việc trong bộ phận nhập cư tại sân bay quốc tế Rio de Janeiro đang là đối tượng điều tra của viện công tố. Họ bị nghi ngờ đã nhận tiền hối lộ để người Trung Quốc nhập cư trái phép vào thành phố.

Viện công tố liên bang đã mở cuộc điều tra trên sau khi nhận được đơn tố cáo gửi tới Bộ Lao động, của một người đàn ông tự nhận là đã làm việc với người Trung Quốc trong suốt 15 năm gần đây.

AFP cho biết nhật báo O Globo đã xem được đơn tố cáo trên. Theo đó, “ông chủ người Trung Quốc các nhà hàng ăn nhanh tại Rio tuyển dụng đồng hương và bắt họ làm việc trong điều kiện lao động gần như bị cưỡng bức. Họ chi tới 42.000 reais (khoảng 12.000 USD) để một người nhập cư bất hợp pháp lọt vào lãnh thổ Brazil”.

Người tố cáo, ẩn danh tính vì lý do an toàn, thuật lại, “một lần, một ông chủ cửa hàng ăn nhanh (tham gia vào mạng lưới tham nhũng) tới sân bay trễ khoảng 20 phút so với giờ được ấn định trước với các nhân viên nhập cư. Do không trả tiền cho những nhân viên trên, những người lao động bất hợp pháp Trung Quốc bị trục xuất và trả về Trung Quốc ngay lập tức”.

Một nguồn tin từ Viện công tố cho tờ Globo biết rằng thị thực cũng có khả năng bị làm giả tại Trung Quốc. Khi người nhập cư tới Rio, bộ phận nhập cư giả vờ không nhận ra đó là thị thực giả và vẫn chấp nhận chúng, do đã nhận tiền hối lộ.

Theo những thông tin được nhân chứng này cung cấp, các cuốn hộ chiếu được đóng dấu trong khu vực nhập cư tại sân bay Rio, sau đó sẽ “bị mất” để xóa bỏ bằng chứng. Người nước ngoài sẽ xin cấp lại hộ chiếu mới.

Tờ O Globo khẳng định cảnh sát không muốn phát biểu về vụ tai tiếng này. Tờ báo cũng nhắc lại rằng, tuần trước, Bộ Lao động đã giải thoát bốn người Trung Quốc khỏi một cửa hàng ăn nhanh nằm ở phía bắc ngoại ô Rio. Họ bị giam và bắt làm việc trong điều kiện gần như nô lệ.

Ai giúp Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ do thám?

Theo báo New York Times, AT&T, một trong những công ty viễn thông khổng lồ lâu đời nhất và lớn nhất nước Mỹ đã trợ giúp đắc lực cho chương trình của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ-NSA nhằm thu thập tin tức tình báo trên Internet trong nước và qua điện thoại.

Báo New York Times số ra ngày 16/8 nêu lên những tài liệu mới của NSA được cựu nhân viên hợp đồng đang bị truy nã Edward Snowdon tiết lộ.

Trong khi những tài liệu này không chính thức nêu tên AT&T nhưng đã sử dụng tên mật mã mà báo Times và một vài cựu viên chức tình báo cho rằng đó là công ty viễn thông này.

Bài báo nói tài liệu có ngày tháng từ năm 2003 đến năm 2013 và cho thấy AT&T sử dụng các qui định pháp lý và những lệnh bí mật của Tòa án giúp cho NSA tiếp cận được hàng tỉ điện thư gởi qua mạng lưới của AT&T tại Mỹ, trong đó có Internet tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.

AT&T cũng trao cho NSA hơn một tỉ cuộc nói chuyện bằng điện thoại.

Theo tài liệu, NSA xem AT&T như là một đối tác trong việc theo dõi nội địa, chứ không phải là một bên hợp đồng.

Một phát ngôn viên của AT&T nói công ty không bình luận về các vấn đề an ninh quốc gia.

Tài liệu được Snowden tiết lộ cho biết cơ quan siêu bí mật NSA theo dõi điện thoại và điện thư của công dân Mỹ không có lệnh của Tòa án làm hàng triệu người phẫn nộ xem đây như là vi phạm quyền riêng tư của người dân.

NSA nói những hoạt động này giúp phá vỡ một số âm mưu khủng bố và thiết yếu trong việc giữ cho nước Mỹ được an toàn.

Anh, Mỹ tốn bao nhiêu tiền vì Julian Assange và Edward Snowden?

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: 8 người chết trong cuộc đọ súng giữa Ấn Độ và Pakistan
Núi lửa Cotopaxi được coi là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất thế giới đã tỉnh giấc vào ngày 14/8/2015. Tổng thống Ecuador đã ra sắc lệnh tình trạng đặc biệt để di tản các địa phương xung quanh khu vực núi lửa do nguy cơ nham thạch phun trào.

G.K

Năng lượng Mới