Ngày làm việc thứ 6 Kỳ họp thứ 3, QH Khóa XIV:

Thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

20:42 | 29/05/2017

558 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 29/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH làm việc tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Tăng cơ chế pháp lý bảo vệ người tố cáo

Trình bày Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, sau hơn 4 năm thi hành, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này cần có những quy định thể hiện rõ nét hơn tinh thần mới của Hiến pháp 2013 về quyền tố cáo với góc độ là quyền con người; mở rộng các hình thức tố cáo; quy định cụ thể việc bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo…

thao luan ve du an luat quan ly su dung tai san nha nuoc sua doi
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn hiện hành đã bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định này khó thực hiện, chưa tạo cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết, đầy đủ, toàn diện, có tính khả thi phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo cần được đặc biệt quan tâm. Các cơ quan nhà nước phải xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.

thao luan ve du an luat quan ly su dung tai san nha nuoc sua doi
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này,Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật của QH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, về vấn đề bảo vệ người tố cáo, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.

Người dân phải được giám sát tài sản công

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật và đề nghị đổi tên Luật thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, đề nghị cần quy định rõ việc xây dựng luật phải bảo đảm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát tài sản của nhân dân. Về công khai tài sản công, UBTVQH đề nghị cần quy định rõ về công khai, niêm yết các nội dung liên quan đến tài sản, như: công khai ở đâu, địa điểm nào.

thao luan ve du an luat quan ly su dung tai san nha nuoc sua doi
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

Liên quan đến việc công khai thông tin tài sản công, một số ĐBQH cho rằng, dự thảo quy định các hình thức công khai tài sản công tại Khoản 3, Điều 9 gồm công bố trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các cuộc họp… Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa đáp ứng được sự giám sát thường xuyên của người dân đối với tài sản công. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần cụ thể thêm một hình thức nữa, đó là công khai trên chính tài sản công đó như đất lâm trường, trụ sở cơ quan, nhà công vụ, xe công… Đây là những tài sản công mà dư luận xã hội phản ánh rằng, việc quản lý, sử dụng vừa qua còn thiếu chặt chẽ.

Nhiều đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng ngay trong Luật này. Vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn, định mức, dẫn đến việc phải trả lại tài sản này cho tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng. ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị, không chỉ xử lý hành vi sử dụng mà cần xử lý cả hành vi nhận tài sản cho, biếu, tặng. Trên thực tế, hành vi này là tiền đề cho hành vi sử dụng.

thao luan ve du an luat quan ly su dung tai san nha nuoc sua doi
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Trái ngược với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc các tổ chức, cá nhân cho, biếu tặng tài sản cần được ghi nhận, nhất là tài sản công cộng. Vấn đề đặt ra ở đây là động cơ này có trong sáng hay không? Do đó, cần quy định cơ quan có thẩm quyền nhận và việc sắp xếp sử dụng để phát huy mục đích tốt đẹp của hành vi này, bảo đảm sự chính xác.

thao luan ve du an luat quan ly su dung tai san nha nuoc sua doi
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi về nhận tài sản do các cá nhân, tập thể cho, biếu, tặng là đúng, nhưng có thực tế hay không? Bởi, thực hiện hành vi nhận sẽ dẫn đến hành vi sử dụng. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, thời gian qua, nhiều địa phương nhận xe doanh nghiệp cho, biếu, tặng, mà lẽ ra phải tiếp thu ngay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cấm các địa phương nhận xe doanh nghiệp cho, biếu, tặng.

daibieunhandan.vn