Tăng sức cạnh tranh cho gạo Việt
Thua ngay trên sân nhà
Nhiều năm qua, Việt Nam đứng “top” đầu thế giới về xuất khẩu gạo, tuy nhiên, do chưa tạo dựng được thương hiệu nên gạo Việt khi xuất khẩu thường xuyên rơi vào vòng luẩn quẩn “sản lượng nhiều nhưng giá thấp”. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 11 tháng năm 2017, xuất khẩu gạo dù đạt 5,52 triệu tấn, trị giá 2,49 tỉ USD, song giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt 451 USD/tấn. So với các đối thủ như Thái Lan, Myanmar…, gạo của Việt Nam xuất khẩu lép vế hơn, nhất là đối với các dòng sản phẩm gạo thơm của Thái Lan, Myanmar vốn đã có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
![]() |
Gạo Việt Nam lép vế ngay trên sân nhà |
Không chỉ lép vế trên thị trường quốc tế, mà ngay cả thị trường nội địa gạo Việt cũng thua kém với các sản phẩm gạo nhập khẩu. Dù gạo nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Thái Lan… có giá cao hơn gạo trong nước sản xuất nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cụ thể, trên thị trường Hà Nội xuất hiện các loại gạo nhập có giá đắt gấp nhiều lần gạo nội như gạo dẻo Thái có giá 80.000 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan có giá 110.000 đồng/kg, gạo nếp Thái nhập khẩu Muscha 100.000 đồng/kg... Trong khi đó, các loại gạo nội có giá bán rẻ hơn rất nhiều so với gạo ngoại, như gạo Xi dẻo 10.000 đồng/kg, gạo Lài sữa 13.000 đồng/kg, gạo Bắc Hương 15.000 đồng/kg, gạo Tám Điện Biên 19.000 đồng/kg…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do từ trước tới nay chúng ta vẫn quá chú trọng đến việc tăng sản lượng mà không chú trọng đến chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu. Gạo của Việt Nam xuất khẩu không được đánh giá cao về chất lượng, thị trường xuất khẩu tập trung vào gạo cấp thấp, kém đa dạng.
Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam chưa bảo đảm an toàn thực phẩm. Phần lớn, nông dân trồng lúa với nhiều chủng loại khác nhau theo lối tự phát. Nông dân vẫn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan làm cho chất lượng lúa gạo càng khó kiểm soát.
Thương hiệu gạo Việt vô cùng cấp bách
![]() |
Ông Võ Thành Đô |
Chất lượng gạo xuất khẩu thấp, công nghiệp chế biến chưa phát triển, khiến khả năng cạnh tranh không cao. Vì vậy, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cả thị trường nội địa lẫn quốc tế thì việc xây dựng thương hiệu, nâng tầm gạo Việt là điều rất quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo về Dự thảo về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam mới đây, ông Võ Thành Đô - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu gạo phát triển không bền vững, xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu ở phân khúc chất lượng thấp, trung bình. Trong khi đó, thị trường nội địa có nhiều biến động và chịu sức ép cạnh tranh của hàng loạt thương hiệu gạo đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ… Do đó, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin và uy tín của sản phẩm với người tiêu dùng là điều hết sức cấp thiêt. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm gạo của Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu gạo tới 132 thị trường thế giới. Trong đó, Trung Quốc chiếm 40% với khối lượng 2,03 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Philippines cũng tăng mạnh 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái, Malaysia tăng 97,3%, Bờ Biển Ngà tăng 39,7%... |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo Việt. Theo ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (Nghệ An), việc xây dựng thương hiệu gạo Việt là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn người nông dân hiện nay vẫn canh tác theo hướng manh mún và nhỏ lẻ. Thậm chí, ngay như việc phát triển những cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương cũng chỉ mang tính phong trào, hình thức là chủ yếu, chứ chưa thực chất, chưa gắn được trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của nông dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, việc thiếu vắng sự vào cuộc của nhà khoa học, thiếu sự hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương trong các khâu tổ chức thực hiện, đến thu hoạch, tìm đầu ra cho sản phẩm và phát triển thị trường… là những rào cản đang khiến người tham gia khó mặn mà, cũng như thiếu sự mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, mắt xích giữa Nhà nước với nhà doanh nghiệp trong chuỗi liên kết “bốn nhà” còn rất lỏng lẻo. Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để mở rộng đầu tư cũng như tạo nền tảng và niềm tin với đối tác làm hạn chế sự vươn xa phát triển thị trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chia sẻ, việc xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam là một trong những điều kiện tiên quyết để ngành lúa gạo phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên, việc xây dựng được những vùng nguyên liệu lớn và đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như với Vinafood 1 thì việc tìm nguồn nguyên liệu tương đối khó khăn. Do vậy, để phát triển về lâu dài, Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp và kịp thời để doanh nghiệp và người nông dân nâng cao ý thức, đầu tư đúng mức cho việc sản xuất lúa gạo đảm bảo chất lượng ở tất cả các khâu như giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Theo dự báo, trong tháng cuối cùng của năm 2017 xuất khẩu gạo của nước ta sẽ đạt khoảng 400-450 nghìn tấn, qua đó đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2017 lên mức 5,9-6 triệu tấn gạo, tăng 1,1-1,2 triệu tấn gạo so với năm 2016. |
Đông Nghi - Song Nguyễn
-
Tin tức kinh tế ngày 2/4: Tín dụng bật tăng ngay từ đầu năm
-
Shell bán một trong những tài sản quan trọng tại Singapore
-
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ả Rập Xê-út khi giá dầu ở mức thấp
-
Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh
-
Trung Quốc phát hiện 2 mỏ vàng “khủng”, trữ lượng hơn 2.000 tấn