Tại sao ly hôn ngày càng nhiều?

07:10 | 16/07/2015

2,650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những cuộc ly hôn hiện nay theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa thì có tới 70% người chủ động đứng đơn là phụ nữ, một việc làm hiếm thấy trước đây bởi quan niệm “tam tòng tứ đức” đã chi phối người phụ nữ, khiến họ không dám quyết định phá vỡ “khuôn khổ” vốn dành cho họ. Thực sự là một cuộc lội “ngược dòng” không những về quan niệm hôn nhân mà còn cả vai trò của phụ nữ trong xã hội. Thế nhưng, nguyên nhân nào đã dẫn đến sự thay đổi đó và sự thay đổi đó tác động như thế nào tới xã hội, nhất là khi nó được coi là “tế bào”, nền tảng của một xã hội?

Ly hôn vì lép vế vợ

Ly hôn vì lép vế vợ

(PetroTimes)- Cầm túi quần áo cũ nhưng còn khá tươm tất cô em cho, chị Thu đang ướm cho các con thì anh Quân giật quăng ra sân. Bất bình, chị Thu gào lên: "Anh điên à, đã không kiếm được tiền lo cho con, lại còn sĩ".

Vì tiền và vì thích…

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, những nguyên nhân dẫn đến ly hôn hiện nay là ngoại tình, kinh tế, mâu thuẫn về lối sống, bạo lực gia đình… trong đó, nhiều nhất là ngoại tình. Cái thứ tình cảm ngoài vợ ngoài chồng ấy đã phá tan tình cảm vốn được coi là thiêng liêng, sâu sắc giữa vợ và chồng, phá tan cả những giá trị, tinh thần của một gia đình, thậm chí của một dòng họ.

Là chuyên gia tâm lý về gia đình, thông qua những lần tư vấn thực tế, hơn ai hết TS Trịnh Trung Hòa nhìn thấy rõ điều đó và cũng đồng quan điểm như vậy.

Tại sao ly hôn ngày càng nhiều?
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

TS Trịnh Trung Hòa cho rằng, có nhiều lý do nhưng đáng chú ý nhất có hai nguyên nhân là kinh tế và “thích”. Nếu trước đây, giữa vợ và chồng có một sự “chung lưng đấu cật” để gây dựng gia đình, vượt qua khó khăn bất kể trong hoàn cảnh nào thì ngày nay dường như tiền lại là “thước đo” tình cảm của nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng trẻ. Họ quan niệm rất “sòng phẳng”: “Tiền ra cửa trước thì hạnh phúc ra cửa sau” hoặc “tiền thử tình” - sự giàu có sẽ thử lòng thủy chung của đàn ông, sự khốn khó thử sự chung tình người đàn bà thay vì quan niệm rất mơ màng, lãng mạn của một thời “một túp lều tranh hai trái tim vàng”.

Chính vì quan niệm ấy mà hiện nay chuyện “bồ bịch” nhan nhản trong xã hội, bất chấp những cái nhìn đạo đức đối với vấn đề này. Hàng loạt các nhà nghỉ mọc lên như nấm có thể phần nào chứng minh điều đó. Bởi với quy mô và chất lượng phòng của loại hình dịch vụ này thì chỉ phục vụ cho những “đôi uyên ương” vụng trộm chuyên đi “tàu nhanh” vào thời gian chẳng giống ai.

Như một câu chuyện đau lòng của người chồng trẻ, vẫn đang sung sức ở tuổi 30 thế mà chỉ vì không kiếm được nhiều tiền như mong ước của người vợ trẻ, liền bị vợ “cắm sừng”. Mà vợ anh “cắm sừng” đến mức đẩy anh vào tình trạng “thằng ăn ốc thằng đổ vỏ”. Phải 3 năm sau khi sinh con, trong một lần nổi hứng thử AND cho con, anh mới phát hiện ra mình đang… nuôi con người khác! Tra hỏi người vợ, thì anh nhận được câu trả lời ráo hoảnh và trơ trẽn: “Anh nghèo không nuôi được gia đình một cách dư dả thì tôi phải tìm “bố đại gia” cho con tôi. Bao giờ anh giàu, tôi sẽ lại đẻ con cho anh, nếu anh muốn”.

Khổ một nỗi có phải chỉ có mỗi đứa con “ngoại tộc” ấy đâu mà cả 2 đứa con tưởng như máu mủ ruột già của anh đều vậy! Cho nên dẫu có bao dung, đại lượng đến mấy thì anh cũng không thể duy trì cuộc hôn nhân này.

Trường hợp khác thì lại như thế này: Chỉ vì lười lao động nhưng lại thích “hưởng” thế là một “phi công trẻ” cặp với một “bà già” giàu có để “moi tiền’. Tiền chẳng biết “moi” được bao nhiêu nhưng cuối cùng “phi công trẻ” này lâm vào tình trạng “vợ nọ con kia” khổ hết chỗ nói. Một ngày cứ phải chạy giữa 2 bên vợ và bồ để ăn đủ 6 bữa/ngày. Vì người nào cũng muốn “nửa kia” quây quần đông đủ vào bữa ăn thế là chỉ riêng tính toán giờ giấc chia đều cho “2 bà” rồi tìm cách lừa vợ dối con về mối tình vụng trộm anh này cũng đủ… “chết”! Cuối cùng chịu không nổi vả lại bị “ép” ghê quá nên “phi công trẻ” phải bỏ vợ, “tụ” với “tình già”!

Nhưng so với lý do ngoại tình vì tiền, ngoại tình đơn giản chỉ vì “thích” xem ra còn nghiêm trọng hơn, đặc biệt là về đạo lý vợ chồng và giá trị của cái được coi là nền tảng của xã hội. Nó cho thấy một sự xuống cấp nghiêm trọng và sự thay đổi “chân” giá trị theo chiều hướng đối lập ở cả hai yếu tố.

Tại sao ly hôn ngày càng nhiều?
Tiến sĩ tâm lý học Đinh Đoàn

Có một người chồng với quan điểm “làm trai cho đáng nên trai” thì không được thiếu 2 thứ đó là rượu và bồ nên cùng lúc người chồng ấy “cặp” đến 2 người phụ nữ và cứ cặp hết 2 “bồ” này đến 2 “bồ” khác.

Đau đớn nhất cho người vợ là với bồ nào anh ta cũng giải thích một cách “đáng thương”: “Vợ anh bị ung thư sắp chết rồi nên em hãy thương anh, chia sẻ với anh trong cuộc sống”. Trong khi đó, vợ anh vẫn đang phơi phới, tràn đầy sức sống đến mức các bồ của anh cũng phải chạnh lòng khi gặp. Mà nói về những cuộc gặp giữa vợ và “bồ” của chồng thì hầu hết đều là vì ghen ngược do anh ta nói: “Vợ ung thư sắp chết” mà sao lâu chết thế, phải gặp xem thế nào. Khi gặp rồi họ đều tá hỏa vì chị không phải như anh ấy nói.

Bạo lực là một nguyên nhân

Sau ngoại tình thì bạo hành là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng phải đường ai người ấy đi. Trước đây nếu nhiều người phụ nữ phải nín nhịn câm lặng, phải “cơm sôi bớt lửa”… mỗi khi bạo hành để cho êm ấm cửa nhà thì nay sự nhẫn nhịn này không còn nữa thay vào đó là sự quyết tâm “giải thoát” khỏi cuộc sống “địa ngục trên trần gian” bằng việc ly hôn.

Giải thích về vấn đề này TS tâm lý học Đinh Đoàn cho rằng: “Hiện nay mọi người sống hối hả hơn, việc bắt buộc chịu đựng hay cam chịu là điều khó hơn so với con người thời trước nên hệ quả tất yếu của điều này là ly hôn”.

Thế nhưng TS Đinh Đoàn cũng phân tích, ly hôn không hẳn là xấu, do hiện nay nhiều người ý thức được quyền cá nhân, đề cao cái tôi hơn nên chủ động hơn trong hạnh phúc của mình. Bởi mỗi con người có một cuộc đời không phải sinh ra để chịu đựng. Khi mọi thứ đã vượt qua sức chịu đựng, không hàn gắn được thì ly hôn là cách để giải thoát.

Từ các hiện tượng trên cho thấy, nguy cơ đổ vỡ và mất cân xứng cho mô hình gia đình chuẩn sẽ dần dần tăng nhanh. Nhiều giá trị mới được công nhận, do đó, một số giá trị truyền thống bị phủ nhận. Điều này là quy luật tất yếu của sự phát triển bình đẳng giới và vai trò cá nhân trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, nếu không có những giới hạn và ý thức nhất định về mô hình gia đình chuẩn, sẽ khiến cho tỷ lệ ly hôn, tan vỡ trở nên mất kiểm soát, gây ra những hệ lụy hậu ly hôn không nhỏ như làm tổn thương con cái, tác động tiêu cực đến xã hội...

Để giải quyết vấn đề này thì TS Đinh Đoàn cho rằng: Về cá nhân, trước hết các cặp vợ chồng cần học tập để hiểu được hôn nhân là chuyện nghiêm túc, đừng tưởng cứ chia tay là cưới ngay được ngay khác. Thực ra, cái áo cái quần chật còn có thể cơi nới, còn vợ chồng mà cứ không hợp là chia tay thì không chấp nhận được. Bản thân mình tự điều chỉnh để hạnh phúc gia đình được trọn vẹn. Không nên để ý những điều quá vặt vãnh, chỉ cần chí thú làm ăn, không nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, bê tha, sống có trách nhiệm là có thể chấp nhận được.

Tại sao ly hôn ngày càng nhiều?
Tỷ lệ ly hôn đang ở mức báo động

Vì vậy, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Cốt lõi của cách ứng xử trong gia đình lại nằm ở chính gia đình và chức năng giáo dục của nó. Nếu như gia đình có nền giáo dục căn bản, truyền thồng đạo đức thì nguy cơ đổ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn. Và điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cặp vợ chồng phải biết nghĩ về nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình”.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới số 439