Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Tây Sơn tam kiệt”

15:43 | 13/03/2017

1,764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Én liệng Truông Mây” và “Nhất thống sơn hà” của nhà văn – nhạc sĩ Vũ Thanh đã khắc họa được toàn diện về triều đại Tây Sơn từ chỗ manh nha đến lúc suy tàn.  
ra mat tieu thuyet lich su tay son tam kiet
Hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Én liệng Truông Mây” và “Nhất thống sơn hà" của nhà văn Vũ Thanh

Hai bộ tiểu thuyết này là phần I và phần II của Trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt, bao gồm 3 bộ: Én liệng Truông Mây, Nhất thống sơn hàGia Định tam hùng. Mỗi bộ sách nói trên bao gồm 4 tập. Ngoài 2 bộ sách vừa được giới thiệu, bộ Gia Định tam hùng hiện vẫn đang được tác giả xây dựng và hoàn thiện.

Hai bộ sách Én liệng Truông Mây Nhất thống sơn hà được tác giả sử dụng chất liệu lịch sử qua quá trình ghi nhận từ hơn 30 tài liệu cả trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều tài liệu do chính tác giả công phu tìm kiếm và dẫn giải rồi đưa vào tác phẩm.

Thông qua việc khắc họa hành trình 30 năm gây dựng sự nghiệp nhất thống sơn hà của triều đại Tây Sơn, nhà văn Vũ Thanh đã xây dựng thành công hai bộ tiểu thuyết lịch sử của mình. Trong đó, tác giả đã xây dựng hình tượng người hiệp sĩ Việt nổi bật với “khí tiết quân tử, đức độ trung dung của Nho giáo; tính ung dung tiêu sái của Lão giáo; tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt nho nguyên thủy”. Và hình tượng người phụ nữ Việt với những đức tính “nhu thuận, thuần lương, thủy chung, son sắt…” cũng được thể hiện rõ nét.

ra mat tieu thuyet lich su tay son tam kiet
Tác giả ký tặng sách nhân dịp ra mắt sách tại TP.HCM vừa qua

Ngoài ra, đọc bộ sách, người đọc cũng sẽ được giới thiệu hầu hết những cảnh sắc, văn hóa đặc sắc ở mọi miền đất nước. Và đây cũng chính là pho sách giới thiệu khá kỹ lưỡng về tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam mà người đọc có thể chiêm ngưỡng thông qua những màn giao đấu kịch tính giữa hiệp sĩ Việt với các võ sĩ của Xiêm La và Trung Quốc.

Nhận xét về khía cạnh sử dụng chất liệu lịch sử trong các bộ tiểu thuyết của Vũ Thanh, Thạc sĩ Hán Nôm Dương Đức Hiếu chia sẻ: “Đối với những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, điều đáng lưu tâm nhất vẫn là xử lý tư liệu. Tư liệu lịch sử ở nước ta không phải hiếm, nhưng cũng không phải là nhiều. Chính vì vậy, có thể nói “Én liệng Truông Mây” đã ghi nhận sự tỉ mỉ mà cũng đầy linh hoạt của tác giả trong việc xử lý tư liệu lịch sử. Một nhân vật tưởng như trong truyền thuyết, đã được khắc họa chân thật trong một bộ sách dày dặn, nhiều tìm tòi suy tư.

Bộ tiểu thuyết “Nhất thống sơn hà” đã đưa nhân vật lịch sử có thật thành nhân vật tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm đã đưa đến cho độc giả những nhân vật lịch sử có tính cách, có sự yêu thương, ân cần - đầy những tính cách “người” ngồn ngộn trong những “thước phim” hoành tráng của tình anh em, thầy trò, vua tôi… và trên hết là tình yêu nước được thử thách qua những tháng năm lịch sử có thật, đầy khốc liệt của dân tộc Việt Nam”.

ra mat tieu thuyet lich su tay son tam kiet

Có thể nói tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại thì Vũ Thanh là nhà văn đầu tiên khắc họa được toàn diện về triều đại Tây Sơn từ chỗ manh nha đến lúc suy tàn.

Hai bộ tiểu thuyết Én liệng Truông MâyNhất thống sơn hà đều được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép. Các đơn vị Fahasha, Thăng Long… liên kết phát hành trên phạm vi toàn quốc. Sách bắt đầu có mặt tại hệ thống các nhà sách và các đơn vị liên kết của các đơn vị này từ ngày 1/3/2017.

Nhà văn Vũ Thanh sinh năm 1956 tại Tân Hội, Phước Hưng, Tuy Phước, Bình Định. Từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, sinh viên Trường Broward Community Clolegge và Trường Florida Atlantic Universty (Hoa Kỳ). Hiện ông đang định cư tại bang Florida - Hoa Kỳ.

Ngoài 2 bộ tiểu thuyết Én liệng Truông MâyNhất thống sơn hà, ông còn là tác giả của Trường thi Hòn Vọng Phu (dài 2.466 câu thơ lục bát) đã được NXB Trẻ cấp phép, in ấn và phát hành năm 2012.

Không chỉ là một nhà văn, Vũ Thanh còn được biết đến như một nhạc sĩ, với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Đắp mộ cuộc tình, Quy Nhơn đôi mắt người xưa, Phượng Vĩ, Mùa xuân của chị, Xuân tha hương, Phải chi em lấy chồng xa…

V.T