“Phải” hay là “nên” đây?

21:09 | 18/07/2017

1,974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính phủ hiện đang làm hết mình để cải cách hành chính, xóa bỏ mọi rào cản, tạo ra một môi trường thông thoáng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển.

Thế nhưng mới đây nhất là phản ứng của các cơ sở chế biến thủy hải sản về việc quy định của Bộ Y tế khi bắt buộc “phải” dùng muối có tăng cường iốt cho các sản phẩm tiêu thụ trong nước, gây khó khăn cho DN.

Trong nền kinh tế thị trường, một khi đã dùng cụm từ “bắt buộc” thì có nghĩa đây là pháp quy, tức là không làm không được, là phạt, là thông báo rộng rãi, là cấm lưu hành, là đóng cửa... cũng đồng nghĩa với việc lao thẳng xuống bờ vực phá sản.

Thì ra, iốt là một trong các yếu tố vi lượng cần thiết cho sự sống của sinh vật, trong đó có con người.

Khi thiếu iốt, cơ thể con người có thể vướng vào nhiều căn bệnh, đặc biệt là bệnh bướu cổ và kém phát triển trí tuệ ở trẻ thơ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng xác nhận nhiều căn bệnh cũng sẽ nảy sinh khi cơ thể thừa iốt.

Iốt tự nhiên luôn có trong nhiều loại thực phẩm thông thường, đặc biệt là hải sản, trứng, thịt... Chính vì vậy, ở các thành phố lớn, các vùng ven biển, nơi mà trong bữa ăn hằng ngày của người dân đã có hàm lượng iốt đủ cho hoạt động tổng hợp hormone của tuyến giáp, không cần cho thêm iốt vào muối ăn vì lợi bất cập hại.

Tuy nhiên, ở các vùng núi cao như Tây Nguyên, các vùng núi phía Bắc, do trong khẩu phần ăn hằng ngày lượng iốt rất thấp nên có tỷ lệ bệnh bướu cổ khá cao. Vì thế, việc tổ chức sản xuất và khuyến khích người dân sử dụng muối có tăng cường iốt là điều cần thiết. Thế nhưng, Nhà nước cũng không cấm lưu hành muối thông thường.

phai hay la nen day
Quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường iốt sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong một cuộc đối thoại về vấn đề này đã kết luận với tinh thần không yêu cầu phải sử dụng muối chứa iốt tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng iốt trong thành phẩm thực phẩm.

Vậy mà Bộ Y tế vẫn yêu cầu thực hiện, bởi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt.

Với tinh thần cùng gỡ rối cho doanh nghiệp, ta hãy nghe các DN nói gì?

Đầu tiên là với thương hiệu Acecook Việt Nam. Chỉ tính riêng thị phần mỳ gói, thương hiệu này đã chiếm tới 50% thị phần trong nước và dùng rất nhiều... muối! Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cho biết, vấn đề là ở chỗ trong công ty của ông, dây chuyền sản xuất sản phẩm trong nước cũng là dây chuyền phục vụ xuất khẩu. Ở nước ngoài thì không cần iốt, còn ở trong nước thì bắt buộc. Vậy mọi rủi ro đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào với cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Giám đốc kinh doanh một công ty chế biến thủy hải sản cũng cho biết sẽ gặp khó khăn vì “ở nước ngoài, muốn bổ sung chất gì đều phải khai báo, đăng ký. DN làm theo đơn hàng, không thể tùy tiện bỏ thêm gì cũng được”.

Đại diện Công ty Vissan cho biết, để tuân thủ quy định này, công ty phải bổ sung đăng ký và in lại nhãn hàng hóa. Đó là một sự đảo lộn không cần thiết...

Như vậy, giữa mong muốn của tầng vĩ mô về chăm lo hạnh phúc của muôn dân xung quanh vấn đề iốt so với cuộc sống thực tiễn có những khoảng cách.

Khoảng cách đó có thể là rất gần, vì Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Nhưng nó có thể rất xa vì những quan niệm bất đồng.

Trong câu chuyện này, ta hãy cùng nghe những lời chia sẻ.

Có ý kiến cho rằng, iốt là yếu tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể, nhưng với cái được cái mất, như các nhà phân tích đã nêu, mọi người chỉ nên đưa ra lời khuyên chứ không nên là bắt buộc, bởi việc thừa hay thiếu iốt trong mỗi cơ thể là sự tự nhận thức từ mỗi con người.

Thứ nữa, các DN rất mong các cơ quan Nhà nước có những cảnh báo cần thiết nhưng cũng phải hết sức thiết thực. Bởi lẽ họ luôn luôn tự hiểu mình đang sống ở môi trường nào và không bao giờ muốn DN của mình lâm vào hoàn cảnh bị phạt, bị thông báo rộng rãi, bị cấm lưu hành, đóng cửa...

Tiếp theo, người tiêu dùng ngày càng có đầy đủ thông tin và khôn ngoan với mong muốn lựa chọn những sản phẩm mà mình bỏ tiền ra để hưởng thụ. Vì thế, mọi sự cảnh báo từ các cơ quan chức năng đều quý giá nhưng không thể thay thế quyết định của họ.

Chủ trương của Nhà nước về quản lý vĩ mô hướng tới những mục tiêu lớn, song thiết nghĩ, văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc kỹ lưỡng lộ trình, sự đặc thù của bối cảnh, cái gì cần bắt buộc thì “phải”, cái gì cần khuyên nhủ thì hãy “nên”.

Nguyễn Long Vân