Nước Nga trước đòn hiểm của phương Tây

07:04 | 19/09/2014

6,339 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ và châu Âu vừa thực sự tung đòn mạnh nhất với ý định làm tê liệt nền kinh tế Nga. Nước Nga của Tổng thống Putin có tính đến khả năng này trước khi cuộc khủng hoảng Ukraina diễn ra và kịch bản đối phó ra sao?

Năng lượng Mới số 358

Sau nhiều lần đưa ra các gói trừng phạt mang tính mạnh dần, ngày 12-9, Mỹ và EU quyết định đồng loạt tung đòn chí tử vào Nga. Đợt trừng phạt mới này là mức độ cao nhất, cấp độ 3, bao gồm nhiều lĩnh vực từ kinh tế, quốc phòng, công nghệ, năng lượng đến tài chính…Cụ thể, ba tập đoàn dầu lửa Rosneft, Transneft và Gazprom Neft và toàn bộ các công ty thuộc sở hữu của Chính phủ Nga có doanh số tức là trên 20 tỉ euro, sẽ bị cấm huy động vốn trên các thị trường tài chính châu Âu. EU cũng cấm bán cho Nga thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng. Một biện pháp nữa là đưa thêm 24 người Nga thân cận với Tổng thống và người Ukraina thân Nga vào danh sách bị rút visa vào châu Âu, bị phong tỏa tài sản trên lãnh thổ châu Âu, kể cả tài sản trong các ngân hàng.

Việc phương Tây ép buộc Nga phải giải quyết vấn đề của Ukraina chỉ là cái cớ cho một âm mưu khác. Theo các chuyên gia, bản chất về lệnh trừng phạt lần này của phương Tây là sự cay cú trước việc Crưm sáp nhập vào Nga và xa nữa là nước Nga đang có sự vươn lên mạnh mẽ. Phương Tây lo ngại về sự lớn mạnh của Nga, cụ thể biểu hiện là nguyên trạng của châu Âu bị phá vỡ, đe dọa bị phá vỡ.

Nước Nga trước đòn hiểm của phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tajikistan ngày 11-9-2014

Dù gì thì đây là đòn hết sức thâm hiểm của phương Tây vì nó đánh trúng túi tiền của nước Nga. Nguồn thu ngân sách chủ yếu của nước Nga đến từ việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và vũ khí. Việc cấm vận các tập đoàn dầu lửa của Nga tiếp cận nguồn vốn làm ăn chẳng khác nào hành động “điểm huyệt”. Từ sau khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra, mối lo lớn lớn nhất của các công ty dầu khí của Nga là bị cấm vận sẽ cạn tiền, phải ngưng đầu tư cải thiện, trong khi tình trạng kỹ thuật của họ vẫn còn rất thấp kém so với các nước phương Tây; cần đầu tư thêm để gia tăng năng suất.

Trong vòng 10 năm tới, mỗi năm Nga phải đầu tư 150 tỉ USD vào ngành năng lượng. Hiện nay, Rosneft, Transneft và Gazprom Neft đều đã bị cấm vay vốn ở châu Âu. Các ngân hàng Mỹ chỉ được cho họ vay trong thời hạn tối đa 90 ngày. Trước đây, Công ty Rosneft đã vay nợ 38 tỉ USD, từ năm 2011, do các ngân hàng Mỹ tài trợ dài hạn. Nếu các công ty dầu khí của Nga bị đóng cửa, không vào được thị trường tài chính, ngân hàng châu Âu và Mỹ, thì sẽ cạn tiền đầu tư. Các ngân hàng Nhật Bản và Nam Mỹ có thể  sẽ theo chính sách của Mỹ; các ngân hàng Trung Quốc dù chống Mỹ, cũng không đủ tài nguyên bù vào thiếu hụt của Nga. Trong khi đó, ngân khố Nga cũng hạn chế việc cho vay vì lo gây lạm phát.

Valery Nesterov, một chuyên viên của Sberbank, ngân hàng quốc doanh Nga cũng chịu ảnh hưởng của lệnh cấm vận, cho rằng các công ty dầu khí Nga sẽ gặp tình trạng phức tạp nghiêm trọng. Theo ông: “Cho đến bay giờ các công ty Nga chưa đầu tư đủ vào lĩnh vực nghiên cứu và kỹ thuật dầu đá phiến. H

ọ đã dựa vào kỹ thuật phương Tây quá nhiều”. Một trong những vùng dầu đá phiến quan trọng nhất tại Nga là Barzhenov nằm ngay dưới khu mỏ Tây Siberia, có trữ lượng 1.000 tỉ thùng dầu nghĩa là gấp 4 lần trữ lượng của Arập Xêút. Rosneft và Gazprom Neft đang phát triển khai thác ở đây bằng sự hợp tác với Exxon và Shell. Mikhail Leontiyev, phát ngôn viên của Rosneft, cho hay các luật sư của công ty đang nghiên cứu nội dung pháp lý của lệnh cấm và những ràng buộc của họ trong hoạt động liên doanh khai thác dầu Bắc Băng Dương với Exxon Mobil. Rosneft có cả thảy 44 lô dầu khí ngoài khơi Bắc Băng Dương và Hắc Hải với trữ lượng tổng cộng 300 tỉ thùng dầu, dự trù sẽ hợp tác khai thác với Exxon, ENI, Statoil.

Lukoil, công ty dầu khí tư nhân lớn nhất ở Nga nói rằng, họ không ngờ lọt vào danh sách cấm vận. Lukoil là công ty Nga hoạt động nhiều ở hải ngoại, có những tài sản từ mỏ dầu nước sâu ngoài khơi Ghana, mỏ dầu nước nông ở biển Caspian và các mỏ trong đất liền ở Iraq. Lukoil dự tính hợp tác với Total của Pháp để khai thác dầu đá phiến Siberia. Một giới chức Mỹ nói là biện pháp cấm vận không nhắm ngăn cản công tác sản xuất bình thường hoặc dự án phát triển tại nước ngoài của các công ty Nga.

Theo lời ông, hoạt động của Lukoil tại Mỹ chẳng hạn như các cơ sở cung cấp sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng giới ngân hàng và kinh doanh tin rằng Lukoil sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề huy động vốn cho những dự án như dự án khai thác dầu nước sâu ở Ghana. Lukoil đã vay vốn được 1,5 tỉ USD, gồm cả tiền của các ngân hàng Mỹ, nhưng từ tháng 7-2014, khi phương Tây gia tăng cấm vận Nga, khả năng vay vốn của các công ty năng lượng Nga bị ngưng trệ.

Vadim Yakovlev, Phó tổng giám đốc Gazprom Neft nói rằng, biện pháp cấm vận không làm ảnh hưởng đến sự hợp tác của công ty với các hãng phương Tây trong các dự án dầu đá phiến. Ông nói: “Chúng tôi có nhiều dự án như ở vùng Palyanovskaya và khu mỏ Priobskoye cũng như các dự án liên doanh với Shell”.

Theo lời ông, cho đến bây giờ chưa có hãng thầu nào từ chối làm việc cùng Gazprom Neft ở khu mỏ Prirazlomnoye. Công tác do một nhà thầu Nga phụ trách và trong hoàn cảnh hiện nay sẽ tìm trang thiết bị từ các nhà sản xuất khác kể cả từ quốc nội. Chỉ có dưới 50% công tác tại Prirazlomnoye trên thềm lục địa Bắc Băng Dương do các nhà thầu ngoại quốc phụ trách và ông Yakovlev tin rằng kế hoạch dài hạn ở đây sẽ vẫn tiến triển.

Ngoài ra từ cuối tháng 8, Gazprom Neft đã đồng ý xuất cảng sang Trung Quốc 80.000 tấn dầu ở mỏ Novoportovskoye vùng Bắc Băng Dương, nhận tiền rúp và cung cấp dầu thô qua đường ống dẫn Đông Siberia - Thái Bình Dương nhận tiền nhân dân tệ. Công ty định lượng giá kinh doanh Fitch Ratings ở London cho rằng cấm vận sẽ cản trở ngành dầu khí Nga phát triển sản xuất dầu đá phiến và ngoài khơi Bắc Băng Dương. Nhưng các công ty dầu khí Nga có khả năng vững vàng về thanh toán sẽ không bị tác động trong ngắn hạn với uy lực của họ.

Theo Fitch Ratings, Công ty Gazprom Neft muốn gia tăng trữ lượng dầu thêm 65% lên tới 1 tỉ thùng, phần chính là nhờ khu dầu đá phiến Barzhenov ở Tây Siberia nhưng Nga không có thiết bị và kỹ thuật cho việc này. Còn sản xuất sẵn có ở Bắc Băng Dương ít bị ảnh hưởng vì Gazprom Neft đã có đủ phương tiện và kỹ thuật. Lệnh cấm vận do đó chỉ có tác động trong trung hạn và dài hạn.

Bloomberg News nhấn mạnh là biện pháp cấm vận kinh tế không bao giờ chỉ tác động một chiều, phương Tây cũng phải chịu thua thiệt, đặc biệt là các công ty dầu khí. Hãng AFP ghi nhận trong khi Ukraina ngả về phía Tây để được trợ giúp thì Nga nhìn về phía Đông để tìm cách vượt qua những khó khăn và hy vọng tìm cách thoát khỏi thế cô lập của mình. Ngày 9-9, Nga và Iran đã ký tắt một loạt thỏa thuận nhằm tăng gấp 10 lần trong vòng 2 năm trao đổi mậu dịch giữa hai nước, hiện nay là khoảng 1,5 tỉ USD. Theo lời Bộ trưởng Năng lượng Nga, tổng trị giá của các dự án hợp tác lên tới 90 tỉ USD.

Trả lời báo chí hôm 13-9, Phó thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov nhấn mạnh: nhiều nước châu Á, như Trung Quốc không chấp nhận các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào nước Nga. Các quốc gia này sẵn sàng hợp tác với Moskva. Sau một tuần công tác tại Bắc Kinh, ông Shuvalov thông báo Moskva đang thảo luận với Trung Quốc về 32 dự án hợp tác kinh tế, từ lĩnh vực tài chính ngân hàng đến, lương thực thực phẩm. Đây là biện pháp giúp Nga giảm bớt áp lực của Âu Mỹ trước các biện pháp trừng phạt.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, biện pháp cấm vận mới của phương Tây sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế Nga trên 100 tỉ USD. Nhưng Vitaly Kruykov, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Small Lettres, nói rằng Nga cò dự trữ ngoại tệ 460 tỉ USD sẽ đủ tài nguyên để chịu đựng những biện pháp trừng phạt hiện nay tới 2 năm.

Nga có thể quay về phương Đông tìm tài trợ. Tổng thống Vladimir Putin coi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU là vô hiệu quả và phản lợi ích. Phát ngôn viên Phủ tổng thống Dmitri Peskov nhấn mạnh rằng, sự gia tăng cấm vận là vô nghĩa trước nỗ lực của Nga để đi tới ngừng bắn và một thỏa hiệp hòa bình cho miền Đông Ukraina.

S.Phương (tổng hợp)