Nỗi ám ảnh mang tên thực phẩm bẩn

10:45 | 14/05/2016

1,067 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ chưa bao giờ người dân cảm thấy hoang mang về thực phẩm bẩn như hiện nay. Và nhiều gia đình tìm cách dùng thực phẩm sạch bằng cách trồng rau, củ, quả tại gia để dùng, nuôi gà để ăn… nhưng còn heo, bò, cá… thì cũng phải mua. Đâu ai có thể vườn - ao - chuồng từ A đến Z được, trừ các nông trại. Nhất là ở các đô thị, nhà nhà trồng rau sạch, hóa ra chúng ta đang nông thôn hóa thành thị sao và nỗi ám ảnh mang tên thực phẩm bẩn khi nào kết thúc.

Chị Lan Anh ở quận 3 (TPHCM) chia sẻ: “Gia đình tôi hằng ngày dùng thực phẩm siêu thị với niềm tin là thực phẩm sạch, tuy nhiên, thỉnh thoảng không đi siêu thị thì đi chợ. Và mỗi lần mua trái cây, rau, quả thì nhận được lời thanh minh từ người bán: “Em yên tâm, rau này sạch không có thuốc trừ sâu”, hoặc “Em yên tâm nhé, xoài này không có chất bảo quản, chuối này không dú đá mà chín tự nhiên đấy, “Mít chín tự nhiên đấy em, không có hóa chất đâu”. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất rất nhiều bà nội trợ khác hằng ngày khi ra chợ đều nghe những lời thanh minh thực phẩm sạch của các chị tiểu thương”.

Còn chị Lê Na nhà ở một chung cư cũ quận Bình Thạnh, dưới khu chung cư là một chợ cóc, tâm sự: “Gần nhà có siêu thị và vài cửa hàng tiện lợi bán đầy đủ lương thực, thực phẩm nhưng thỉnh thoảng vẫn thích đi chợ hơn. Cảm giác mua cá ở chợ vẫn tươi hơn, nhất là cá ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ chuyển vào hoặc cá dưới Vũng Tàu chuyên lên bán trực tiếp rất tươi, ăn rất ngon… Nhưng đôi lúc tôi cũng băn khoăn vì cứ nghe báo đài nói có nơi cá ướp ure nên sợ lắm… Gần đây cá chết dạt vào bờ biển miền Trung nhiều, càng sợ nên tôi đi siêu thị nhiều hơn”.

noi am anh mang ten thuc pham ban
Nhiều gia đình ở thành thị tận dụng ban công, sân thượng trồng và tự cung tự cấp rau sạch (ảnh: N.A)

Thật sự, trước một rừng thông tin thực phẩm bẩn trên báo đài, ti vi, mạng xã hội như hiện nay dù không tin rồi nghe riết người ta cũng tin. Dù không sợ thì nghe riết rồi người ta cũng sợ. Chữ "thực phẩm bẩn" chưa bao giờ trở nên phổ biến, trở thành câu cửa miệng như hiện nay. Đó là một điều thực sự buồn, nhất là các chị tiểu thương buôn bán mà luôn trong tâm trạng sợ ế vì người dân đổ hết vào siêu thị thì bán hàng cho ai. Rồi các bà các mẹ hằng ngày đi chợ nhưng tâm lí bất an không biết mình mua rau, củ, quả, thịt trứng có sạch hay không.

Khu phố tôi ở giờ nhà nhà đều trồng rau, có nhà nuôi thêm gà vì xung quanh còn ít đất trống. Các ông chồng có vẻ hiểu sự vất vả của vợ trong việc mua thực phẩm và cũng vì thương con, sợ tụi nhỏ ăn phải thực phẩm bẩn nên chịu khó mua đất sạch, mua phân, mua giống về trồng rau, củ. Giờ nhà nào cũng có cải xanh, mồng tươi, hành lá, bầu, bí… để dùng hằng ngày. Và thực sự ăn không hết còn mang cho hàng xóm, họ hàng.

Nhưng về lâu dài giải pháp này chưa hẳn đã khả thi, con trẻ đi học, ở lại trường ăn cơm ở trường chứ đâu phải cả ngày ăn cơm ở nhà. Bố mẹ đi làm ăn cơm văn phòng, cơm bụi chứ đâu phải cả ngày ở nhà ăn rau, củ, quả tự trồng. Nên nỗi lo thực phẩm bẩn vẫn còn đó.

Bởi thế, nếu thông tin trên truyền thông đưa sai sự thật ở một địa chỉ sản xuất nông sản không sạch thì ngay lập tức người tiêu dùng tẩy chay mà sự việc câu chuyện phóng sự “Dùng chổi quét rau” phát trên VTV là hậu quả có thật. Rất nhiều người dân trong làng đã phản ứng và đòi kiện VTV bồi thường thiệt hại vì sau phóng sự này rau của họ bán không được.

Do đó, chuyện các cơ quan truyền thông vào cuộc để chỉ mặt điểm tên những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn là vô cùng cần thiết trong một cuộc chiến “Nói không với thực phẩm bẩn”. Tuy nhiên, nếu truyền thông lạm dụng quá mức quyền hạn của mình, làm phóng sự sai sự thật, dối trá như trường hợp cô phóng viên tập sự VTV vừa qua thì thật đáng tiếc. Rất nhiều người sẽ hoài nghi mức độ trung thực của thông tin, chưa kể những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà người dân hoặc địa phương sản xuất nông sản sạch phải gánh chịu. Người dân có quyền kiện nếu những phóng sự đó là không trung thực, là dàn dựng.

Mới đây khi nói về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thẳng thắn: “Cứ Bộ nọ, ngành kia đổ cho nhau. Hỏi ai cũng bảo trách nhiệm của tôi xong rồi, nhưng cuối cùng dân vẫn ăn bẩn mà không ai chịu trách nhiệm”. Do đó, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng cần phải tập trung vào một đầu mối, để quy trách nhiệm rõ ràng. Theo đó, sẽ không tăng biên chế mà lấy nhân lực từ các sở ban ngành. Đồng thời tăng cường cơ chế xử phạt và tiền xử phạt này dùng vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trách nhiệm rõ ràng, có hình thức xử phạt nghiêm nếu để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cuộc chiến với thực phẩm bẩn hãy còn dài và mỗi bà nội trợ đều mong trong hằng ngày đi chợ không phải nghe những lời thanh minh từ các chị tiểu thương: “Em ơi, trái cây chị bán không hóa chất đâu”, “Thịt heo chị bán không có chất tăng trọng”… Ngày đó có còn xa không?

T. Thanh