Những phụ nữ giữ hồn quan họ cổ

08:56 | 31/03/2013

1,421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Vốn xưa quan họ Bắc Ninh/ Muốn tìm tích cũ thì về Diềm thôn”. Theo câu ca, chúng tôi tìm về làng Viêm Xá, xã Hòa Phong, TP Bắc Ninh, nơi có những người phụ nữ ở tuổi gần đất xa trời vẫn một lòng quyết tâm giữ gìn quan họ cổ.

Sinh ra trong quan họ

Làng vẫn còn nét gì cổ kính. Những dãy nhà nhỏ nằm sát sạt cạnh nhau. Nhiều mái cổng vòm cung, tường gỗ mục dần theo năm tháng.

Bà Nguyễn Thị Bàn đã bước vào cái tuổi 82. Vẫn bỏm bẻm nhai trầu, mỗi khi cười bà để lộ hai hàm răng đen nhánh. Bà bảo mình sinh ra trong quan họ.Tuổi thơ ngập tràn những làn điệu í a mà bà ngoại và mẹ cha vun đắp.

Những buổi tối trời, trong căn nhà tranh rách nát, bà ngoại trải chiếu ngoài sân dạy hát các cô, các chị trong làng. Bé Bàn được ngồi học ké theo, mới 7 tuổi đã thuộc làu gần trăm bài hát.

Quan họ nhiều câu dài và khó nhớ. Có người mất cả tháng trời mới nhớ được trong đầu. Bà Bàn thì chỉ mất ít lâu, “cùng lắm 3 đêm là tôi thuộc”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn

Chả mấy chốc bà được theo các chị đi hát giao lưu, đối đáp. Mẹ đã khéo khâu cho chiếc yếm trắng tinh, bà ngoại còn may thêm cho chiếc váy.

“Học quan họ không phải chỉ học hát. Chúng tôi còn phải tập cho mình cả nếp ăn, nói, phong thái ứng xử của các liền anh liền chị” – bà Bàn bảo thế.

Năm 1945, chiến tranh loạn lạc, làng nhiều người li tán. Những người hát quan họ trong làng vì thế mà cũng ít dần đi. Mới 15 tuổi đầu, bà Bàn đã đứng ra lập một nhóm hát quan họ riêng, vừa hát vừa tham gia du kích.

Chị dâu của bà, cụ Lịch cũng là người hát quan họ hay có tiếng. Cụ kể rằng mỗi lần khi ông thân sinh ra cụ đi đâu về, khắc sẽ cất giọng hát lên những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm. “Cứ thế, quan họ ngấm sâu dần vào trong tâm tôi vậy” – cụ nói.

Ngày xưa đi hát quan họ, các liền chị mặc yếm trắng, áo lót xanh. Phía bên ngoài mặc áo dài, thắt lưng mỡ gà ngang bụng. Cụ khẽ cười và bảo: “Không màu mè như bây giờ”.

Cụ ông mất đã lâu, cũng là một người sinh ra ở làng Diềm nhưng không hát quan họ. “Lắm khi ông ấy cũng lên tiếng phàn nàn vợ mải hát quên lo chuyện chồng con. Nhưng nó là cái đam mê của tôi rồi, không bỏ được”.

Cụ Lịch – nghệ nhân quan họ 87 tuổi


Ngoài hát quan họ cụ Lịch cũng chơi tuồng. Các con cụ hiện nay, ai cũng hát được quan họ. Trong đó có cô con dâu là hát hay hơn cả.

Trong làng còn có cụ Lịch, năm nay đã ngoại 90. Dáng người nhỏ nhắn, tuy đã già nhưng thần sắc vẫn tinh anh. Cụ mơ màng nhớ về ngày xưa cũ: “Tre già măng mọc, cứ nối mãi lên, mấy trăm năm, mấy nghìn năm… những người hát không biết quan họ có từ bao giờ nữa”.

Hát mãi lời ca

Từ lớn đến bé ở làng Diềm có cả thảy bảy tám mươi người đang theo học và hát quan họ.

Được cho là cái nôi của quan họ cổ, làng hiện có khá nhiều nghệ nhân. Trong đó các bậc cao niên như bà Bàn, cụ Lịch, cụ Nhi vẫn còn rất hăng say trong nghệ thuật.

Hàng năm các cụ vẫn tham gia giảng dạy quan họ, rèn rũa từ lối ăn, lối nói đến những câu hát cho con cháu trong làng và cả các thế hệ sinh viên của trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh gửi về.

Các thế hệ tiếp sau có 2 chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thiềm, mở lớp học quan họ cổ miễn phí cho con em theo học. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiềm tỏ ra tiếc nuối: “Quan họ bây giờ đâu có được như xưa, nhiều người học được mấy câu thôi mà đã đi hát để kiếm tiền. Không giống chúng tôi ngày xưa, chẳng mấy người còn giữ được lối quan họ cũ nữa”.

Bà Bàn cũng không khỏi buồn lòng vì có những lúc sinh viên tới học mà không được như mong muốn: “Có những em không đủ kiên nhẫn, học có một bài khó mà đã xé giấy vò lại rồi vứt đi, làm những người dạy chúng tôi buồn ghê gớm”.

Học hát quan họ không phải ngày một ngày hai. Người học không thể chỉ biết ca từ là đủ. Các nghệ nhân còn phải rèn rũa từng lời ăn, tiếng nói, cách giao thiệp cho ra dáng liền anh, liền chị.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, xong các nghệ nhân đều hết lòng muốn gìn giữ và lưu truyền quan họ cho các thế hệ sau nối tiếp. Không một ai bỏ lỡ các buổi hát giao lưu hay biểu diễn mỗi khi có khách du lịch tới tham quan.

Hàng năm, ở làng đều có lễ hội tưởng nhớ và suy tôn Đức Vua Bà (bà tổ của dân ca quan họ). Trong lễ hội có nhiều tiết mục, hát quan cầu đảo, quan họ trùm đầu và trò chơi cướp quả cầu nước. Con cháu trong làng rủ bạn bè về chơi, khách thập phương biết tiếng cũng lũ lượt kéo về thưởng thức. Những câu hát La Rằng mở đầu tình tự vọng mãi lên, đi vào lòng người da diết lạ:

“Mong người như cá mong mưa
Mong người như bữa cơm trưa đói lòng
Mong người đã mấy tháng ròng
Hôm nay người lại có lòng đến chơi”.

Lương Lý