“Nhân tài” bội tín!

07:10 | 19/11/2015

1,636 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, dư luận nói nhiều đến chuyện TP Đà Nẵng khởi kiện các “nhân tài” vi phạm hợp đồng trong Đề án 922 của thành phố. Mới nhất là chuyện gia đình “nhân tài” gửi đơn kháng cáo xin giảm mức bồi thường lên Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng sau phiên sơ thẩm…

Theo cam kết giữa “nhân tài” với thành phố, mỗi học viên trước khi đi học phải ký một hợp đồng với thành phố: Khi kết thúc đào tạo phải về báo cáo việc học tập của mình; đồng thời phải công tác tại thành phố trong vòng 7 năm, nếu không thực hiện đúng cam kết, sẽ phải bồi hoàn phí đào tạo gấp 5 lần.

nhan tai boi tin

“Bút sa” như vậy, dù có viện dẫn lý do gì thì các “nhân tài” trên cũng sai bét. Và tòa án xử phần thắng cho TP Đà Nẵng là hoàn toàn chính xác.

Vậy “nhân tài” nói gì? Xin thưa: họ đều thừa nhận sai và viện dẫn “nhân tài” ở lại nước ngoài là để học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ để sau này về phục vụ lại thành phố. Vì vậy xin được “giảm nhẹ” tiền bồi thường và xin được “trả góp”. Nghe có vẻ hợp lý, hợp tình, nhưng hoàn toàn không phải vậy.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực cao TP Đà Nẵng (CPHUD) cho biết: Các học viên sau khi tốt nghiệp đều phải về làm việc ngay cho thành phố theo đúng hợp đồng. Lãnh đạo thành phố không cản trở việc tiếp tục học lên của các học viên. Tuy nhiên, việc học chỉ dành cho những học viên xuất sắc. Và phải học các ngành mà thành phố đang cần. Ai cũng viện dẫn lý do “ở lại học thêm” (có người ở lại đến 11 năm) thì còn gì là quy hoạch!

Chiếu theo cam kết này, Đà Nẵng hoàn toàn có quyền đòi bồi thường gấp 5 lần với những “nhân tài” bội tín. Tuy nhiên, trong cái lý còn có cái tình, Đà Nẵng cũng không đến mức “cạn tàu ráo máng” như vậy. Tại hội nghị tổng kết việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng ngày 12-3-2014; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã quyết định chỉ bắt “nhân tài” bội tín hoàn trả lại kinh phí đào tạo, chứ không phải đền bù như trong cam kết.

Thời nào cũng vậy, chữ Nhân luôn được đặt lên hàng đầu “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Trước khi thành tài thì phải thành người, chữ Nhân là biểu hiện “chất người” trong con người, là hiểu đạo làm người trong xã hội, biết đối nhân xử thế, biết làm tròn trách nhiệm cá nhân với xã hội. Thiếu 1 trong 5 đức trên thì bất thành Nhân.

Hiểu như vậy, để thấy rằng: Đấy chính là nền tảng của đạo đức xã hội, là điều cần có trong cuộc sống làm người của mỗi con người. Từ xa xưa, việc học tập, rèn luyện để trở thành con người hoàn thiện là việc thường xuyên, việc “sửa mình, tu thân không một ngày không làm”. Vậy mới có câu “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (nghĩa là từ vua đến dân ai nấy đều phải lấy việc sửa mình làm gốc).

Chưa thành Nhân và cũng chưa thành tài, mà đã sinh tật, đấy là nhận xét chung với những “nhân tài” bội tín. Dư luận nêu câu hỏi: Phải chăng trong khoảng thời gian xa quê quá lâu, với khoản thu nhập nhiều ngàn USD mỗi tháng kiếm được từ nước ngoài khiến họ “quên” mất đường về quê hương, “quên” mất sự cam kết từ khi còn là cậu học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, đang đắn đo trước “ngã ba” đường, được thành phố định hướng và chu cấp kinh phí, để khi “đủ lông, đủ cánh” là “tẩu vi thượng sách”!?

Điều này quá đúng. Hãy nghe những ý kiến trên trang mạng xã hội facebook bình luận về vấn đề này, phần lớn ý kiến ủng hộ các quyết định của thành phố. Anh N.L.Đ bình luận: “Tôi chưa biết các bạn tài như thế nào? Nhưng việc giữ chữ tín là điều đầu tiên mà các bạn nên thực hiện. Các bạn có đủ trình độ để hiểu rõ những gì đã cam kết như thế nào để nhận được tiền trước, được đi học. Các bạn ứng trước cả tỉ đồng để đi học, giờ các bạn chây ỳ không muốn trả mình cũng chẳng biết dùng từ nào để nói nữa”. Còn anh N.T.D bình luận: “Thế là còn ít, lấy tiền của dân đi học để sau này về giúp dân xây dựng đất nước. Học xong không về là phản bội niềm tin của nhân dân”...

Việc Đà Nẵng khởi kiện đòi tiền các học viên cũng là việc “cực chẳng đã”; bởi đấy là ngân sách, là tiền thuế của dân; “đồng tiền, bát gạo” thấm đẫm mồ hôi của người lao động không thể “cho không” những người bội tín, vì vậy không thể không thu hồi. Đó là việc làm cần thiết, thể hiện trách nhiệm và cả kỷ cương phép nước.

Xin các “nhân tài” bội tín hãy đọc lời răn dạy của tiền nhân, để sửa mình “Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác/ Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc/ Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép/ Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc/ Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối”.

Lâm Quý+

Năng lượng Mới 475