Nhà xuất bản nói “không” với việc bán giấy phép

17:53 | 08/09/2017

1,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2017. Trong hội nghị này, nhiều ý kiến đã khẳng định: Các nhà xuất bản sẽ nói “không” với việc bán giấy phép.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản đã chủ động khai thác, xuất bản được nhiều ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc. Có nhiều xuất bản phẩm mang nội dung tốt, có giá trị nhân văn như sách giới thiệu những tinh hoa văn hóa truyền thống, di sản, lịch sử của dân tộc… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít hạn chế.

nha xuat ban noi khong voi viec ban giay phep

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng tên đề tài không được xác nhận đăng ký xuất bản lý do chủ yếu vẫn là sai thể loại; tóm tắt nội dung không rõ hoặc nội dung thông tin không chính xác. Cũng có trường hợp điền thông tin không đúng dẫn đến việc sách được xuất bản có sự khác biệt với đăng ký xuất bản.

Mặc dù 6 tháng đầu năm 2017 số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung có giảm so với cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn tập trung ở một số nhóm. Nhiều xuất bản phẩm có nội dung không chính xác hoặc chưa kiểm chứng. Đây chính là nhóm vi phạm thường xuyên xảy ra và tồn tại đã nhiều năm nhưng chưa được các nhà xuất bản khắc phục triệt để, gây bức xúc trong dư luận hoặc bị khiếu kiện kéo dài. Ngoài ra, vẫn còn “lọt” một số xuất bản phẩm có nội dung thô tục, phản cảm… Việc để lọt nội dung như trên thể hiện sự dễ dãi trong biên tập hoặc đọc duyệt nội dung bản thảo của các nhà xuất bản liên quan. Trường hợp vi phạm kiểu nội dung không khách quan hoặc không phù hợp thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng số xuất bản phẩm vi phạm, trong đó chủ yếu là sách văn học, văn hóa - xã hội.

nha xuat ban noi khong voi viec ban giay phep
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều xuất bản phẩm có giá trị nhân văn được giới thiệu tới công chúng

Đặc biệt, một số cuốn sách dù đã được tái bản nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra sai phạm, ví dụ như cuốn “Miếng ngon Hà Nội”. So với đăng ký xuất bản, cuốn sách có thêm phần phụ lục có nội dung vi phạm nghiêm trọng Điều 10, Luật Xuất bản. Chính vì tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” của tác giả Vũ Bằng đã được xuất bản nhiều lần, ở nhiều nhà xuất bản khác nhau nên Nhà Xuất bản Dân trí đã chủ quan không đọc kiểm tra lại nội dung trước khi nộp lưu chiểu.

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới ngành xuất bản cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phải quản lý chặt chẽ hơn nữa quy trình liên kết; kiên quyết nói không với tình trạng “bán giấy phép”; chú ý hơn vào các dòng sách quan trọng, đặc biệt là sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển; đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Một số cuốn sách không chỉ sai về nội dung mà còn thực hiện sai thể loại so với đăng ký xuất bản. Ví dụ như cuốn “Một cơn gió bụi”, “Đi tìm sự thật”.

Phương Ngân