Người Hà Nội “chìm” trong ô nhiễm

18:46 | 14/07/2013

3,214 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người dân Hà Nội đã và đang phải sống trong một bầu không khí vô cùng ô nhiễm với bụi, hóa chất độc hại và tiếng ồn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên các bệnh về đường hô hấp, tim mạch.

Tránh trời không khỏi… ô nhiễm

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, trên các tuyến phố như Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Khoái… các phương tiện vận chuyển chất thải, phế thải, vật liệu xây dựng không hề được che chắn đúng quy định, các xe chở cát, sỏi phế liệu không được rửa sạch nước khi rời khỏi bãi tập kết làm rơi rớt ra đường đã làm ô nhiễm nặng nề hơn. Theo các nhà môi trường, đây chính là nguồn bụi chủ yếu gây tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay. Theo kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2013, hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội đáng giật mình. Có nơi hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí vượt quá 11 lần tiêu chuẩn cho phép… như đường Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Văn Linh. Còn các tuyến phố khác vượt quá 5 lần tiêu chuẩn cho phép.

Không gian sống của người Hà Nội bị ô nhiễm nặng

Nguyên nhân là do những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông cơ giới ở Hà Nội tăng lên chóng mặt. Trung bình, lượng ôtô tăng hằng năm là 10%, xe máy xấp xỉ 15%. Sự gia tăng về số lượng các phương tiện tham gia giao thông đã là nguyên nhân làm gia tăng lượng khí thải vào không khí, gây ra tình trạng ô nhiễm khí thải giao thông trầm trọng. Hiện nay với gần 90% lượng xe lưu thông là xe máy, thì lượng khí thải CO rất lớn. Bởi theo kiểm soát tiêu chuẩn khí thải được thực hiện đối với xe máy thì động cơ của xe máy thải ra rất nhiều bụi, khí CO.

Lượng thải các chất khí này tăng lên theo mỗi năm cùng với sự phát triển về số lượng của các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng. Hầu hết các ngã ba, ngã tư đường Hà Nội đều có nồng độ bụi vượt mức tiêu chuẩn cho phép, mà biểu hiện rõ nhất là các tuyến đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng... Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường, tại nhiều nút giao thông như Giải Phóng - Vành đai 3, Phùng Hưng - Hà Đông, những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn mức cho phép, có lúc gấp đến 7 lần. Các khí ô nhiễm khác như CO2, S02 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng.

Ngoài trời đã ô nhiễm, trong nhà lại càng ô nhiễm hơn. Không khí ô nhiễm dường như đã bủa vây toàn bộ không gian sống của người Hà Nội. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra hàng nghìn nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ngay trong chính từng ngôi nhà và các cao ốc văn phòng. Trong nhà chúng ta có hàng nghìn hợp chất hóa học không tốt cho sức khỏe con người. Chúng phát sinh ra một cách tự nhiên từ khói, khí gas, bụi, các chất hóa học của mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng và rất nhiều chất gây ô nhiễm khác từ các thiết bị hiện đại trong nhà như: xe máy, máy điều hòa, tủ lạnh, bếp gas, lò vi sóng, tivi...; từ vật liệu xây dựng như: đá ốp granit, đá lát, sơn tường, thảm rải sàn, vật liệu trang trí và sắp đặt…; từ các tác phẩm nghệ thuật như: tranh sơn dầu, tượng đá, hoa giấy…; từ đồ nội thất làm bằng bột gỗ, ván ép…

Nguồn khí độc ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe con người là từ bếp củi, bếp than cho tới bếp gas. Trong một không gian hẹp, bất cứ loại bếp nào cũng đều thải khí CO và như vậy tác động lên sức khỏe con người, đặc biệt khi cháy, khí gas còn sinh ra khí dioxit nito có thể làm giảm khả năng hô hấp và làm xấu đi tình trạng của người mắc bệnh phổi. Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, chất lượng không khí trong nhà và cao ốc văn phòng trên toàn thế giới đang sút giảm nghiêm trọng. WTO ước tính có gần 1 tỉ người, phần lớn là trẻ em và phụ nữ, đang hít thở không khí trong nhà với mức ô nhiễm gấp 100 lần cho phép.

Điên, điếc vì tiếng ồn

Tại các giờ cao điểm hoặc công trường xây dựng người dân bị quá tải bởi lượng tiếng ồn khó chịu, liên tục trong thời gian dài gây ra. Ô nhiễm tiếng ồn cũng đang dần trở thành nguyên nhân đẩy tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trở nên trầm trọng hơn. Tại điểm trung chuyển xe bus Long Biên, Cầu Giấy, đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng… và nhiều điểm khác, độ ồn đã vượt tiêu chuẩn trên 1,18 lần. Và hầu hết các điểm khác đều vượt tiêu chuẩn 1-1,15 lần cho phép. Người dân Hà Nội đang phải chịu đựng âm thanh hỗn tạp của còi xe, tiếng động cơ, tiếng ồn tại các công trường xây dựng và hàng loạt tạp âm khác làm cho môi trường không khí trở nên chật chội, ngột ngạt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một người nước ngoài đến làm việc ở Hà Nội đã phải thốt lên rằng: Giao thông ở Hà Nội thật khủng khiếp, ồn ào, đông nghẹt và luôn lộn xộn. Các phương tiện giao thông tùy ý chọn lộ trình mà họ cho rằng sẽ giúp thoát khỏi đám đông nhanh hơn và bấm còi vô tội vạ để “đỡ sốt ruột”. Và thói quen sử dụng còi lây lan như một bệnh dịch, truyền từ người tham gia giao thông này sang người tham gia giao thông khác, “tấu lên bản hòa ca” đinh tai nhức óc. Họ lắp vào xe của họ mọi loại còi từ còi hơi ôtô, còi nhại tiếng động vật, còi xe cấp cứu, còi nhại tiếng hú hay cười rùng rợn, còi nhạc... hay bất cứ loại còi nào bạn có thể tưởng tượng ra để bấm trên đường. Dường như họ cho rằng còi càng to, càng độc đáo sẽ khiến họ lái xe an toàn hơn trên đường. Tình trạng sử dụng còi hơi sai quy định diễn ra hết sức ngang nhiên. Ghi nhận của phóng viên Báo Năng lượng Mới trên các tuyến đường ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ… hiện tượng xe tải gắn còi hơi diễn ra khá phổ biến. Các tài xế bấm còi rất hồn nhiên, đường vắng bấm, đường đông lại bấm nhiều hơn... Anh Nguyễn Văn Hải, sống tại Khu đô thị Linh Đàm thường xuyên đi làm trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng bức xúc: “Nhiều lần đang đi, bỗng giật nẩy mình vì âm thanh lạ, tay lái loạng quạng suýt ngã, định thần lại mới biết có xe tải đi đằng sau bấm còi”.

Không chỉ xe tải, mà ngay cả xe thu gom rác với khẩu hiệu “vì môi trường…” cũng được gắn còi với âm thanh “xé tai”. Nó trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường. Anh Nguyễn Quốc Hùng (ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần ra đường, hễ thấy bóng dáng xe chở rác là tôi lại tìm cách tránh xa... Bảo xe tải tư nhân làm liều đã đành, đằng này xe do công ty về môi trường quản lý, không hiểu sao vẫn lắp còi “khủng” như vậy. Mà xe chở rác thì cần gì phải còi, xe chưa đến mùi đã đến rồi, ai mà chả tránh xa cơ chứ”.

Việc lạm dụng sẽ mất đi chức năng này của còi và còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trên đường. Nó có thể gây “sốc” và làm hoảng sợ những người lái xe khác, dẫn đến tai nạn. Mà chuyện này đã xảy ra TP Hồ Chí Minh - một bà mẹ chở đứa con 3 tuổi, sau khi chiếc xe tải đi sau bất ngờ bấm còi inh ỏi, cháu bé giật mình ngã xuống đất và bị chính chiếc xe tải đó chẹt qua người, làm cháu bé tử vong.

Khi đề cập đến tác động tiêu cực của tiếng ồn, người ta thường chỉ nhấn mạnh tới nguy cơ bị điếc (mất thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn), nhưng hậu quả của ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế nghiêm trọng hơn nhiều. Tiếng ồn không làm người ta bị điếc ngay, mà làm giảm khả năng nghe một cách từ từ, dẫn đến rối loạn thính giác, làm thay đổi tâm lý con người, gây stress. Bác sĩ Nguyễn Thị Toán, Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường cho biết: “Với độ ồn đến 90 decibel (dB), người ta chỉ có thể làm việc trong 4 giờ/ngày nếu không muốn bị... điếc”. Hiện nay chúng ta chưa có quy định được bấm còi to đến mức độ nào. Trong khi chỉ cần bất ngờ nghe thấy tiếng còi 130 dB, người bình thường có thể đã rách màng nhĩ.

Cácbon mônôxít, công thức hóa học là CO, là một chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao. Nó là sản phẩm chính trong sự cháy không hoàn toàn của cácbon và các hợp chất chứa cácbon. Trong gia đình, khí CO được tạo ra khi các nguồn nhiên liệu như xăng, hơi đốt, dầu hay gỗ không cháy hết trong các thiết bị dùng chúng làm nhiên liệu như xe máy, ôtô, lò sưởi và bếp lò… Việc hít phải một lượng quá lớn CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh cũng như có thể gây tử vong.


Phúc An