Nga bắt đầu thắt lưng buộc bụng

13:53 | 14/07/2015

3,060 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13/7, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tinh giản khoảng 10% nhân sự của Bộ Nội vụ, tương đương 110.000 người. Đây được coi một trong những giải pháp thắt lưng buộc bụng mà Nga đang tiến hành.

Tổng thống Putin thị sát một siêu thị ở Moskva

Sắc lệnh trên, được đăng tải trên trang web của Chính phủ Nga ngày 13/7, ghi rõ số lượng nhân viên Bộ Nội vụ Nga tối đa được hưởng lương từ ngân sách liên bang vào khoảng hơn 1 triệu người, trừ nhân viên an ninh và nhân viên bảo dưỡng các trụ sở của Bộ Nội vụ.

Như vậy, văn kiện này có sửa đổi so với sắc lệnh mà ông Putin từng ký hồi tháng 5/2014, theo đó, số lượng nhân viên của bộ trên được quy định ở mức trên 1,11 triệu người. Tuy nhiên, hiện chưa rõ những nhân viên thuộc bộ phận nào sẽ bị tinh giản hay tỷ lệ những nhân viên sẽ chuyển sang làm các công việc không hưởng lương.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước Nga đang rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây do liên quan tới vấn đề Ukraina, theo đánh giá của các chuyên gia thì động thái trên của Tổng thống Putin được coi là một trong những giải pháp thắt lưng buộc bụng.

Mặc dù tại diễn đàn kinh tế SaintPetersbourg mở ra từ ngày 18 đến 20/6/2015, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước Nga đủ sức đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nhưng cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Koudrin không che giấu là nước Nga dưới tác động của các biện pháp trừng phạt đang “trải qua một cơn bão tố”. Tại diễn đàn Saint Petersbourg, cựu Bộ trưởng Nga cảnh báo: căng thẳng ngoại giao xuất phát từ khủng hoảng Ukraina khiến Nga bị cô lập về mặt chính trị, “kèm theo đó là những hậu quả kinh tế tai hại”.

Các chỉ số chính thức đều cho thấy nước Nga trong một năm qua đang lún sâu vào khủng hoảng. Tổng sản phẩm nội địa trong quý 1/2015 giảm 2,2 % so với một năm trước đây và nhiều dự báo cho thấy GDP của nước Nga sẽ bị sụt giảm hơn 3 % trong năm 2015.

Vẫn tại diễn đàn Saint Petersbourg, một thành viên của ngân hàng Aton, một trong trong những ngân hàng lớn của Nga ghi nhận: chính sách trừng phạt của Âu, Mỹ khiến các nhà đầu tư phương Tây nản lòng, còn nước Nga thì khan hiếm tư bản. Lãnh đạo tập đoàn luyện kim Severstal, Mikhaïl Mordachov lưu ý kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa Nga với các nước châu Âu đã giảm 30% trong quý một năm 2015 và đó là một "tín hiệu xấu cho tất cả mọi người ".

Về phần mình, chủ tịch một quỹ đầu tư của Nga, David Iakobachvili tuyên bố: hậu quả của chính sách trừng phạt nhắm vào nước Nga sẽ kéo dài “ít nhất là từ hai đến ba năm”.

Từ mùa xuân 2014, châu Âu đã bắt đầu trừng phạt Nga. 150 nhân vật và 37 tổ chức, doanh nghiệp Nga bị phong tỏa, bản thân họ không được phép nhập cảnh vào lãnh thổ châu Âu. Bên cạnh đó Bruxelles cũng đã ban hành một số biện pháp cấm vận cụ thể nhắm vào các tập đoàn sản xuất vũ khí hay dầu khí, ngân hàng của Nga. Với hậu quả là các tập đoàn này không thể đi vay ngắn hạn trên thị trường tài chính châu Âu.

Tháng 11/2014, Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Silouanov nhìn nhận nền kinh tế Nga bị thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do tác động trực tiếp của các đợt trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu đã ban hành. Cho tới thời điểm đó, hơn 140 tỷ USD vốn đầu tư ngoại quốc đã chạy khỏi nước Nga. Tháng 12/2014 đồng rúp mất giá gần 1/3 so với đồng euro.

Yếu tố gây khó khăn hơn cả cho nước Nga là hiện tượng giá dầu hỏa và khí đốt giảm mạnh kể từ mùa thu 2014. Nhưng trên thực tế đà giảm sụt của giá dầu hỏa, khí đốt trong những tháng gần đây đã bắt đầu chậm lại và điều đó giúp cho kinh tế của Nga tránh được kịch bản đen tối nhất.

Theo các nhà phân tích, cho đến nay kinh tế Nga không trên đà bị sụp đổ như điều đã xảy tới cho Ukraina. Mặt khác người dân Nga từ một năm qua đã bắt đầu thích nghi với tình huống. Các doanh nghiệp thì đã hướng về những thị trường mới, chủ yếu là Trung Quốc và Trung Đông. Do vậy một số nhà quan sát cho rằng nếu chính sách trừng phạt nước Nga kéo dài, thì sẽ bất lợi trước hết cho chính bản thân các doanh nghiệp Âu, Mỹ muốn hay đang hoạt động tại Nga.

Theo nghiên cứu gần đây nhất của Viện kinh tế Áo Wifo, hơn 2 triệu công việc làm trong Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ bị đe dọa; thiệt hại do chính sách trừng phạt Moskva có thể lên tới 100 tỷ euro. Trong quý 1 năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang thị trường Nga giảm 33,6%. Trong mùa đông vừa qua, khối lượng du khách Nga sang Pháp trượt tuyết giảm đi 27%.

Hạn chế giao thương với Nga đe dọa cướp đi đến 1% GDP của nước Đức. Chỉ riêng ngành nông nghiệp và chăn nuôi, nhiều thành viên Liên minh châu Âu như Tây Ban Nha, hay Italia, Hà Lan bị tác động mạnh do Nga ngưng nhập rau quả, thịt bò và sữa của châu Âu.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới