Tranh cãi về việc "cho phép mang thai hộ" nhưng "cấm đẻ thuê"

09:57 | 22/06/2014

1,644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực tế đã cho thấy, mang thai hộ vẫn tồn tại và gây ra nhiều hậu quả pháp lý phát sinh không giải quyết được. Vì vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi tới đây cần có những quy định cụ thể về việc cho phép mang thai hộ và cấm tuyệt đối việc “đẻ thuê”.

Trước khi Quốc hội biểu quyết về dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai được dành thời gian trình bày bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý lần cuối dự thảo luật. Bà Mai cho biết, do vấn đề cho phép mang thai hộ vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều nên UB Thường vụ Quốc hội đã tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu.

Từ năm 2015, Việt Nam chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. (Ảnh minh họa).

Kết quả xin ý kiến trước khi dự thảo luật được đưa ra Quốc hội biểu quyết thể hiện, có 59,1% đại biểu tán thành việc cho phép mang thai hộ. Căn cứ trên đa số ý kiến đại biểu, đại diện cơ quan thẩm tra luật cho biết, UB Thường vụ Quốc hội quyết định đưa nội dung này vào dự thảo luật.

Bà Mai nhấn mạnh, việc cho phép mang thai hộ là biện pháp nhân đạo giúp cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai, sinh con được ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản có cơ hội làm cha mẹ. Các quy định để đảm bảo việc mang thai hộ đúng với mục đích nhân đạo, không bị thương mại hoá, quy định về hợp đồng, về xử lý các tranh chấp phát sinh… được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Theo đó, ngày 19/6 vừa qua, luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi được thông qua với tỷ lệ tán thành gần 60% dù trước đó nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về những hậu quả khó lường nếu cho phép.

Cụ thể, luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể điều kiện, nội dung thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ các bên chặt chẽ để ngăn ngừa việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ để tránh việc mang thai hộ bị biến tướng sang thương mại.

 

Việc mang thai hộ không tính vào số lần mang thai, sinh con khi thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Người mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

Luật mới được thông qua cũng quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: Là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…

Chia sẻ với PetroTimes, GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng không nên cấm việc mang thai hộ vì khát vọng có con là quyền lợi chính đáng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, cần phải có quy định chặt chẽ để tránh việc nó bị biến tướng sang thương mại và đi ngược lại truyền thống đạo lý. Do vậy chỉ nên cho phép “mang thai hộ” và phải cấm “đẻ thuê”.

Theo lời GS Quý, bởi dù có muốn thừa nhận hay không thì người ta vẫn đang lén lút thực hiện đấy thôi. Đó là một nhu cầu tất yếu của xã hội vì nó xuất phát từ ba nhóm: Do vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng đều vô sinh (mà tỷ lệ này đang gia tăng); khi chúng ta cho phép kết hôn đồng tính thì cũng có nghĩa là nhu cầu này cũng sẽ tăng lên; cũng không loại trừ hiện tượng phụ nữ không thích đẻ mà vẫn muốn có con. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp cho người ta hoàn toàn làm được điều đó.

Nếu bây giờ mình không thông qua thì sẽ khiến cho một bộ phận xã hội không thoải mái. Họ lén lút thực hiện và rủi ro tăng cao, vì rất có thể một trong hai bên sẽ phá vỡ thỏa thuận, gây thiệt hại về tiền bạc, sức khoẻ cho bên kia. Nếu mình có luật thì sẽ kiểm soát được điều đó. Vấn đề ở đây là, có con là một quyền thì tại sao lại bắt họ lén lút?

PGS.TS Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư .

 

Còn PGS.TS Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư chia sẻ: “Việc cho phép mang thai hộ là hợp lý vì đây cũng là quyền của những cặp vợ chồng vì lý do nào đó họ không thể sinh con”. Thực tế cho thấy, trước đây khi luật pháp không cho phép, nhiều cặp vợ chồng vẫn làm trái luật khi thuê người mang thai hộ ngay tại Việt Nam hoặc sang Thái Lan thuê.

Trong khi đó, nhiều người phụ nữ bị dị dạng tử cung như không có tử cung, tử cung đôi, phải cắt bỏ tử cung, sức khỏe yếu, bị bệnh tim hoặc bệnh thận thì không thể mang thai. Tuy nhiên nhu cầu giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhu cầu có con vẫn là một nguyện vọng chính đáng. Để thực hiện nguyện vọng này, họ không có cách nào khác là phải nhờ người mang thai hộ. Nhưng các bác sĩ Việt Nam không dám làm vì sợ phạm luật. Chính vì vậy, những người có nhu cầu phải “dạt” sang nước khác để làm. Như vậy vừa tốn kém, vừa thất thoát ngoại tệ, mà vẫn không cấm được.

Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng để tránh mang thai hộ vì mục đích thương mại, Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ giữa người trong gia đình, hoặc được chính quyền địa phương xác nhận người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ có quan hệ họ hàng trong vòng ba đời và mỗi người cũng chỉ được mang thai hộ một lần.

Dự kiến, từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực.

Thảo Phượng