Trạm cân lưu động đua nhau hỏng

14:17 | 26/04/2014

1,468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm “siết” tải trọng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã trang bị cho mỗi tỉnh, thành một bộ cân lưu động. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng thực hiện, các trạm cân bộc lộ hàng loạt sự cố, khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng của công cụ kiểm soát tải trọng xe do Công ty TNHH Một thành viên Hanel cung cấp.

Vừa dùng đã hỏng…?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng loạt cân xe từ 1/4/2014. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng thực hiện, hệ thống cân lưu động đã bộc lộ quá nhiều bất cập xung quanh vấn đề chất lượng.

Ngày 1/4, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai tiến hành lắp đặt, đưa vào sử dụng trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên Quốc lộ 51. Tuy nhiên, hệ thống cân lưu động này liên tục gặp trục trặc về kỹ thuật. Trong 2 ngày (9 và 10/4), trạm cân này bị lỗi không nhận dạng hình ảnh phương tiện. Đến 11/4, camera bị hư hỏng, đường truyền kết nối với hệ thống mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên bị giãn đoạn. Tương tự, trạm cân do Sở Giao thông Vận tải Phú Yên quản lý cũng gặp không ít lỗi kỹ thuật. Máy tính của trạm cân thỉnh thoảng bị “nghẽn” không kết nối được với hệ thống, khiến việc cân xe mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng giao thông.

Bên cạnh đó, rất nhiều trạm cân vừa mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ trục trặc về kỹ thuật và phải dừng hoạt động. Ngày 15/4, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định tiến hành lắp đặt, đưa vào sử dụng trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, sau hơn một ngày khai thác, bộ cân lưu động đã buộc phải tạm ngừng hoạt động do lỗi kỹ thuật. Cùng ngày, trạm cân lưu động tại trên Quốc lộ 9 do Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị lắp đặt cũng mắc lỗi sau hai tuần đưa hoạt động, đặc biệt là sự cố xe tải đăng ký biển Lào không được thiết bị cân nhận diện để trích xuất biên lai.

Trạm cân lưu động tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định) mới đi vào hoạt động hơn 1 ngày đã hỏng

Không chỉ thiết bị cân mắc bệnh, “sai số” trong quá trình cân trọng tải xe cũng là một vấn đề làm cho cơ quan chức năng đau đầu. Đã có rất nhiều trường hợp xe cân ở trạm này thì không quá tải trọng, nhưng đến trạm khác lại vượt. Điển hình, kết quả cân xe tải mang biển kiểm soát 73L-7053 tại trạm Cầu Gianh và cũng xe này cân đối chiếu tại trạm điện tử đặt trên đường tránh thành phố Đồng Hới cho thấy, trạm Cầu Gianh có sai số.

Hay như trường hợp xe tải mang biển kiểm soát 72C-019.XX chở 25 tấn mực khô từ Bình Dương ra Lạng Sơn. Số hàng hóa trên xe được bảo quản lạnh, thùng hàng được niêm phong, kẹp chì ngay sau khi giao nhận hàng. Trên quãng đường từ Bình Dương đến Quảng Bình, xe đã được cân trọng tải lưu động tại các tỉnh và đều có trọng tải cho phép. Tại trạm cân tại Quảng Ngãi cho kết quả 44,71 tấn. Tuy nhiên, khi cân tại trạm cân lưu động ở cầu Gianh kết quả lại là 52 tấn (chênh 8,4%). Với trọng tải này, chiếc xe bị xử phạt vì quá tải so với quy định. Bức xúc, lái xe vào trạm cân điện tử 180 tấn trên đường tránh thành phố Đồng Hới để cân đối chứng. Kết quả ở trạm cân này cho thấy xe có tải trọng là 47,3 tấn.

Liên quan đến sự cố mà các trạm cân lưu động gặp phải, bà Bùi Thị Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hanel cho biết: “Bộ cân lưu động bị hư hỏng, gặp trục trặc chủ yếu do lỗi vận hành”.

Hanel đã tiếp nhận, phân tích và đánh giá 39 trường hợp sự cố trong gần 1 tháng qua. Trong đó, 12 trường hợp sự cố do thiết bị được lắp đặt, bảo quản chưa đúng quy trình, 6 trường hợp do lái xe cố tình phá hoại, 16 trường hợp do lỗi người sử dụng trong quá trình vận hành và 5 trường hợp do bị ngâm lâu trong nước ngập. Lỗi nhiều nhất vẫn là do người vận hành không đúng quy trình, hướng dẫn sử dụng. Để khắc phục lỗi này, Hanel đã lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, tư vấn và hướng dẫn biện pháp khắc phục sự cố, vận hành hệ thống cân đúng quy trình. Đường dây nóng này sẽ được duy trì trong thời gian 24 tháng, đúng với thời gian bảo hành các trạm cân.

Còn những phản ánh cân cho kết quả sai số, không đúng với thực tế về tại trọng xe, Hanel khẳng định đều là do nhân viên vận hành trạm cân không thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật và quy trình vận hành cân. Sau khi được bộ phận kỹ thuật của Hanel hướng dẫn, các trạm cân đều xác nhận không còn hiện tượng này. Trước những thắc mắc về việc, mỗi khi trời mưa là trạm cân phải nghỉ, bà Bùi Thị Hải Yến cho rằng, trong tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị đã nêu rõ, bộ cân có thể sử dụng trong điều kiện thời tiết trời mưa, nhưng thiết bị cân là thiết bị điện tử không chịu được tình trạng ngập nước và ngâm lâu trong nước. Thời gian qua, Hanel đã tư vấn trực tiếp cho rất nhiều tỉnh thành về cách sử dụng và bảo quản thiết bị cân trong thời tiết trời mưa”.

Độ chính xác 99%

Trong giai đoạn 1, Hanel được chỉ định thầu thí điểm cung cấp 10 bộ cân lưu động, tổng giá trị mỗi bộ cân 2,24 tỉ đồng (cân hơn 900 triệu đồng, ô tô 1,3 tỉ đồng). Giai đoạn 2, Hanel tiếp tục được chỉ định thầu thực hiện 57 bộ cân, tổng giá trị 1,99 tỉ đồng/bộ. Hệ thống trung tâm bao gồm máy chủ và phần mềm quản lý đặt tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng được chỉ định thầu. Những bộ cân lưu động đang phục vụ công tác “siết” tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ được “sinh ra” theo đơn đặt hàng và đó là những “đứa con đầu lòng” của Hanel về việc sản xuất cân lưu động.

Cũng theo lời vị Phó Tổng gGiám đốc Hanel thì, hệ thống cân lưu động mà các địa phương đang sử dụng để “siết” tải trọng phương tiện, được Hanel thiết kế, sản xuất theo đơn đặt hàng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống cân này có 40% thiết bị được nhập khẩu từ Canada, Hungary, Nhật Bản, Trung Quốc và 60% là nội địa do Hanel nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Bộ cân lưu động đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy phép kiểm định, xác nhận đạt độ chính xác 99,5%. Ngoài ra, phần mềm điều hành hệ thống cân do Hanel xây dựng nên làm chủ về công nghệ, đáp ứng đúng các yêu cầu đặt hàng và thay đổi của khách hàng.

Giải thích về một số lỗi có thể gây sai số khi cân hoặc làm hệ thống cân hư hỏng. Cụ thể, điều kiện mặt bằng tối thiểu để hệ thống cân hoạt động an toàn và có chỉ số chính xác là 3,5m x 0,6m và phải trên một mặt phẳng. Mặt bằng phải được thi công bằng bê tông cốt thép và chịu được tải. Thực tế hiện nay cho thấy, 100% các đơn vị sử dụng cân không đáp ứng được tiêu chuẩn về điểu kiện mặt bằng. Tại một số đơn vị, cân được đặt trong điều kiện vi phạm nặng tiêu chuẩn mặt bằng, như mặt đường gồ ghề, phía dưới cân có gờ đá làm cho mặt cân bị cong vênh, cáp đo và dây đo bị biến dạng cục bộ. Bên cạnh đó, cột tiếp điện phải cao 1,5m và phải được đóng sâu xuống đất tối thiểu là 1,2m, nhưng hầu hết các tỉnh thành không đáp ứng yêu cầu này, thậm chí có đơn vị chỉ đóng cọc tiếp đất sâu 20-50cm, gây phóng điện, đứt cầu chì.

Ngoài ra, hệ thống cân bao gồm 7 thiết bị điện tử có độ chính xác cao, do vậy việc bảo quản từng thiết bị cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định. Đây là lỗi mà rất nhiều tỉnh thành đã và đang mắc phải. Tình trạng kiệt pin và ắc quy là hệ quả trực tiếp của việc ắc quy không sử dụng, không nạp lại điện, thiết bị để lâu không sử dụng. Kỹ thuật viên vận hành hệ thống cân phải được đào tạo, tập huấn sử dụng hệ thống, bởi vì hệ thống cân là một tập hợp các thiết bị điện tử có độ chính xác cao, phải thực hiện theo đúng các quy trình, quy định kỹ thuật của hệ thống.

Hanel đã phối hợp cùng Tổng cục Đường bộ tổ chức 3 đợt tập huấn sử dụng hệ thống cân, trước khi bàn giao hệ thống cân cho các địa phương. Tuy nhiên, tại các tỉnh thành cho thấy đa số các trường hợp người được tập huấn sử dụng hệ thống lại không phải người trực tiếp vận hành hệ thống cân tại địa phương. Tình trạng này dẫn đến việc sử dụng, vận hành hệ thống cân sai quy trình, gây hỏng hóc cho thiết bị. Những hiện tượng phổ biến là đặt sai vị trí của mắt thần camera gây ra lỗi chụp ảnh, vận hành sai làm dây cáp bàn cân bị đứt…

Thiên Minh