Tây Nguyên rồi sẽ hết voi!

06:55 | 04/09/2014

2,282 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tây Nguyên là quê hương của nghề thuần dưỡng voi, nuôi voi và Hội Ðua Voi mang một nét đặc trưng không thể thiếu của đồng bào Tây Nguyên. Bởi theo quan niệm của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, voi là con vật linh thiêng, là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng.

Năng lượng Mới số 352+353

Từ một giống vật hoang dã khi được bắt về và thuần dưỡng, dần dần voi trở thành người bạn thân thiết với con người trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Ðiều đáng tiếc là thời gian gần đây, những cánh rừng Tây Nguyên, quê hương sinh tồn của loài voi đang bị con người tàn phá nghiêm trọng. Ðàn voi rừng phải sống du canh du cư, đàn voi nhà cũng mai một theo thời gian.

Làng voi Nhơn Hòa

Hơn ai hết, những người già ở Nhơn Hòa biết rõ những bước thăng trầm của đàn voi gần 50 con của những năm 70 thế kỷ trước. Số chết vì đạn giặc, số chết vì bệnh hay gục ngã vì bị bòn rút sức lực. Sức voi, thời của voi ở Nhơn Hòa dần đổ theo thời gian. Năm 2000, một tin vui đến, thắp lên hy vọng cho đàn voi nhà. Công ty Du lịch Gia Lai phối hợp với những chủ voi ở Nhơn Hòa đưa gần 20 con voi vào sử dụng trong các tour du lịch sinh thái. Nhưng rồi du lịch vắng khách, sự kết hợp đó cũng lụi dần. Voi lần lượt bị bán sang vùng khác. Trong những nỗ lực cuối cùng, công ty này đã thương lượng mua lại 3 con voi, mỗi con có giá 40-50 triệu đồng khi chúng sắp có chủ khác. Sáu nài voi được trả 3 triệu đồng/tháng để giữ voi và phục vụ khi có khách tham quan. 

Tây Nguyên rồi sẽ hết voi!

Cả đàn voi nhà gần 50 con từng là niềm kiêu hãnh của người dân Nhơn Hòa nay chỉ còn lại là con số 0 (không). Con voi chỉ còn là một hoài niệm buồn trong từng câu chuyện, qua các bưu ảnh ố màu. Huyền thoại về làng voi duy nhất ở vùng Bắc Tây Nguyên này gần như bị mai một.

Không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt già Nây Tơr bộc bạch: “Ngày trước các làng quanh Nhơn Hòa này đều có voi, làng ít 5-7 con làng nhiều đến 40 voi. Mỗi con voi phải đổi từ 50 đến 100 con trâu, bò.Voi mua về phải cúng nhập gia, được đặt tên như người, khi voi chết được làm lễ cúng an táng một cách thành kính. Với người dân Tây Nguyên, voi không chỉ có công đối với mỗi gia đình, dòng tộc, buôn làng. Voi còn có công đối với đất nước, với lịch sử chống giặc nữa đấy. Mai này Tây Nguyên mất hết voi rồi, mình là người có tội…! Ðến đây tôi thấy khóe mắt ông đỏ lên, giật giật và những giọt nước mắt chực lăn xuống, già làng Nây Tơr thực sự xúc động”.

Tiếng tù và buồn lòng

Theo Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Ðắk Lắk, trong những năm qua, số lượng voi hoang dã lẫn voi nhà của tỉnh giảm rất nhanh.  Năm 1980 có trên 550 con thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 đàn, với số lượng 60-70 cá thể hoang dã. Từ năm 2009 đến nay đã có 17 con voi rừng bị chết, trong đó có nhiều cá thể voi bị săn bắn trái phép để lấy các sản phẩm có giá trị như ngà, lông, da…cũng đang làm cho số lượng voi hoang dã giảm đi nhanh chóng. 

Ðàn voi nhà ở Ðắk Lắk cũng đang sụt giảm nghiêm trọng. So với năm 1980 là 502 con thì hiện nay chỉ còn 49 con. Tính riêng từ năm 2007 đến nay, đã có 21 voi nhà bị chết. Voi chết chủ yếu là do bị giết hại; thiếu thức ăn; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng còn lạc hậu; làm du lịch quá mức dẫn đến kiệt sức... Dự báo, khoảng 20 đến 30 năm nữa voi không sinh sản thì đàn voi nhà ở Ðắk Lắk sẽ hết sạch. Với tốc độ suy giảm như hiện nay, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu mai này, Ðắk Lắk có còn voi?

Gặp chúng tôi tại Buôn Ðôn, ông Ama Thu - già làng ở Bản Ðôn - đã gần 90 tuổi kể cho tôi nghe về những chuyến săn voi, thuần phục voi cách đây vài chục năm. Ông nói trong giọng tiếc nuối: Voi ngày ấy nhiều vô kể, sống ở rừng, chúng hung dữ và khỏe lắm. Còn bây giờ… Câu nói bỏ lửng và thay vào đó là tiếng tù người già làng thổi lên - hiệu lệnh của những chuyến săn voi ngày ấy. Cái tù cũ kỹ ngả màu làm từ ngà voi. Ngà voi - hơn hết là thứ mà mọi người ngày nay coi là quý nhất của một con voi to lớn. Ý nghĩ đó đặc biệt hấp dẫn với các thợ săn. Và để có một cặp ngà ưng ý, giá phải trả là một con voi ngã xuống, là tiếng rống lên thống thiết giã từ đồng loại vào giây phút sinh tử cảnh báo đàn voi nên tránh xa lũ thợ săn độc ác, dã man. Voi ngày càng ít đi và phải lẩn tránh con người trong rừng sâu.

Tây Nguyên rồi sẽ hết voi!

Trong những năm qua, hàng chục ngàn hécta rừng ở Buôn Ðôn, Ea Súp, Ea H’leo (ÐắK Lắk), Chư Prông (Gia Lai), nơi nhiều voi rừng sinh sống, đã bị khai tử do tình trạng khai thác rừng trái phép, giao đất rừng cho doanh nghiệp để trồng cao su, cà phê... Từ năm 2005 đến 2014, diện tích rừng tự nhiên của các địa phương trên có voi hoang dã sinh sống đã giảm trên 20.000ha. Không gian sinh tồn của voi đang bị thu hẹp dần và chúng ngày càng trở nên hung dữ hơn. Ðây cũng chính là lý do khiến cho xung đột giữa voi và người ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc săn bắn trái phép cũng làm giảm đi quần thể voi hoang dã vốn đã ít ỏi. Thế nhưng tới nay, các vụ voi bị chết, bị bắn giết cơ quan chức mới chỉ tiến hành các bước điều tra rồi để đấy; vẫn chưa có nhóm thủ phạm nào bị các cơ quan tư pháp truy tố, xét xử công khai dù chỉ để trấn an dư luận xã hội.

Rừng. Quê hương, không gian sinh tồn của voi bị thu hẹp, bị xẻ nát. Trong hành trình nhọc nhằn kiếm cái ăn, voi phải đi dài hơn, đói hơn khiến đàn voi rừng trở nên bạo hơn trong thế quẫn của sự sinh tồn... đã dẫn đến nhiều chuyện đau lòng xảy ra như voi nhà thì dùng vòi quật chết quản tượng (Ðắk Lắk); voi rừng thì hung dữ tấn công con người như ở Gia Lai, Quảng Nam… và đặc biệt là tàn sát cây trồng hoa màu những vùng ven sông, suối và rừng núi ở Ea Súp (Ðắk Lắk); Chư Prông (Gia Lai)…

Voi nhà của cả Gia Lai và Ðắk Lắk đầy vẻ nặng nhọc, già cỗi vì đã qua rồi cái thời phong độ huy hoàng của thứ phong vị đặc trưng - voi Tây Nguyên. Việc nuôi voi ở một số địa phương cũng trái với sự sinh tồn, phát triển của voi vì chúng bị buộc riêng lẻ vào một sợi xích, dài khoảng 50m và thả trong rừng. Ðôi khi đến phiên mình cho ăn nhưng người chủ ham uống rượu là lập tức... quên ngay. Vậy là voi nhịn đói…Vào độ tháng 4, voi động dục. Chúng hẳn bắt được "hương tình" của nhau nhưng đành bất lực bởi những sợi dây xích oan nghiệt. Tiếng voi nhà động dục rống lên hằng đêm vẫn vọng về, dội vào núi rừng thâm u, vào mỗi vách nhà một cách bi thiết, bất lực.

Theo già làng Kpăh Kleng, một người có nhiều kinh nghiệm nuôi và thuần dưỡng voi, nếu không có một sinh cảnh thích hợp voi khó thụ thai khi nuôi nhốt. Ðiều đó giải thích tại sao trong ngần ấy năm, chúng ta chưa ghi nhận một voi con nào chào đời trong điều kiện nuôi nhốt. Ðã có ý kiến mạnh dạn đề xuất như thụ tinh nhân tạo cho voi; tạo cho voi một không gian để chúng có thể "gần" nhau... Ðặc biệt, chính quyền hai tỉnh Gia Lai và Ðắk Lắk đã tổ chức những Hội thảo xác định những bước đi đầu tiên trong nỗ lực bảo tồn, phát triển voi nhưng vẫn còn... chờ!

Theo chúng tôi, biện pháp khoa học và thật khẩn trương để cứu đàn voi nhà trước nguy cơ đàn voi của các tỉnh Tây Nguyên (cũng là của cả nước) khỏi nguy cơ tuyệt chủng nhanh chóng. Ðó là vấn đề bảo tồn phát triển rừng tự nhiên quanh đàn voi nhà, chế độ chăm sóc chu đáo, tăng trưởng sinh sản số lượng voi nhà... và trước mắt nên bớt tận dụng quá tải sức voi và chớ nên để đàn voi nhà bị bán, hoặc hành hương đi xa…

Cứ đà này, hậu thế hẳn ai còn biết đến làng voi Nhơn Hòa từng một thời nổi tiếng ở Tây Nguyên. Rồi những hoạt động lễ hội liên quan đến voi cũng mất dần trong tâm thức người làng voi. Mất voi, có nghĩa là mãi mãi mất luôn "văn hóa voi", mất đi một bản sắc Tây Nguyên.

Lê Quang