Lên Tây Nguyên... nhìn voi tuyệt chủng!

07:06 | 05/07/2015

3,502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với tốc độ suy giảm như hiện nay, tương lai không xa thế hệ con cháu chúng ta sẽ chỉ biết đến con voi qua hình ảnh và những giai thoại trong sử sách. Buồn và thương thay cho số phận những chú voi đang mai một dần từ chính sự đối xử của con người…  

Năng lượng Mới số 436

Từ truyền thuyết đến hiện thực

Đã là con dân đất Việt, ngay từ khi mới ê a tập nói, tập viết, con voi trong truyền thuyết từ truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, đã thấm vào tâm hồn qua câu chuyện truyền khẩu từ bà, từ mẹ. Voi chính là một trong những sính lễ mà vua Hùng bắt buộc Sơn Tinh, Thủy Tinh phải có trong ngày đến cầu hôn Công chúa Mị Nương (Voi chín ngà)…

Lên Tây Nguyên... nhìn voi tuyệt chủng!

Bao thế hệ người Việt lớn lên với niềm tự hào dân tộc, khi được học những bài học lịch sử giữ nước và dựng nước của ông cha. Từ xa xưa con voi đã được thuần hóa để trở thành những “chiến binh”; voi xuất hiện từ thời Hai Bà Trưng chống quân Nam Hán; và ai cũng thuộc lòng câu ca nói về Triệu Thị Trinh đánh đánh đuổi quân Ngô “Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”. Đến thời vua Quang Trung, đội Tượng binh 200 voi chiến, là một trong những lực lượng cừ khôi và tinh nhuệ nhất tham gia đánh tan quân Thanh, quân Xiêm xâm lược…

Đặc biệt trong thế kỷ XX, voi được coi là người bạn thủy chung, nghĩa tình nhất của người Việt Nam ta. Ở nhiều vùng quê trên dải đất hình chữ “S” này không thiếu gì hình ảnh những chú voi như là thành viên của cộng đồng, có mặt ở nhiều lĩnh vực trong đời sống thường nhật của người dân. Không chỉ vậy, trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, voi còn là lực lượng vận tải quân lương phục vụ cho các chiến trường.

Lịch sử còn ghi, trong Chiến dịch Nguyễn Huệ (1952), nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã huy động hàng trăm con voi phục vụ tiếp tế lương thảo, đạn dược cho bộ đội Bok Hồ giải phóng An Khê. Thời chống Mỹ, trong lực lượng hậu cần quân giải phóng có cả một “đội quân” vận tải bằng voi. Người Tây Nguyên không chỉ tự hào có vua voi Khun Yu Nốb, ở Bản Đôn (Đắk Lắk); thời “hoàng kim”, “ra ngõ gặp voi”, ông là người đã săn bắt được đến 400 con voi. Rồi người cháu ngoại của ông cũng nổi tiếng không kém săn bắt được 298 con, cùng với thang thuốc nổi tiếng có tên là “Ama Kông”.

Người Tây Nguyên còn tự hào có bà Sao Thông Chăn, người con của Đắk Lắk; trong những năm chiến tranh bà vừa là cơ sở bí mật, là nơi cung cấp nhiều thông tin quan trọng, cùng cơ sở vật chất cần thiết cho cách mạng. Vừa là người chỉ huy tài ba cả đàn voi hơn 30 con vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội, góp công vào hàng loạt các chiến dịch trên chiến trường Tây Nguyên như: Plei Me, Chư Nghê (Gia Lai); Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ (Đắk Lắk); Đắk Tô - Tân Cảnh, Đắk Pét, Đắk Glei (Kon Tum)... Ngày 25-3-1990, bà vinh dự được Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì...

Lên Tây Nguyên... nhìn voi tuyệt chủng!
Lạm dụng quá mức việc dùng voi làm dịch vụ du lịch là nguyên nhân làm đàn voi nhà suy giảm nhanh

Voi còn là chứng nhân trong tình đoàn kết keo sơn giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào. Trong chiến tranh chống Mỹ, chiến trường Hạ Lào có quan hệ mật thiết với chiến trường Tây Nguyên. Trong lịch sử của các đơn vị hai nước hoạt động ở chiến trường này thời khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất. Voi là lực lượng vận tải hữu hiệu và quan trọng nhất xuyên từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn. Những thớt voi ngày đêm đưa những chuyến hàng vượt qua núi rừng hiểm trở trên dãy Trường Sơn đến từng trận địa… góp phần vào thắng lợi của từng trận đánh của quân đội hai nước cùng kề vai sát cánh đánh kẻ thù chung…

Phía sau đoàn quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, rồi đến Đại thắng mùa Xuân 1975, tại Chiến trường Buôn Ma Thuột, có những đội Tượng binh âm thầm vận tải đưa những viên đạn, khẩu pháo nặng cả tạ áp sát từng chiến hào, góp phần không nhỏ vào chiến công chung.

Voi đang dần tuyệt chủng

Trên bản đồ phân bố về địa hạt sinh sống của loài voi trước đây là khá rộng, từ núi rừng Lai Châu ở phía bắc chạy dọc theo dãy Trường Sơn tới tận Sông Bé, Tây Ninh và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra mới nhất, thì các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Lâm Đồng cùng một số địa phương khác hầu như voi rừng đã biến mất. Hiện nay số voi ít ỏi còn lại chủ yếu là ở Đắk Lắk.

Lên Tây Nguyên... nhìn voi tuyệt chủng!
Voi rừng bị săn bắn dã man- Ảnh:Kiều Bình Định

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đàn voi rừng ở nước ta ước còn từ 1.500 đến 2.000 con. Đàn voi nhà ở Đắk Lắk khoảng 500 con. Theo số liệu thống kê mới đây, hiện nay đàn voi hoang dã và voi nhà của tỉnh Đắk Lắk đang giảm nhanh cả về số lượng và chất lượng. Voi rừng chỉ còn từ 70 đến 80 con và đàn voi nhà chỉ còn vỏn vẹn 48 con! Theo dự báo của các nhà chuyên môn, với tốc độ suy giảm như hiện nay thì chỉ khoảng vài chục năm nữa, đàn voi rừng và cả voi nhà sẽ chỉ còn trong ký ức.

Mới đây, lên Tây Nguyên công tác, tôi được anh Kiều Bình Định, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, thường trực ở Nam Tây Nguyên, đưa đến Trung tâm Bảo tồn voi ở Đắk Lắk để tìm hiểu thực trạng về voi ở Tây Nguyên. Được “mắt thấy, tai nghe” những người có trách nhiệm ở trung tâm này trao đổi mới thấy việc nhận định của các chuyên gia về sự suy giảm, dẫn đến tuyệt chủng của đàn voi ở Tây Nguyên còn khủng khiếp hơn những gì mà báo chí đã nêu.

Giở bản thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, những con số khô khan, ngắn gọn, như mũi khoan xoáy vào tim gan người đọc. Chỉ từ năm 2009 đến nay, đã có 17 con voi hoang dã bị chết, trong đó chủ yếu là bị săn bắn trái phép. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 5 con voi nhà và một voi rừng bị chết…“man rợ”, “vô nhân tính”, “ác độc”… là những cụm từ mà bất cứ ai được xem những hình ảnh rùng rợn chụp lại những cái chết thảm thương của những chú voi ở đây.

Lên Tây Nguyên... nhìn voi tuyệt chủng!
Những hình ảnh này, nay còn đâu

Ngày 8-5 mới đây, con voi 43 tuổi có tên gọi là Na Liêng, thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Buôn Đôn (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) đã gục chết sau hai lần bị “đột quỵ” vì suy kiệt, dù trước đó đã được Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cứu chữa. Ông Phạm Văn Láng, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, ngày 29-3 nhận được tin báo từ cơ sở voi Na Liêng bị ngã và không thể đứng dậy được. Trung tâm đã cử ngay cán bộ chuyên môn và bác sĩ thú y đến thăm khám, chữa trị. Con voi Na Liêng đã đi lại và ăn uống được, nhưng sức khỏe rất yếu. Hơn 1 tháng sau, ngày 5-5, Trung tâm lại nhận được tin báo Na Liêng ngã quỵ lần thứ hai. Voi được các bác sĩ cấp cứu truyền nước, nhưng ba ngày sau đó thì bị chết vì quá suy kiệt!

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trong số những con voi bị chết. Có con “chết già” theo quy luật; có con chết bị vắt kiệt sức như voi Na Liêng; voi “chết trẻ” không hiếm. Xin được điểm ra đây những chú voi “chết trẻ”:

Sáng 24-3-2015, người dân phát hiện có con voi chết tại Tiểu khu 71B, khu vực lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’Leo) Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm xác voi, xác định con voi đực khoảng 1 năm tuổi, nặng 100kg chết trong tình trạng mất 1 mảng da lớn và 4 đế chân. Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 3, cũng tại Đắk Lắk có 3 con voi nhà bị chết.

Trước đó nữa, vào cuối tháng 3-2012, cơ quan chức năng đã phát hiện xác của một con voi khoảng 4-5 tháng tuổi, nặng khoảng 100-120 kg tại khoảnh 4 Tiểu khu 289, xã Cư M’lanh, huyện Ea Súp. Tiếp đó, ngày 31-3, cũng tại tiểu khu này, cơ quan chức năng lại phát hiện xác một con voi khoảng 3-4 năm tuổi, có trọng lượng khoảng 400-500 kg. Cũng trong ngày 31-3, tại tiểu khu 238, xã Ea Bung, cơ quan chức năng phát hiện xác một con voi đực, nặng khoảng 1,5 - 2 tấn đang trong quá trình phân hủy, phần đầu của voi đã bị đục tung; ngà, vòi, đuôi, một khúc chân sau bên trái và nhiều phần trên cơ thể đã bị lấy mất…

Theo ông Huỳnh Trung Luân, số voi bị chết trên, phần thì do thiếu thức ăn do diện tích rừng bị thu hẹp, tài nguyên rừng bị cạn kiết. Còn lại, hầu hết bị vướng bẫy của người dân địa phương; bị những tay săn bắn truy lùng để lấy ngà, lấy lông đuôi voi. Có thể nói, với sự tận dụng quá mức đàn voi nhà vào làm dịch vụ du lịch; rồi rừng bị tàn phá; cùng với sự “tận diệt” của những kẻ săn bắn, đàn voi ở Tây Nguyên đang dần bị tuyệt chủng.

Hãy cứu lấy những con voi cuối cùng khi đã quá muộn

Đúng là như vậy, đã quá muộn rồi, đàn voi đang ngấp nghé bờ vực tuyệt chủng. Đứng trước nguy cơ trên, năm 2011 tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Tiếp đến năm 2013, tỉnh này tiếp tục phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí 85 tỉ đồng (thay cho “Dự án Bảo tồn voi giai đoạn 2010 - 2015 với tổng kinh phí trên 60 tỉ đồng).

Dự án này nhằm mục tiêu quản lý bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục và bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; đồng thời tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất từ voi...

Gọi là “khẩn cấp”, nhưng đến thời điểm này, những gì đang diễn ra ở dự án thì chỉ ở tốc độ “rùa bò”. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: Đầu năm nay, tức 2015, Trung tâm mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp 10 tỉ đồng và được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 200ha đất rừng khộp tái sinh ở Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) để thực hiện công tác bảo tồn. Và với các hạng mục đã được phê duyệt, cùng với những thủ tục “cần và đủ”, nhanh nhất thì phải 3 năm nữa Trung tâm này mới hoàn thành việc xây dựng bệnh viện cho voi, cùng khu vực chăn thả… Và như vậy, trong khoảng thời gian ấy, nếu đàn voi xảy ra sự cố gì, nếu không có sự trợ giúp từ các chuyên gia nước ngoài, Trung tâm chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công và chắc chắn chất lượng điều trị, chăm sóc voi vẫn “vũ như cẩn” như trong thời gian vừa qua.

Dù rằng Trung tâm bảo tồn voi đã ra đời, nhưng theo lý giải của các nhà khoa học, rất khó mang lại hiệu quả như mong đợi. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của PGS-TS Bảo Huy, Phó khoa Nông lâm Đại học Tây Nguyên, ông cho rằng: “Còn nhiều bất cập ở dự án này”. Những bất cập ấy là diện tích chăn thả và không gian để voi “gặp gỡ”, “tâm tình” bảo tồn giống nòi là quá ít; bởi trong 200ha thuộc dự án, thì đã phải sử dụng 100ha xây dựng bệnh viện voi và các công trình làm việc khác. Khó nữa là đội ngũ chuyên môn chưa được đào tạo bài bản, kinh nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng voi còn hạn chế.

Nhưng khó hơn là làm sao thuyết phục được các chủ voi đưa voi vào Trung tâm để bảo tồn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chỉ một con voi thôi, thu nhập “chính đáng” bằng làm các dịch du lịch cũng đủ nuôi sống gia đình (mức thu bình quân từ 1,5 đến 5 triệu đồng/tháng); đấy là chưa kể việc cho lâm tặc thuê voi để kéo gỗ, thu nhập còn cao hơn rất nhiều. Bởi thế, muốn người dân đưa voi vào Trung tâm thì chỉ có biện pháp duy nhất là Nhà nước phải bỏ tiền; vận động bằng “nước bọt”, thì hãy cứ… đợi đấy!

Nhìn nhận vấn đề này, ông Huỳnh Trung Luân: Voi nhà thuộc quyền sở hữu của các gia đình, Trung tâm chỉ có thể giúp họ bằng cách hướng dẫn kỹ thuật và phát thuốc phòng bệnh và điều trị cho voi. Cùng ý kiến, ông Hoàng Ngọc Tài, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk cho rằng: “Địa phương còn 16 con voi nhà thuộc sở hữu tư nhân. Và lâu nay thường được khai thác quá sức cho kinh doanh du lịch. Các cơ quan chức năng chỉ tuyên truyền, vận động và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho voi là chính, chứ khó bắt chủ voi thực hiện các biện pháp bảo tồn được!”. Nhiều hộ dân là chủ voi mà chúng tôi đã gặp, hỏi về vấn đề đưa voi vào Trung tâm bảo tồn, họ đều nói voi là nguồn thu nhập chính, khó có thể đưa vào Trung tâm được, nếu không có sự hỗ trợ về kinh phí. Với các công ty du lịch, voi cũng là tài sản, là “sản phẩm” du lịch, họ cũng chẳng mấy mặn mà với dự án này.

Voi nhà thì vậy, với voi hoang dã còn khó hơn rất nhiều, theo Bà Cao Thị Lý, Trưởng khoa Tài nguyên rừng và Quản lý môi trường thuộc Đại học Tây Nguyên, hiện nay voi hoang dã ở Việt Nam sống ở khu vực rừng nhỏ, hẹp lại không được quan tâm, bị đe dọa bởi nạn săn bắn. Bởi vậy, đàn voi hoang dã nước ta đang rơi vào cuộc sống bị cô lập hoàn toàn. Việc bảo vệ chúng còn quá khó, nói chi đến khả năng duy trì nòi giống. Nhận xét về đàn voi rừng ở Việt Nam, ông Barney Long - một thành viên của Quỹ động vật hoang dã thế giới WWF nói: “Đàn voi ở Việt Nam đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thầm lặng. Việt Nam có thể sẽ là nước đầu tiên ở châu Á đánh mất hết đàn voi hoang dã của mình”. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của PGS-TS Bảo Huy: “Muốn duy trì được sinh cảnh cho voi rừng, phải dừng việc khai thác gỗ ở những cánh rừng của các địa phương có đàn voi rừng sinh sống. Hạn chế và chấm dứt việc chuyển đổi rừng khộp để trồng cao su vì rừng khộp chính là sinh cảnh của voi rừng”.

Chợt nghĩ, thời đầu thế kỷ XX khi voi rừng được săn bắt thuần dưỡng rất nhiều, nhưng vẫn phát triển và nhân đàn khá tốt; đấy là do ý thức của người dân không lạm dụng voi quá mức. Rừng Tây Nguyên bạt ngàn, thảm thực vật phong phú vừa là nguồn thức ăn, vừa là nguồn thuốc chữa bệnh vô cùng quý giá. Voi lớn lên từ rừng, tự “chữa bệnh” cũng chính từ thảm thực vật trong rừng. Giờ dù có mở “bệnh viện voi”, cũng chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi; cái căn cơ, cái lâu dài là phải “đóng cửa rừng” một số nơi, những gì của thiên nhiên phải trả lại cho thiên nhiên. Voi chỉ phát triển, duy trì nòi giống ở môi trường tự nhiên, mọi sự gượng ép đều không mang lại hiệu quả. Theo ông Huỳnh Trung Luân, đã hơn 30 năm nay đàn voi nhà ở Đắk Lắk tuyệt nhiên không sinh sản là minh chứng rõ ràng nhất.

Hàng loạt khó khăn đang đặt ra với công tác bảo tồn voi ở Đắk Lắk, phải có những biện pháp mạnh hơn, thiết thực hơn. Nếu vẫn cứ để tình trạng như hiện nay, thì nguy cơ đàn voi ở nước ta nói chung, ở Đắk Lắk nói riêng sẽ là loại động vật mà nước ta gia tham gia Công ước CITES (Công ước về Thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) “tiếp bước” loài tê giác một sừng ở Cát Tiên, “tiến dần” đến bờ vực tuyệt chủng.

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới