Sự kỳ thị với nghề dẫn nhảy

07:00 | 28/04/2013

2,573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dù đam mê đến mấy, cả người theo học khiêu vũ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều phải thốt lên rằng: Khiêu vũ là một nghề bạc bẽo. Hàng chục năm học tập, rèn luyện, nhưng không phải ai cũng thành công như các “ngôi sao” Chí Anh, Khánh Thi… Không ít người học múa, học nhảy cực khổ vô cùng nhưng nghiệp diễn chỉ dừng lại ở nghề “dẫn nhảy” - một nghề mà quá nửa đồng nghiệp lại là “dân không chuyên”. Có lẽ rất nhiều người chẳng hề ngạc nhiên trước sự kỳ thị khó hóa giải đối với nghề dẫn nhảy…

“Đi nhảy” là “tiêu cực”

10 năm trở lại đây, khiêu vũ cổ điển sôi động hơn nhiều. Các chương trình được phổ cập rộng rãi ở cơ quan, trường học vì khiêu vũ hướng đến sức khỏe, vẻ đẹp hình thể, một hoạt động giải trí lành mạnh được nhiều người đón nhận. Nhiều CLB khiêu vũ, sàn nhảy cổ điển được đầu tư trang thiết bị hiện đại ra đời như các CLB Lý Nam Đế, Nghĩa Hiệp (phố Núi Trúc), Đông Đô (Lương Ngọc Quyến), Fashion (chợ Hôm)…

Giờ giấc hoạt động của sàn nhảy cổ điển thường là các khung giờ thuận tiện cho các đối tượng có nghề nghiệp khác nhau: 11 giờ, 16 giờ 30, 18 giờ 30 và 21 giờ 30. Số người tham gia hoạt động này chủ yếu là thanh niên và trung niên, từ người có địa vị trong xã hội, kinh doanh buôn bán cho đến các bà nội trợ.

Có cầu thường có cung, sự phát triển của khiêu vũ dần nhen nhóm một đội ngũ chuyên hướng dẫn, nâng cao kỹ thuật khiêu vũ. Đối tượng phục vụ của đội ngũ này là các chị em bắt đầu học khiêu vũ và cần được luyện tập. Nghề “trai dẫn nhảy” ra đời như thế. Họ mặc đồng phục sơ mi trắng, đeo cà vạt, có nhiệm vụ “dẫn nhảy” cho các nữ học viên, những khách hàng bị lẻ cặp. Họ hoạt động chuyên nghiệp và rất nhanh nhạy trong việc đón ý của khách.

Chẳng phải ai cũng đủ bản lĩnh để theo nghề dẫn nhảy

Một vũ công nam chia sẻ: Đã gọi là “đi nhảy” thì theo hình thức nào cũng bị liên tưởng với khái niệm “ăn chơi - rửng mỡ”, thậm chí là tiêu cực như mại dâm, bồ bịch. “Thời đầu, mới đi tập, chị em thường xì xào dị nghị, xem việc “nhảy nhót” của tôi như hư hỏng tới nơi rồi. Vậy là tôi giấu bạn bè đi học khiêu vũ một mình.

Tưởng dễ, ngờ đâu phải khổ luyện mấy năm mới dám vào câu lạc bộ khiêu vũ. Những ngày đầu tôi không dám mời ai, chỉ ngồi một mình ở góc khuất nhìn mọi người nhảy. Vài tháng sau tôi mạnh dạn hơn và đã có nhiều bạn nhảy. Trên các sàn nhảy cổ điển thường rơi vào tình trạng nam thiếu nữ thừa, kép nào cũng đi với đào ruột, tôi độc thân, nghiễm nhiên trở thành “của hiếm”. Và dần dà tôi bước vào nghề dẫn nhảy…

Có nhiều người làm nghề “trai dẫn nhảy” vốn là sinh viên, công nhân, viên chức và cả người thất nghiệp… Hầu hết họ đều có mục đích tăng thêm thu nhập từ công việc này. Tiêu chuẩn để được nhận việc không quá khắt khe song nếu ngoại hình ưa nhìn thì sẽ có lợi thế hơn và sẽ “đắt show” hơn nếu trình độ khiêu vũ thuộc bậc khá trở lên... Tuy nhiên, tiêu chuẩn quan trọng nhất của nghề này lại là phải biết lựa ý của khách. Đó cũng là góc độ nhạy cảm, dễ dẫn đến những chuyện tai tiếng do nghề này mang lại.

“Con sâu bỏ rầu nồi canh”

Tuy nhiên khiêu vũ vẫn còn nhiều rào cản từ gia đình và xã hội. Không ít thí sinh đến với cuộc thi để thuyết phục được bố mẹ rằng, đây là một nghề thực sự. Nhưng có lẽ, với những người làm cha làm mẹ thật khó chấp nhận để con mình đi theo một đam mê chưa được đánh giá cao tại Việt Nam.

Có rất nhiều câu chuyện đồn thổi, thị phi từ khiêu vũ, đặc biệt là những lời đàm tiếu kiểu “phi công trẻ”, “chán cơm thèm phở”... Nhưng cũng từ sàn nhảy đã nảy sinh nhiều cái kết trọn vẹn, nhiều người đã có được những cơ may kết bạn, gặp gỡ đối tác kinh doanh và nhiều đôi đã có cơ duyên gặp nhau và đi đến hôn nhân một cách nghiêm túc. Có nhiều người tìm đến câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển hay vũ trường với mục đích lành mạnh, trong sáng. Nhưng cũng có người đến để tìm nguồn vui cho riêng mình khi “cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Chuyện có tình cảm “ngoài luồng” với bạn nhảy không chỉ dừng lại ở những người trẻ tuổi mà lại đến với những cặp nhảy đã bước sang tuổi trung niên.

Theo các nhà tâm lý học, hiện tượng này là do một trong hai người chỉ nhìn thấy hình ảnh người đàn ông hoặc phụ nữ lý tưởng ở những người bạn nhảy. Trong quá trình tiếp xúc, họ luôn xuất hiện với hình thức bắt mắt, cử chỉ duyên dáng, ga lăng… những giá trị đó tạo nên hình ảnh hoàn hảo nhưng lại không bền, chỉ dừng ở mức độ cảm xúc tự nhiên, có sự lay động.

Bên cạnh đó, xã hội dần xuất hiện nhiều người thuộc giới tính thứ ba, họ cũng đi học nhảy để kiếm tìm sự chia sẻ và bù đắp những thiếu hụt tâm lý của riêng mình. Với những áp lực cuộc sống, đôi khi người này người kia không kiểm soát được những cảm xúc nhất thời của mình. Và họ trở thành những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, khiến dư luận xã hội càng khó hóa giải được sự kỳ thị đối với nghề dẫn nhảy. Còn những người làm nghề này, được gọi tắt là “trai nhảy” với thái độ chẳng mấy dễ chịu.

Những kỳ thị, những ánh nhìn khắc nghiệt vẫn hướng về những người làm công việc “dẫn nhảy”. Nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện để trở thành người dẫn nhảy, hay cao hơn nữa là trở thành vũ công là cả một quá trình khổ luyện gian truân. Theo học thì nhiều nhưng số người “trụ” lại được thì đếm trên đầu ngón tay, bởi khiêu vũ có khả năng đào thải rất cao, với đòi hỏi phải hội đủ những tiêu chuẩn khắt khe về hình thể, khả năng và sự khổ luyện.

Vũ sư Lê Xuân Trí, giảng viên Khiêu vũ tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Để có thể lên sàn dẫn nhảy cần phải học ít nhất trên 3 tháng với cường độ rất vất vả. Còn để học những động tác khó cũng như nhảy đẹp thì phải mất nhiều thời gian hơn nữa. Nhiều em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chọn cách đi “dẫn nhảy” để kiếm thêm tiền trang trải cho việc học trên trường. Theo học chuyên nghiệp thì mỗi ngày phải tập luyện 4-5 giờ, tập đến trật khớp chân, bong gân là chuyện bình thường. Đó là chưa kể, người học luôn phải tuân thủ chế độ ăn uống đặc biệt, mà các em đâu có tiền mà bồi dưỡng.

Áp lực tập luyện cao, sự cạnh tranh với bạn bè, sự kỳ vọng để nhanh chóng trưởng thành, để sống với niềm đam mê, phải có nghị lực cao mới có thể đi hết con đường đã chọn. Dạy khiêu vũ lâu năm, tôi biết nhiều người phải sống nhờ công việc dẫn nhảy. Đó cũng là một nghề phải đánh đổi khá nhiều mồ hôi, nước mắt và chịu nhiều điều tiếng oan ức…”.

Tôi gặp Q - một “trai nhảy” ở Câu lạc bộ Khiêu vũ Fashion nằm trên phố Huế. Q đang là sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải, quê ở Thái Nguyên, các buổi tối Q đến câu lạc bộ này để làm thêm. Q bức xúc: “Nghề này vừa vất vả, vừa nhiều mặc cảm anh ạ. Dù mình chẳng làm gì xấu. Xã hội vẫn coi chúng em làm cái nghề thực dụng, chuyên moi móc. Cũng như nghề khác, có công thì hưởng lương.

Như em làm ở mỗi câu lạc bộ, có nơi trả 25.000 đồng/ca, có nơi trả theo tháng được hơn 1 triệu đồng. Có câu lạc bộ không trả lương mà bọn em nhận công từ chính những người được dẫn nhảy. Mỗi ca em chỉ phục vụ một người và hôm nào dẫn nhảy tốt, họ tùy tâm cho thêm. Chúng em đâu có đi xin hay lợi dụng như nhiều người hay nghĩ. Mình làm bằng công sức mình kia mà”.

Những lời chia sẻ của Q khiến tôi nhớ tới vài câu chuyện đồn thổi mình đã từng nghe về nghề dẫn nhảy. Quả thực, đâu phải “trai nhảy” nào cũng biến mình thành “kẻ đào mỏ”, “chuyên gia mồi chài”… chỉ vì miếng cơm manh áo. Mục đích và cách thức tìm kiếm thu nhập của họ hoàn toàn lành mạnh chứ đâu chỉ đơn thuần là “săn tìm những nữ khách hàng thừa tiền thiếu tình” như thiên hạ vẫn đàm tiếu.

M.K