Cuộc sống của người khiếm thị:

Những số phận đầy nước mắt

07:00 | 24/11/2013

702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người bị khiếm thị và nhận thấy dù là trai hay gái, dù già hay trẻ, phía sau những nụ cười gượng gạo, phía sau những nỗ lực để sống cũng là ẩn trắc đầy nước mắt.

Năng lượng Mới số 276

Từ câu thành ngữ xưa “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” mới thấy, trong số 15% người khuyết tật sống trên dải đất hình chữ S hiện nay, người khiếm thị thiệt thòi đến mức nào. Không như những người khuyết tật khác, họ luôn sống ở ranh giới giữa khỏe mạnh và đau ốm, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa tàn phế và không tàn phế… Và chính điều đó đã tạo ra những khó khăn trong cuộc đời họ không chỉ vật chất mà cả về tinh thần. Người khiếm thị luôn bị giằng xé trong tâm can vì những mâu thuẫn kiểu như: Sức lực chưa cùng mà như tận kiệt, sống bình thường mà vẫn như bất thường, hiện hữu mà như một cái bóng…

Một đời ở đợ

Bà Phan Thị Bái ở thôn Thao Nội, xã Sơn Hà, Phú Xuyên, Hà Nội có lẽ hơn ai hết là người thấm thía cái “kiếp nạn” của một người khiếm thị bởi 79 năm qua, bà đã trải qua những đắng cay, khổ cực đến nỗi chính bà tưởng rằng: hình như không phải mình đang sống! Năm lên 3 tuổi, sau một cơn đau mắt dữ dội, cô bé Phan Thị Bái với đôi mắt trong veo ngập tràn thế giới tuổi thơ bỗng chốc chìm vào một màn đêm bao phủ. Thời đó, không ai biết cô bé mắc bệnh gì và cũng không biết chữa trị như thế nào ngoài uống thuốc nam để mong vớt vát lại chút ánh sáng cuối cùng. Phạm Thị Bái được đưa đến hết thầy lang này đến thầy lang khác để bốc thuốc.

Cuộc đời Phan Thị Bái chuyển sang một bước ngoặt khác. Thế nhưng bước ngoặt đó chưa phải là kinh hoàng nhất bởi tuổi ấu thơ, cuộc sống chủ yếu trông hết vào cha mẹ. Vì vậy, bi kịch thực sự bắt đầu khi cha mẹ cô mất đi. Có thể nói đây là một cú sốc, một dư chấn tinh thần trong cuộc đời mà không bao giờ bà quên được bởi khi đó bà đã 18 tuổi, ở cái tuổi mà các cô thôn nữ đã làm vợ, làm mẹ, làm chủ gia đình.

Bà Bái phải sang nhờ ngôi nhà của cháu họ để tiếp khách

Bà tâm sự: “Lúc ấy tôi như người giữa dòng nước xoáy mà không có gì để bám víu. Anh em “kiến giả nhất phận” nên cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Tôi hoàn toàn phải tự xoay sở trong hoàn cảnh mù mịt cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Trớ trêu hơn ở chỗ khi cha mẹ mất đi, theo quan niệm phong kiến xưa ở nông thôn, cha mẹ không để lại cho bà một chút đất nào dù là một chỗ đủ để… cắm dùi, tất cả đều chia hết cho con trai trong nhà. Bà trở thành vô gia cư một cách đúng nghĩa. Để tồn tại được, bà đã phải ra cuối làng, tìm mảnh đất trống nhờ người dựng lều để làm chốn “nương” thân. Hằng ngày, để đổi lấy bát cơm manh áo, bà phải đi ở đợ. Nghe có vẻ khó tin nhưng thực sự đây là khả năng duy nhất mà có lẽ ông trời bù đắp cho khiếm khuyết của bà vì như có “khiếu”, bà trông trẻ rất khéo, cứ khi kết thúc một buổi làm đồng trở về là cha mẹ chúng đã thấy con cái được chăm bẵm đầy đủ từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Bà kể, ngày xưa cho trẻ ăn không phải kỳ công như bây giờ, chỉ nhai cơm với muối rồi “mớm” cho ăn chứ không có nhiều món để rồi phải nấu nướng nên cũng dễ. Khó nhất chỉ là làm thế nào “thạo đường đi lối về” trong nhà người ta và luyện cho đứa trẻ quen với cách chăm sóc của một người khiếm thị, nghĩa là mỗi lần cho ăn, đứa trẻ “hợp tác” bằng cách há miệng ra rồi hướng về phía bà, chỉ nghe bà đánh tiếng là phải chạy lại… Không chỉ chăm trẻ mà bà còn lo cơm nước cho gia đình chủ, mặc dù nấu bằng bếp rơm hay củi. Bà bảo, mình không có đôi mắt nhưng thay vào đó có hai bàn tay, có tai, mũi để có thể làm được mọi việc. Chính vì sự chịu thương chịu khó, vì “khả năng trời cho” và vì cả sức khỏe dồi dào của một cô thôn nữ mà: “Người ta tranh nhau thuê tôi về ở đợ”.

Nhưng cuộc đời bà dường như sinh ra là để tận khổ, bao nhiêu tiền tích cóp được trong suốt thời gian ở đợ không được tiêu gì khác ngoài việc chỉ để… dựng lều. Vì chỉ một trận mưa to gió lớn là ngay cả dấu vết của một túp lều cũng không còn. Dựng rồi lại đổ, cứ như vậy không biết bao nhiêu lần bà không thể nhớ nổi. Bà chỉ nhớ đếm hết các ngón trên hai bàn tay đến mấy lượt vẫn chưa đủ số lần bà phải ngồi co ro cúm rúm, run bần bật trong mảnh nilon rách nát giữa đêm mưa giông chớp giật trông trời sáng để có thể sang trú tạm nhà hàng xóm. Cũng không đếm nổi số lần những ngày hạ nóng như đổ lửa hay sang đông gió thổi ào ào như cắt da thịt, khi lều chưa dựng được hoặc chưa dựng xong, bà phải trải “màn trời chiếu đất” trong cô đơn, lạnh lẽo. Cũng không nhớ nổi, số tiền tích cóp được bao nhiêu, chỉ biết, đến giờ bà “trắng tay”. Bà bảo cuộc đời bà: “Đúng là sống không bằng chết”! Nhưng bà vẫn phải sống vì bản năng sinh tồn của con người.

Bây giờ thì cuộc sống của bà chẳng có gì đổi khác ngoài mái tóc đã nhuộm trắng thời gian, sức khỏe phôi pha theo năm tháng với đủ các loại bệnh tật như tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch… Từ giờ trở đi bà sẽ phải cơ cực hơn nữa, chịu đựng hơn nữa do tuổi già cùng với một đời lam lũ, khốn khổ đã lấy đi những gì được cho là bền bỉ, là “bí quyết” để tồn tại trong hoàn cảnh “sống mà không bằng chết” trước đây của bà, nghĩa là bà sẽ phải tiếp tục chống chọi với những đêm giông gió giữa túp lều trống huơ trống hoác bất kỳ lúc nào, với những bữa no đói thất thường… trong “sức cùng lực kiệt”! Bà Phan Thị Bái tâm sự, chuyện no đói không còn là nỗi sợ hãi thường trực vì đã một đời “thiếu cơm áo”. Cái đáng sợ hơn cả là đau yếu và tai họa khôn lường. Bởi vừa mới đây thôi, chưa nói đến chuyện cơn mưa tốc gần hết cái mái túp lều khiến bà phải nép vào phần mái còn lại. Trong một ngày, bà bị giật điện đến 5 lần khi lần sờ phải đường dây điện nhà ai đó kéo qua căn túp lều lụp sụp bà đang ở. Bà đang lo lắng chưa biết làm thế nào? 

Hai năm trở lại đây, người khuyết tật như bà được trợ cấp 180 nghìn đồng/tháng. Với số tiền ấy bà vừa để đong gạo vừa để mua thức ăn mỗi bữa, bà tính, một tháng, cũng có khoảng 3 bữa được ăn thịt, cứ mua hơn một lạng rồi nấu thật mặn để ăn. Còn thuốc chữa bệnh thì chỉ trông vào bảo hiểm, không có tiền mua.

20 tiếng và 7 nghìn đồng

Gần 1 tiếng đồng hồ hỏi đường, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến căn nhà lụp xụp của bà Phạm Thị Hiền (62 tuổi) trú tại thôn Chi Lễ (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Căn nhà chưa đầy 10m2, ẩm thấp, nứt nẻ, dột nát nằm lọt thỏm trong khu vườn cây cỏ mọc um tùm. Căn nhà cũng ít khi có người qua lại càng trở nên hiu quạnh. Được một cán bộ Trung ương Hội người mù Việt Nam dẫn vào căn nhà, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bà Hiền ngồi co ro, đôi tay run lên bần bật đan những sợi cước làm lưới bắt cá kiếm tiền sống qua ngày. Đưa mắt quan sát trong căn nhà xiêu vẹo không có một thứ gì đáng giá, quanh 4 bức tường loang lổ là những vệt nứt chạy dài, trên mái nhà được căng mấy tấm nilon hễ có mưa là dột nát. Nhìn quanh, đồ đạc trong nhà bà Hiền là mấy cái xoong, có lẽ chiếc giường cũ kỹ, ọp ẹp được coi là “tài sản” duy nhất trong nhà đã đủ nói lên nỗi khổ mấy chục năm nay của bà Hiền.

Nghe tiếng khách lạ, bà Hiền dừng tay: “Chào các anh chị? Mấy bữa nay trở trời, mắt tôi như mờ thêm, toàn thân đau nhức lắm mặc, dù biết hôm nay các anh chị tới thăm cũng không kịp đun được siêu nước đón khách”. Bà Hiền mệt mỏi nói không ra hơi rồi tâm sự về cuộc đời của mình.

Bà Phạm Thị Hiền (phải) hằng ngày vẫn chăm chỉ đan lưới bắt cá

Phạm Thị Hiền sinh ra trong hoàn cảnh gia đình hết sức đặc biệt. Trong mấy anh em, lúc mới sinh ra Hiền cũng khỏe mạnh, bình thường như bao người khác tại vùng đất thuần nông Chi Lễ, Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Nhưng đến năm lên 4 tuổi, trong một lần mẹ bà dẫn đi chơi, Hiền thấy mọi vật xung quanh rất lạ, nhìn cánh đồng xanh quê mình cứ mờ mờ ảo ảo khác với mọi lần. Rồi Hiền bật khóc, kể lại với mẹ là trời lúc nào cũng nhập nhèm như buổi tối. Thương con gái, bố mẹ Hiền buộc phải bòn mót vay mượn khắp nơi để có tiền chạy chữa nhưng vẫn không khỏi. Bao nhiều tiền của đều đội nón ra đi, mắt cứ dần dần mờ đi, bố mẹ không còn cách nào khác mà chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc.

Kể từ đó, tuổi thơ của Hiền bắt đầu làm quen với bóng tối. Đến độ con gái, hình thức của Hiền cũng ưa nhìn, bản tính nết na nhưng vì đôi mắt khiến Hiền sống khép mình, mặc cảm với cuộc sống nên đành từ chối những tình cảm dành cho mình. Vì Hiền nghĩ rằng “không muốn ai khổ vì mình”. Đôi mắt của cô cứ mờ dần theo thời gian đến lúc bên mắt phải mù hẳn, còn bên mắt trái thì đã bong võng mạc lờ mờ ở mức 2/10.

Kể từ khi các em bà Phạm Thị Hiền lập gia đình mỗi người một phương,  bố mẹ già cũng qua đời, bà thiếu đi bàn tay chăm sóc của người thân. Cảnh đơn độc, đơn côi cho đến tận hôm nay của người đàn bà đã ở tuổi lục tuần vẫn sống trong cảnh độc thân trong căn nhà dột nát khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Khuôn mặt già nua, khắc khổ, đẫm trong nước mắt khi bà nghẹn ngào kể: “Tôi thương mình một thì thương cho cha mẹ mười, nhớ những lần mẹ tôi khóc vì thương tôi mù lòa thì có lẽ tôi không thể quên được. Người ta vẫn bảo giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, mong rằng sau này có khả năng lao động báo hiếu, giúp đỡ mẹ cha. Vậy mà, bóng tối đã cướp đi tất cả, ngày cha mẹ mất tôi cũng chẳng có cơ hội nhìn mặt được ai. Nhiều lần tôi định tìm đến cái chết, nhưng nghĩ đi nghĩ lại chết cũng chẳng giải quyết được gì. Nên tôi cố sống tiếp, mang những hy vọng, sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ tại địa phương”.

Mặc dù đôi mắt mù lòa, nhưng đôi tay bà Hiền hàng ngày vẫn chăm chỉ đan lưới bắt cá, thế nhưng do làm bằng thủ công nên mỗi ngày mặc dù còng lưng ngồi gần 20 tiếng đồng hồ cũng chỉ kiếm được 7 ngàn đồng. Với đồng tiền công còm cõi đó và khoản tiền trợ cấp 180.000 đồng/người/tháng, chắt chiu lắm mới chi trả đủ cho đời sống tằn tiện của bà, tốn kém nhất là tiền thuốc cho đủ các loại bệnh của người già.

Bà không ngần ngại chia sẻ: “Anh chị em, và các cháu của tôi cũng hoàn cảnh cũng khó khăn lắm cũng không thể giúp đỡ được. Được Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 180.000 đồng thì tiết kiệm để mua thuốc thang, ngoài ra tôi phải kiếm thêm bằng nghề làm lưới được 7 nghìn đồng/ngày. Dù ít ỏi nhưng ít ra mình cảm thấy cuộc sống có thêm niềm vui, còn chút khả năng lao động”.

Chị Đinh Việt Anh, Trung ương Hội người mù Việt Nam cho biết: “Bà Hiền là trường hợp đặc biệt nhất xóm. Bà bị mù từ nhỏ, không làm được gì, chỉ sống được là nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ của bà con làng xóm. Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện quan tâm nhưng cũng chỉ một phần nào đó thôi. Cuộc đời bà neo đơn, giờ chỉ biết nương tựa vào đồng trợ cấp ít ỏi của Nhà nước và tiền đan lưới như vậy!

Mong mỏi lớn nhất hiện nay của bà Hiền là có tổ chức, cá nhân nào đó giúp cho bà cơi nới lại căn nhà đã quá dột nát để bà yên tâm hơn trong những ngày gió rét sắp tới. Không biết ước mơ nhỏ nhoi đó biết bao giờ mới được thực hiện?

Để cho những mảnh đời bớt cơ cực, để cho cuối đời những giấc mơ giản dị về cơm no áo ấm, về một chốn nương thân không có gió rét ba bề bốn bên… được thành hiện thực, những người như bà Phan Thị Bái, bà Phạm Thị Hiền hay những người khiếm thị đang tận khổ khác rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội bằng cách đóng góp vào quỹ từ thiện của Hội Người mù Việt Nam qua tài khoản: Hội Người mù Việt Nam, số: 0011000068579 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Hoặc đến trụ sở của Hội Người mù Việt Nam, địa chỉ 139 Nguyễn Thái Học, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Anh Tú - Mạnh Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc