Những quy định "ngủ quên" trên bàn giấy

15:32 | 03/09/2012

969 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những năm gần đây có không ít văn bản pháp luật vừa mới được ban hành đã phải thu hồi hoặc "nằm yên" trên bàn giấy. Mới đây, chỉ trong vòng hơn một tháng đã có tới 3 văn bản vừa mới được ban hành đã phải vội vã thu hồi lại hoặc bị đề nghị xem xét tính khả thi.

Vô tư hút thuốc dưới... biển "No Smoking"

Theo Quyết định 1315/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Từ ngày 1/1/2010 nghiêm cấm hút thuốc lá ở trường học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên những phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, người có hành vi hút thuốc nơi công cộng sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền 50.000-100.000 đồng cho mỗi lần vi phạm.

 

Dù đã có quy định cấm, vẫn ngang nhiên hút thuốc ngay tại khu vực chờ khám bệnh.

 

Quy định này được ban hành, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra, thậm chí có cả cảnh nhiều người cứ vô tư hút thuốc ngay dưới... biển cấm hút thuốc. Sau hơn hai năm thực hiện, lệnh cấm vẫn chỉ có hiệu lực... trên giấy, còn trên thực tế, nhiều người vẫn vô tư vi phạm; cơ quan chức năng bế tắc trong việc quy định cơ quan nào đứng ra xử phạt. Bởi lực lượng thanh tra y tế được giao nhiệm vụ lại quá mỏng và ôm nhiều việc. Bảo vệ các cơ quan, bên xe, bến tàu… lại không đủ quyền hạn. Lực lượng công an lại chưa được giao việc này.

Quy định có, chế tài có nhưng lệnh cấm vẫn chỉ là hình thức.

 

Đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư - lợi ít, hại nhiều

Khi thông tư 27/2012/TT-BCA quy định về mẫu CMND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7. CMND mới là thẻ nhựa, có kích thước 85,6 mm x 53,98 mm. trên CMND mới, mặt trước có những thông tin cơ bản của cá nhân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú.

Mẫu chứng minh nhân dân mới có 12 con số tự nhiên so với mẫu cũ chỉ có 9 số, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Thời hạn của chứng minh nhân dân mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ là 15 năm. Đặc biệt là Mặt sau có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ.

Đưa thông tin cha, mẹ  vào chưng minh thư liệu có phù hợp?

 

Quy định này do Bộ Công an ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.7. Ngay lập tức, quy định này đã vấp phải sự phản đối từ người dân.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) cho biết, việc đưa thông tin cha, mẹ vào chứng minh thư là không phù hợp với Công ước về quyền trẻ em, xâm phạm quyền bí mật đời tư; "Nó sẽ tạo ra 'phiền toái' với người được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sinh trong ống nghiệm, con của những bà mẹ sinh và chăm con một mình...".

Theo ông Lê Hồng Sơn, việc đưa tên cha, mẹ vào chứng minh nhân dân tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhưng "hình như người ta chưa tính đến những tác dụng ngược của quy định này". Có những công dân có được may mắn là bố hoặc mẹ làm “ông to, bà lớn” thì đưa thông tin này là quá “có lợi” cho họ khi tiếp xúc, giải quyết các vụ việc cụ thể hoặc để họ lạm dụng làm oai, làm phách, có khi trưng ra để “doạ dẫm” cơ quan, người thi hành công vụ. Ngược lại, có những người bố mẹ không may vướng vào “chuyện nọ, chuyện kia”, ít nhiều làm ảnh hưởng đến con cái và người thân trong gia đình thì việc này sẽ rất phản cảm.

Trước việc dư luận không đồng tình, Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội tạm dừng việc thí điểm cấp CMND mẫu mới. 

 

Cấm nghe điện thoại ở cây xăng: Tranh cãi xong thì... đâu lại vào đấy

Mới đậy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Bộ Tư pháp xem xết lại tính hợp lý và khả năng của việc sử phạt 2-5 triệu đồng đối với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng quy định trong Nghị định 52 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/8 vừa qua.

 

Mặc dù có biển cấm dùng điện thoại di động nhưng nghe gọi bình thường ngay sát trụ bơm xăng.

 

Qua gần 20 ngày triển khai, Đại tá Tô Xuân Thiều (Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Hà Nội) nhận thấy một số vấn đề bất cập mà các cơ quan chức năng cần phải bàn thêm. Thực tế, các nhân viên cây xăng là người trực tiếp, dễ dàng phát hiện vi phạm nhưng không có quyền xử phạt. Còn cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì không thể điều quân, túc trực tại hết các điểm này để "bắt quả tang".

Đại tá Thiều cho hay, từ khi ban hành nghị định đến nay, cơ quan này chưa xử lý một người vi phạm nào. Biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là tuyên truyền để nhân dân tự giác chấp hành.

Còn TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng: "Nghị định 52 quy định rõ hành vi, mức phạt, thẩm quyền phạt nhưng thông tin từ dư luận cho thấy có rất nhiều hành vi vi phạm đã xảy ra nhưng không được phát hiện và xử phạt theo đúng quy định. Tính khả thi của việc xử phạt cũng không cao hơn bởi không có lực lượng tham gia xử phạt."

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị xem xét lại tính hợp lý và khả thi của quy định xử phạt đối với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng nêu trong Nghị định 52 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy có hiệu lực từ ngày 5/8 vừa qua. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho tổ chức nghiên cứu và xem xét việc kiến nghị kịp thời với Chính phủ về tính hợp lý và khả thi của quy định này.

"Nghị định 52 quy định rõ hành vi, mức phạt, thẩm quyền phạt nhưng thông tin từ dư luận cho thấy có rất nhiều hành vi vi phạm đã xảy ra nhưng không được phát hiện và xử phạt theo đúng quy định. Tính khả thi của việc xử phạt cũng không cao hơn bởi không có lực lượng tham gia xử phạt." - ông Sơn nói.

 

Quy định bán thịt trong 8 giờ: Chưa có hiệu lực đã bị "tuýt còi"

Một thông tin nữa được không ít người dân quan tâm đó là việc Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) ra đời và có hiệu lực từ ngày 3/9/2012 quy định chỉ được bán thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ

Quy định chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ liệu có thực hiện được.

 

Trong trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C, thịt được bán trong vòng 72 giờ, phụ phẩm như dạ dày, lòng non chỉ được bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ, không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống. đã gây xôn xao dư luận.

Tại cuộc họp ngày 21/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Diệp Kỉnh Tần cho biết sẽ điều chỉnh bổ sung thông tư 33 về kiểm soát buôn bán thịt tươi sống trong vòng 8 giờ cho phù hợp với thực tế trước thời điểm thông tư có hiệu lực vào ngày 3/9 tới.

Trong trường hợp thông tư sửa đổi chưa được ban hành trước ngày 3.9 thì Bộ sẽ gia hạn thời gian thi hành thông tư này. Bộ đã phê bình cơ quan soạn thảo Thông tư 33.

Vậy là câu chuyện “thịt 8 giờ” được dư luận xôn xao bàn tán trong những ngày qua đã tác động đến cơ quan ban hành văn bản. Lẽ nào những người soạn thảo ra văn bản này không biết rằng để xác định miếng thịt đang bày bán đã quá 8 giờ đồng hồ kể từ khi giết mổ là chuyện không tưởng.

Vậy hơn hai năm với lệnh cấm hút thuốc lá và chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, có tới 3 văn bản vừa mới được ban hành đã phải vội vã thu hồi lại hoặc bị đề nghị xem xét tính khả thi. Người dân và dư luận đã đặt ra câu hỏi nghi ngờ về năng lực của các cơ quan nghiên cứu, ban hành văn bản?

Thiết nghĩ việc các quy định của luật phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành, khi ban hành rồi thì phải có phương án thực hiện nghiêm túc thì luật mới đi vào cuộc sống. Chứ không vội vã ban hành rồi lại để rơi vào trong im lặng hoặc "ngủ quên" trên bàn giấy.

Nguyễn Hoan