Giám đốc nhận lương “khủng”: Bất thường hay cố ý?

13:17 | 28/08/2013

644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Choáng váng, đó là từ được báo chí và công chúng dùng để nói về mức lương cao chót vót ngất ngưởng một cách bất thường của giám đốc một số doanh nghiệp công ích tại TP HCM.

Không chỉ vì được công bố vào thời điểm được coi là khó khăn gần “chạm đáy” của kinh tế đất nước cũng như của người dân, mà có lẽ, ngay cả vào những lúc ổn định nhất, với sự xuất hiện của những đại gia tiền tỷ trên sàn chứng khoán những ngày hưng thịnh, thì mức lương của hàng loạt giám đốc các công ty hoạt động trong lĩnh vực công cộng như Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM, Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh vẫn khiến cho người ta phát hoảng.

Người dân ở TP HCM phải chống chọi với cảnh ngập nước triền miên trên diện rộng

Cụ thể, lương của viên chức quản lý tại Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị như sau: lương của giám đốc năm 2012 là 2,6 tỷ đồng, lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên là 1,6 tỷ đồng, lương của kế toán trưởng là 1,67 tỷ đồng, lương của phó giám đốc là 969 triệu đồng.

Tương tự, lương năm 2012 của Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP,HCM cao bất thường: lương giám đốc 2,2 tỷ đồng, lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên 2,4 tỷ đồng, lương của Phó giám đốc 1,9 tỷ đồng và lương của kế toán trưởng là 1,7 tỷ đồng.

Còn tại Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn, năm 2012 lương giám đốc là 856 triệu đồng, lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên là 853 triệu đồng, lương của Phó giám đốc là 584 triệu đồng và lương của kế toán trưởng là 716 triệu đồng.

Cuối cùng, tại Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, năm 2012 lương của Giám đốc là 759 triệu đồng, lương của chủ tịch Hội đồng thành viên là 691 triệu đồng, lương của Phó giám đốc là 609 triệu đồng và lương của kế toán trưởng là 655 triệu đồng.

Điều đáng nói, không chỉ có lương của các viên chức quản lý cao bất thường mà lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích trên cũng bất thường. Nếu lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP.HCM là hơn 7,3 triệu đồng/tháng, thì lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích nêu trên là hơn 22,2 triệu đồng/tháng.

Trong đó, lương bình quân của người lao động tại Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM là cao nhất, với hơn 52,9 triệu đồng/tháng.

Lương cao là điều mà bất cứ người lao động hay doanh nghiệp, cơ quan nào cũng mong ước và phấn đấu để đạt tới. Tuy nhiên, lương lãnh đạo cao đến mức bất thường và đặc biệt, cao hơn nhiều lần của người lao động mùa vụ (ở Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, thu nhập của giám đốc cao gấp 41 lần lao động mùa vụ) ở những những đơn vị tiếng là công ty nhưng thực chất không phải là doanh nghiệp cạnh tranh lợi nhuận lớn thì không thể gọi là bất thường nữa mà đã là những sai phạm cố ý.

Bởi có quá nhiều nghi vấn đến mức gây choáng váng trong dư luận, nên mấy ngày qua, hàng loạt đại biểu quốc hội và HĐND các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội đều lên tiếng về vấn đề này.

TS.Trần Du Lịch

TS.Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định cần phải làm rõ hai việc: “Thứ nhất là việc họ hưởng lương như vậy có đúng chế độ không, có đúng quy định không? Thứ hai nếu đúng quy định thì quy định như vậy là vô lý bởi vì không thể có cái gọi là công ty mà bản chất là đơn vị sự nghiệp, hoạt động dựa vào nguồn thu ngân sách nhà nước, phục vụ công chứ không phải loại hình kinh doanh, đầu tư cũng không phải là doanh nghiệp sản xuất hàng hoá mà lại trả lương cao như vậy. Những công ty này không phải là doanh nghiệp cạnh tranh, nguồn thu phục vụ công cộng chứ không phải là sản xuất hàng hoá lãi lớn để trả lương cao”.

Còn PGS, TS. Bùi Thị An - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thì nói: “Tôi nghĩ là sự hưởng thụ thì phải tương xứng với sự cống hiến, tương xứng với việc tạo ra sản phẩm cho xã hội. Trong khi đó, đây là các công ty TNHH một thành viên của Nhà nước. Theo mặt bằng chung, lương bình quân là khoảng 4-5 triệu/tháng và nhận 50 - 60 triệu/năm. Các vị đó hưởng lương rất cao trong khi sự cống hiến là không tương xứng. So với mặt bằng chung, với mức lương như thế thực sự không lý giải được. Vấn đề đặt ra là lấy tiền ở đâu ra khi đây không phải là công ty sản xuất ra sản phẩm cho xã hội?”. Và bà An cũng nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải làm rõ việc này”.

Trước sự việc này, ngày 28/8, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đã yêu cầu các công ty trên báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Trong đó, tập trung vào phân tích về quan điểm của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chi trả lương cho giám đốc doanh nghiệp công ích cao bất thường và cao hơn nhiều lần lương trung bình toàn công ty. Cho đến thời điểm này, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cũng có kết luận về việc chi sai hàng tỷ đồng từ quỹ lương của người lao động cho các viên chức quản lý của 3 công ty gồm: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM, Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn.

Đồng thời, ra quyết định thu hồi tài sản đối với các công ty nói trên. Cụ thể: Đối với Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị đã sử dụng quỹ lương của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng cho 7 viên chức quản lý sai quy định, Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà đã yêu cầu Hội đồng thành viên của công ty này thu hồi toàn bộ số tiền hơn 3,2 tỷ đồng chi cho viên chức quản lý sai qui định năm 2011.

Đối với sai phạm của Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn, ông Lê Mạnh Hà yêu cầu công ty này phải thu hồi toàn bộ số tiền hơn 554 triệu đồng trong năm 2011 do chi sai quy định.

Ngoài quyết định thu hồi tài sản, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cũng yêu cầu 2 công ty này thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động đã bị 2 công ty này tước đoạt từ những năm trước đây cho đến nay như bảo hiểm xã hội. Đồng thời phải đền bù những thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong công ty.

Đối với Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM, ông Lê Mạnh Hà cũng yêu cầu thu hồi toàn bộ số tiền hơn 2,5 tỷ đồng chi cho viên chức quản lý sai quy định trong năm 2011.

Kết quả thu hồi phải báo cáo UBND TP trước ngày 15/9. Sau khi có kết luận Thanh tra, các công ty này phải tổ chức kiểm điểm từng cá nhân sai phạm và đề xuất hình thức kỷ luật.

Nên tiến tới đấu thầu các dịch vụ công?

Động thái này của UBND TP HCM được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, không ít người cho rằng đây lại là một bài học đau lòng nữa về công tác quản lý doanh nghiệp ở nước ta. Đã đến lúc, có lẽ, Việt Nam nên sử dụng nhiều hơn chìa khóa vàng PPP (Public - Private Partner, nghĩa là hợp tác công – tư) trong vấn đề đầu tư công và xây dựng, quản lý các công trình công cộng.

Đây cũng là hướng giải quyết sự việc nói trên đồng thời tránh tái phạm mà TS. Trần Du Lịch đã chia sẻ với báo chí. Ông nói: “Chúng ta đã có chủ trương rồi mà không làm. Cụ thể là các dịch vụ công nên tiến tới việc đấu thầu, khu vực tư nhân cung cấp và Nhà nước mua lại dịch vụ đó chứ Nhà nước không nhất thiết lập các công ty đó. Tư nhân ai cung cấp giá rẻ hơn, thì Nhà nước mua”.

Thành Lê