Chợ Phố Hiến cháy - Tội ai chịu bây giờ?

14:36 | 20/03/2014

918 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhận tin báo cháy, một số tiểu thương lao vào trong chợ dùng bình cứu hỏa mini dập lửa nhưng bình rỗng ruột, xe cứu hỏa chuyên dụng đến thì không có nước... kết cục là hàng trăm gian hàng bị thiêu trụi.

>> Hưng Yên: Cháy lớn tại chợ Phố Hiến

Liên quan đến vụ cháy chợ Phố Hiến, sáng ngày 20/3, UBND TP Hưng Yên tổ chức buổi họp khẩn với hơn 200 bà con tiểu thương là chủ các gian hàng bên trong chợ, để lắng nghe nguyện vọng giải quyết sự cố. Tại buổi họp, tiểu thương Nguyễn Thị Huệ, chủ một gian hàng cho biết, chợ Phố Hiến mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng đã xảy ra cháy lớn như vậy là có vấn đề trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra làm rõ và xử lý triệt để.

"Về số hàng thiệt hai trong vụ cháy, chúng tôi yêu cầu Ban Quản lý chợ phải đền bù 100%. Tài sản bị thiệt hại của tôi hàng tỉ đồng, đây là tiền vay mượn ngân hàng, bạn bè để kinh doanh… nếu không lo cho chúng tôi thì chúng tôi chẳng thiết sống" - tiểu thương Huệ nói.

Chợ Phố Hiến sau vụ hỏa hoạn.

Cũng giống như bà Huệ, hầu hết các tiểu thương kinh doanh trong chợ đều bức xúc và kiến nghị lên UBND TP và các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên xem xét thay đổi tư cách chủ đầu tư dự án xây dựng quản lý chợ Phố Hiến là Công ty Tập đoàn Hoàng Phát do ông Bùi Hồng Kỳ làm Tổng giám đốc. Lý giải về đề nghị này, các tiểu thương cho rằng, họ đã mua chỗ kinh doanh và nộp đầy đủ các khoản phí mà chủ đầu tư đưa ra thì họ phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn hàng hoá. Để thất thoát hay thiệt hại về hàng hóa thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm. 

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hưng Yên Nguyễn Tuấn Cường đã tiếp thu các ý kiến bức xúc của bà con tiểu thương và khẳng định: “Tôi sẽ trực tiếp báo cáo những kiến nghị của bà con lên lãnh đạo tỉnh để có phương án giải quyết nhanh nhất”.

Cũng trong buổi sáng ngày 20/3, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu lãnh đạo Công ty Tập đoàn Hoàng Phát cùng cơ quan chức năng liên quan báo cáo cụ thể sự cố để sớm đưa ra hướng giải quyết. Theo ước tình ban đầu, vụ cháy đã gây thiệt hại số tiền khoảng 100 tỉ đồng của bà con tiểu thương kinh doanh trong chợ.

Xe cứu hỏa đến muộn…?

Trong một diễn biến khác, hầu hết người dân sinh sống xung quanh chợ Phố Hiến và tiểu thương kinh doanh trong chợ bức xúc cho rằng, xe cứu hoả đến quá muộn, hệ thống cứu hỏa dự phòng quanh chợ không có nước.

Một tiểu thương kinh doanh quần áo trong chợ Phố Hiến tên là Đặng Văn Thiện nói: "Hơn 18h ngày 19/3, tôi đóng cửa gian hàng để về nhà ăn cơm. Đến khoảng 20h, tôi nhận được tin chợ bị cháy. Ngay lập tức, tôi và một số người thân trong gia đình chạy tới chợ xem thực hư ra sao. Khi ra đến nơi thì chưa có xe cứu hoả. Tôi liền vội vàng chạy vào bên trong chợ vơ lấy 2 bình cứu hoả mini để xịt vào đám cháy nhưng bình rỗng ruột. Đến khi tôi và một số người chạy đến hệ thống cứu hỏa dự phòng quanh chợ để vặn nước cứu hoả nhưng cũng không có nước".

Theo lời kể của ông Đăng Văn Thiện kể, sau khi sử dụng các dụng cụ cứu hỏa nhưng không thành, một số tiểu thương lao vào gian hàng của nhà mình để đưa hàng hóa ra ngoài. Tuy nhiên, do khói bốc mù mịt, rất khó thở nên phải chạy ra ngoài. Toàn bộ hàng hoá của người dân có giá trị hàng trăm tỉ đồng đã bị ngọn lửa thiêu trụi.

Sáng ngày 20/3, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên vào cuộc điều tra vụ cháy chợ Phố Hiến.

Tiểu thương Nguyễn Thị Huệ, kinh doanh vải tại tầng 1 chợ Phố Hiến cho biết: "Khoảng 20h ngày 19/3, tôi nhận được tin cháy nên vội vã chạy chạy tới chợ và lao vào đám lửa cứu lấy đống sổ sách, hóa đơn buôn bán nhưng cũng không cứu được bao nhiêu. Đây toàn là sổ ghi công nợ mà khách mua hàng chưa thanh toán".

Liên quan đến vụ cháy, Đại tá Đào Hữu Liêm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hưng Yên, lực lượng này nhận được tin cháy vào hồi 21h25 ngày 19/3. Khoảng 4 phút sau, lực lượng cứu hỏa Hưng Yên đã huy động 6 xe cứu hỏa tới hiện trường, đồng thời báo cáo lên Bộ Công an để được chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường lực lượng. Khoảng 30 phút sau, công an các tỉnh lân cận đã chi viện lực lượng cứu hỏa đến hiện trường. Tổng cộng có 18 xe chữa cháy đến chữa cháy, trong đó Hưng Yên 8 xe, Hà Nội 4 xe, Hải Dương 4 xe, Hà Nam 2 xe. Đến khoảng 1h ngày 20/3, đám cháy cơ bản được khống chế. Lực lượng chức năng tiếp tục làm công tác khống chế hoàn toàn và dập tắt đám cháy.

Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận việc tiếp nhận tin báo cháy muộn hơn cháy thực tế tại chợ. Dù huy động tối đa nhân lực và phương tiện chữa cháy chuyên dụng nhưng cũng chỉ đủ để dập lửa mà không cứu được nổi tài sản hàng hoá của bà con tiểu thương trong chợ.

Nói về thông tin người dân phản ánh, khi xảy ra cháy, có hai xe cứu hỏa đến nhưng lại không có nước. Đại tá Đào Hữu Liêm cho rằng: “Lúc chữa cháy, chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng. Ý kiến của người dân về công tác chữa cháy, chúng tôi sẽ tiếp nhận và cho kiểm tra”.

“Ngay sau khi ngọn lửa được khống chế, lực lượng cứu hỏa đã bàn giao hiện trường cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Hưng Yên điều tra làm rõ nguyên nhân” - Đại tá Đào Hữu Liêm nói.

Quang Định - Hòa An