Xây dựng con người văn hóa: Mục tiêu hoành tráng - Giải pháp lửng lơ

06:00 | 28/01/2015

468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ngành văn hóa cần xóa bỏ “bệnh” khái quát, nêu lên những vấn đề lớn lao để rồi các giải pháp thường “lơ lửng” trên cao.

Năng lượng Mới số 394

Lâu nay, nhiều chỉ đạo, chương trình ở cấp bộ khi triển khai xuống cơ sở hay gặp lúng túng, khó thực hiện chính bởi những chỉ đạo chung chung, thiếu sâu sát với các điều kiện thực tế, thiếu những gợi mở phù hợp hay gợi ý, tạo điều kiện cho sự chủ động của địa phương, cơ sở. Ví như những lúng túng, dai dẳng trong việc tìm hướng giải quyết sự lan tràn của vàng mã, việc bài trừ sư tử đá ngoại lai và những vật phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc tại các di tích, việc xây dựng các ban quản lý di tích sao cho hài hòa vai trò, quyền lợi giữa những người trông nom trực tiếp di tích với cộng đồng dân cư sở tại…

Trẻ em tham gia trình diễn tại Hội Lim

Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức tọa đàm xung quanh những chủ trương, giải pháp của ngành văn hóa trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/T.Ư ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, ngành văn hóa sẽ có rất nhiều đầu việc từ nay đến năm 2020, 2030 với nhiều đề án, luật, nghị định… đang và sẽ tiếp tục được xây dựng, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong quản lý, phát triển đời sống văn hóa, nghệ thuật như định hướng hoạt động của giới văn nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp văn hóa; định hướng thẩm mỹ đối với công chúng; đầu tư phát triển điện ảnh, chiếu bóng phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa; xây dựng cơ chế đãi ngộ, đầu tư sâu đối với các văn nghệ sĩ tài năng, có nhiều đóng góp cho xã hội; xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu còn có hoàn cảnh khó khăn; phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường các hoạt động đối ngoại văn hóa; xây dựng cơ chế quản lý, bảo tồn đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam...

Tuy nhiên, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước thể hiện cái nhìn, tinh thần chỉ đạo ở tầm vĩ mô. Nhưng khi triển khai xuống các cấp, rất cần những ý tưởng, giải pháp cụ thể. Mà các cơ quan đầu ngành văn hóa nên là nơi gợi mở, dẫn hướng ban đầu để đi sâu hơn vào các giải pháp đó. Nhưng nhiều vấn đề mà Bộ VH-TT&DL vừa đưa ra cũng chưa thoát khỏi tinh thần chung chung vốn có.

Các nghệ nhân tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011

Một trong nhiều ví dụ về chủ trương tập trung đầu tư, nâng cao một số đối tượng nhưng lại “bỏ lửng” những đối tượng quan trọng khác. Theo như đề ra trong tiến trình thực hiện, ngành văn hóa có nhiều chương trình phát triển, bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật, kỹ năng cho học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng giảng viên nghệ thuật, tổ chức mô hình đào tạo tại chỗ cho một số nhà hát nghệ thuật trực thuộc bộ… Tuy nhiên, những hướng đi này dường như mới chỉ ở phần ngọn, mới tập trung vào việc đầu tư, bồi dưỡng cho việc phát triển nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. Trong khi muốn xây dựng con người, văn hóa, cần phải tìm những giải pháp tác động đến cộng đồng rộng rãi. Hay nói cách khác, phải tạo điều kiện cho đông đảo công chúng được hưởng lợi, được bồi bổ về văn hóa.

Trong những năm qua, xã hội đã biết đến mô hình sân khấu học đường. Cùng với đó là một số mô hình hoạt động cho học sinh địa phương tìm hiểu về các nghệ thuật dân gian ở cơ sở. Nhưng đó mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ ở một số địa phương, trường học, chứ chưa có sự phát triển rộng khắp có tính đại trà. Ngành văn hóa cần chủ động phối hợp với ngành giáo dục trong việc xây dựng chương trình, bổ sung nội dung, dành một số tiết học và hoạt động dã ngoại để học sinh, sinh viên được tiếp cận nghệ thuật truyền thống, di sản, di tích địa phương… Chương trình, nội dung này cũng không nên đồng nhất trong toàn quốc mà phải căn cứ vào đặc trưng nghệ thuật, di sản, di tích… của mỗi địa phương, từ cấp tỉnh - thành đến cấp quận, huyện, thậm chí cả cấp xã… Có thể thấy rằng, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật… được phân bố ở khắp các địa phương với số lượng lớn. Mỗi địa phương lại có những bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc mang dấu ấn văn hóa sở tại hoặc vốn liếng dân ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán… rất phong phú. Đó chính là kho tàng khổng lồ và rất “sẵn” để ngành văn hóa các cấp có thể phối hợp với ngành giáo dục cấp tương đương trong việc xây dựng nội dung, thời lượng phù hợp. Lo lắng giới trẻ quay lưng với truyền thống, xa rời tuồng, chèo, cải lương, dân ca…, không biết đến đình, chùa, lăng tẩm, không giữ gìn cổng làng, cổng ngõ, giếng nước, cây đa và những ngôi nhà truyền thống… chính là bởi trong hoạt động giáo dục, không có những phần đất dành cho những môn nghệ thuật, di sản, di tích quý báu ấy.

Học sinh Trường Nghệ thuật Bắc Ninh diễn chèo Chải Hê tại Đình Lim

Ngành văn hóa đề ra chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, giám sát, chấn chỉnh nhằm giúp xã hội thực thi nghiêm túc Luật Bản quyền. Nhưng chủ trương này cũng như nhiều dự định, mong muốn khác mà nhiều cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý đã phát biểu, đã đề xuất, đã mong mỏi. Trong khi những bức xúc từ phía xã hội, nhất là từ rất nhiều các tác giả bị vi phạm bản quyền vẫn không có dấu hiệu giảm đi mà còn tăng lên, bởi tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng. Bộ VH-TT&DL cũng là cơ quan quản lý Nhà nước về văn học, đã có phòng văn học trực thuộc Cục Nghệ thuật Biểu diễn, mặc dù cách lắp ghép này còn chưa hợp lý, nhưng cũng chưa tích cực lên tiếng thể hiện quan điểm và những ý kiến, tác động có tính chất pháp lý thuộc vai trò quản lý Nhà nước của mình. Nhìn rộng ra, còn rất nhiều vấn đề khác về bản quyền cần có tiếng nói, giải pháp và sự vào cuộc tích cực của ngành văn hóa. Đó cũng chính là việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có những ứng xử văn minh, cũng như xây dựng con người tôn trọng luật pháp, có trách nhiệm với cộng đồng. Đòi hỏi này rất phù hợp với một chủ trương mà ngành văn hóa đề ra để triển khai thực hiện Nghị quyết 33, đó là xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật.

Bản thân vấn đề nâng cao tính liên thông, tăng cường cơ chế phản biện và đón nhận góp ý phản biện giữa báo chí với Bộ VH-TT&DL cùng các cơ quan đầu ngành trực thuộc, cũng đã là một chủ đề lớn cần được bàn thảo nhiều hơn. Cũng như việc trao đổi để tìm ra mô hình hợp tác phù hợp của ngành văn hóa với các kênh, chuyên mục báo, đài… trong việc truyền tải các nội dung văn hóa, định hướng công chúng trong hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Những mô hình chưa thành hiện thực nhưng rất thiết thực này, ngành văn hóa không nên bỏ qua!

Xuyên Sơn