Nghệ sĩ Mạc Can: "Nhà văn từ… trên trời rơi xuống!"

07:00 | 28/04/2015

1,642 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù Mạc Can viết nhiều, có những quyển rất ăn khách như "Tấm ván phóng dao", "Món nợ kịch trường"… nhưng ông vẫn không thích mình được gọi là nhà văn.

>> Nghệ sĩ Mạc Can: Rong chơi cho trọn kiếp người!

Mạc Can - "nhà văn trẻ"

Nói về nghề viết, Mạc Can không thích người ta gọi ông là nhà văn. "Tôi học chữ có 3 năm mà gọi là nhà văn cái gì?!", ông nói. Thế nên, nhà văn Nguyễn Đông Thức mới gọi vui rằng, Mạc Can là "nhà văn từ… trên trời rơi xuống", còn một số nhà văn khác thì gọi ông là "nhà văn trẻ". Ông tự nhận mình là ngày nhỏ không biết chữ, học 3 năm nhưng cũng không đâu vào đâu, chủ yếu là do ông tự học, tự đọc chữ ở bất cứ đâu, trên tất cả những gì có chữ. Rồi từ đó ông quen dần mặt chữ. Ông đọc sách, báo, thậm chí những mảnh giấy gói bánh mì ông cũng ngấu ngiến đến từng chữ một…

Nhiều người hỏi sao ông viết hay vậy mà không viết từ sớm? Ông cười trả lời: hồi trẻ biết gì đâu mà viết, lớn lên đi nhiều, trải nghiệm nhiều rồi rảnh không biết làm gì thì ngồi viết lại những gì đã qua. Thế là thành "nhà văn trẻ" thôi!

Mạc Can và tập truyện Tấm ván phóng dao

Mạc Can nói con chữ đến với ông bất chợt lắm, ngay lúc đó ông có thể viết ra những câu rất hay nhưng sau đó thì chính ông cũng không thể nhận ra rằng, ông lại viết được như vậy! Với Mạc Can, viết là để cho vui, dẫu vậy văn chương của ông thì vẫn buồn. Có những quyển buồn đến ám ảnh, day dứt cả tâm can như Tấm ván phóng dao hay Món nợ kịch trường

Còn ý tưởng để viết thì nó cũng đến với "nhà văn trẻ" này một cách vô cùng ngẫu hứng. Ông kể, chẳng hạn như hôm nọ, ông ngồi sửa cái laptop đồ cổ, nó bị hở mạch điện nên lúc mở được, lúc không. Thế là ông chèn mảnh giấy vào đó, để chắc ăn hơn, ông đổ thêm ít keo dán sắt vào. Lỡ tay, ông làm rơi keo xuống sàn nhà, rồi vô tình ông giẫm chân lên phải. Từ câu chuyện đó mà ông ngồi viết luôn được một truyện ngắn mang tên Người ngắm trăng. "Do chân tôi dính phải keo, không nhấc lên được, tôi lấy nước đá đổ xuống chân thì keo càng dính chặt hơn. Không đi đâu được nên ngồi viết truyện luôn chứ sao! Đương nhiên là chuyện tôi hư cấu thôi nha chú", nói xong, ông lại cười sảng khoái!

Mạc Can cho biết, có lẽ không gì ấn tượng bằng kỷ niệm khi ông viết truyện ngắn đầu tay Ảo thuật trong tù. Vào năm ông 17 - 18 tuổi, lúc đó ông cũng là người có chút tiếng tăm rồi. Một ngày nọ, ông đang đi lang thang ngoài đường thì bị bắt vì không có giấy tờ tùy thân. Ngày đó, tội này bị tạm giam giữ cao nhất chỉ vài ngày nhưng Mạc Can thì "được" đặc biệt hơn, ông bị giam đến hơn nửa tháng! Ông mang thắc mắc này đến người đã bắt tạm giam ông thì nhận được câu trả lời rằng: "thả ông ra rồi trong này buồn lắm!"… Nghe đến đây Mạc Can mới tá hỏa thì ra do mình là "anh hề" nên "được ưu ái"!

"Tôi vào trong đó, người "đại ca" cho đàn em dọn dẹp một chỗ riêng để làm sân khấu cho tôi diễn hài. Ngày nào tôi cũng diễn, mấy anh trong đó khoái tôi lắm. Không những thế, tôi còn giả vờ biết xem bói, tôi xem tay cho "đại ca" rồi phán bừa rằng: ráng tuần này khổ một chút, qua tuần sau là "anh hai" sung sướng lắm đó! Và qua tuần sau thì anh ta sướng thật… anh ta bị mang ra xử bắn!". Kể xong, ông lại cười đến ho sặc sụa. Sau này, ông đã dựa vào câu chuyện đó để viết truyện ngắn đầu tay Ảo thuật trong tù.

Mạc Can diễn khóc - cười

Còn với Mạc Can trong vai trò là một diễn viên thì cũng đã để lại cho khán giả rất nhiều ấn tượng, dù hầu hết ông chỉ đóng vai phụ. Mạc Can đóng phim từ sau năm 1975, qua nhiều phim thì đến vai Bác Ba Phi trong phim Đất phương Nam, ông mới được yêu mến nhiều nhất.

Mạc Can nói, ông chưa bao giờ đến trễ giờ quay, ông tự mình thấy phải có trách nhiệm với vai diễn. Cũng như, ông chưa bao giờ phân biệt vai nhỏ, vai lớn hay vai chính, vai phụ gì cả. Ông cũng không có thói quen ngã giá cát-sê, người ta trả ông bao nhiêu ông nhận bấy nhiêu mà không cần đếm lại. Ông nói, trong đầu ông không có những con số, ông cũng rất tệ trong chuyện tính toán cộng trừ nhân chia. Vì thế ông không tính toán tiền cát-sê làm gì. Còn những năm tháng đã qua, nếu hỏi ông một cách chính xác ông cũng không thể nào trả lời. Mà ông nói thật chứ không đùa, hỏi ông sang Mỹ với vợ con vào năm nào, ông cũng không nhớ rõ, cho dù chỉ mới cách đây chưa đầy 5 năm!

Chính sự tận tâm, trách nhiệm với vai diễn mà đoàn làm phim nào cũng thích Mạc Can, và thế là ông có vai diễn liên tục. Mặt khác, ông luôn được các đạo diễn đánh giá cao vì ông diễn mà không diễn. Mạc Can không bao giờ học thuộc lòng câu thoại mà chỉ đọc qua để lấy ý chính, còn ông sẽ thoại theo giọng điệu, ngôn ngữ của ông. Đóng phim ở đâu ông cũng yêu cầu đạo diễn điều đó. Và đạo diễn nào cũng đồng ý, cũng thích thú vì họ tin tưởng ông.

Mạc Can cũng thú nhận là chẳng được học về diễn xuất ngày nào, song ông vẫn có thể diễn nhập vai một cách ngon lành. "Với tôi, nghề diễn là nghề bắt chước, tôi đi, quan sát người này người kia, từ cách đi đứng, nói cười. Khi có vai nào phù hợp là tôi lôi ra sử dụng ngay. Tôi thấy nghễ diễn viên dễ ợt chú ơi!", Mạc Can nói.

Phiêu du trọn kiếp!

Mùa đông ở vùng ngoại ô thành phố Dallas, thuộc ban Texas lạnh đến tê tái, tuyết trắng phủ đầy trên từng cành cây, ngọn cỏ. Đàn chim thiên di ở đâu bay về, đậu kín cả mái nhà, khung cửa... Đó là một trong những hình ảnh mà Mạc Can lưu lại trong ký ức về những năm tháng ở nước ngoài cùng vợ con. Cuộc đoàn viên với gia đình của ông cũng chỉ kéo dài hơn 2 năm. Sau đó ông "trốn" về nước vì "ở bên đó thêm chừng nửa năm nữa thôi là tui chết vì buồn " - ông nói.

Mạc Can sợ nhất là những mùa đông, ông ở một mình trong căn phòng nhỏ, cô độc và lạnh lẽo đến tận cùng. Ông sợ những ngày ngồi ở nhà từ sáng đến tối để chờ vợ con ông về. Ông không tìm thấy ai để có thể trò chuyện. Mọi thứ với ông đều lặng lẽ, ngày cũng như đêm; nỗi nhớ quê nhà, bạn bè, nhớ những con phố Sài Gòn thân thương cứ dằng dặt trong ông. Ông như bị gò bó đôi chân đến ngột ngạt hơi thở.

Ngày Mạc Can đặt chân về tới sân bay Tân Sơn Nhất, ông vui đến trào nước mắt! Ông nói ông thích sống tự do, một mình. Không phải vì ông ít kỷ, ông không thương vợ con mà vì cuộc đời ông là vậy. Có lẽ, những cuộc di cư từ bãi bồi này sang bến sông khác trên chiếc ghe hát rong của cha ông ngày nào đã vận vào tính cách của ông. Ông kể, ngày đó ông đã tập cho mình không luyến tiếc điều gì, cứ tháo dây neo là đi, cặm sào là ở. Tuổi thơ ông cứ thế mà trôi dập dờn theo những con nước, mịt mờ như sương khói trên những bến sông buồn! Đến giờ, với ông cũng không có gì là ổn định! Ngay cả những người thân nhất của Mạc Can, cũng không rõ là ông đang sống ở đâu, giữa Sài Gòn rộng lớn và náo nhiệt này!

Mạc Can là vậy, ông thích phiêu du cho trọn một kiếp người. Ông thích cứ "tưng tửng", hài hước để mang lại tiếng cười cho người đối diện ông, còn mọi nỗi niềm, ông giữ lại cho riêng mình!

Khoảng chừng 30 năm về trước, khi Mạc Can mới bắt đầu nghề viết thì nghệ sĩ Lê Bình là một trong những nhân vật mà ông viết nhiều nhất. Tôi tình cờ biết được điều đó vì có lần tôi được xem qua quyển "Dấu ấn thời gian" của nghệ sĩ Lê Bình, quyển sổ này lưu lại toàn bộ các bài báo, hình ảnh thuở Lê Bình mới vào nghề.

Hôm ghé thăm nghệ sĩ Lê Bình, tôi có ngỏ lời ông viết vài dòng về Mạc Can, người mà ngày xưa từng viết nhiều về ông và đó cũng là một người bạn đồng nghiệp già thân thiết nhất của ông. Lê Bình vui vẻ nhận lời ngay, dù ông đang bận với ti tỉ việc.

Lê Bình viết:

Mạc Can, người bạn già của tôi!

Những lần tôi ngồi đối diện với Mạc Can, đôi mắt ông không giấu được sự ưu tư, ông cười mà mắt cứ như muốn khóc. Mạc Can, ông bạn già của tôi, làm cùng với nhau đôi ba nghề: đóng phim, diễn kịch và viết lách… nên giấu nhau được gì?

Tôi hiểu ông bạn già của mình, những nổi đau không biết chia sẻ cùng ai, ông chôn kín trong lòng vì không muốn phiền lòng người khác. Có lẽ, cái đẹp của con người biết tôn trọng người khác là đây, không ai muốn mất thời gian vì tâm sự riêng tư của mình, thời gian của con người vốn quá hạn hẹp mà!

Mạc Can đang sống trọ, lang thang nay đây mai đó, hành tung của ông lúc nào cũng bí ẩn, ngay cả tôi hỏi ông ở đâu, ông cũng không trả lời. Ông chỉ nói, "ở đâu miễn có chổ cho tôi viết lách là được rồi ông Bình ơi!".

Nhưng, không phải vì thế mà ông không từng có một mái nhà, mà là ông bỏ ra đi, cứ lang thang đi kiếm cái tinh thần cho mình. Có lẽ nhờ vậy mà ông viết được quyển "Tấm ván phóng dao" thành công vang dội.

Tôi nhớ như in khuya hôm ấy, tôi đang ngủ thì nhận được tin nhắn của Mạc Can: "Ông ở lại mạnh giỏi, tôi đi nhen"! Gọi hỏi ông đi đâu, ông cũng không nói, chỉ nói là "đi xa". Sau đó tôi mới biết là ông đi Mỹ sống với vợ con, và tôi là một trong số rất ít người mà ông thông báo. Ông ra đi hết sức lặng lẽ như vậy!

Tưởng đâu ông đã quyết tâm chấm dứt cuộc sống phiêu bạc của mình, nào ngờ ông vẫn là ông! Không bao lâu sau, ông quay về Việt Nam!

Tôi hiểu và thương Mạc Can, cuộc sống có bao điều bất ngờ, cái tốt và cái xấu không giới hạn, Mạc Can biết dừng, biết suy nghĩ, biết đi để sống, để viết... biết kể chuyện cho mọi người nghe và biết vui khi thấy con nít cười…

Tôi gọi, Mạc Can là nghệ sĩ của cuộc đời!

Lê Bình

Đêm tháng 04/2015

Trúc Vân