“Nệ hủ” là “giết” hội lễ

06:00 | 01/04/2015

453 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự nệ cổ đến mức… tạm gọi là “nệ hủ”, sự tin theo đến mức mang màu sắc cuồng tín, đang khiến cho một số hình ảnh, biểu tượng, ý nghĩa đẹp đẽ của lễ hội truyền thống bị lu mờ. Sự lặp lại thuần túy một số phương thức tổ chức, nội dung hoạt động thiếu bổ sung, lười sáng tạo cũng làm cho lễ hội truyền thống phần nào giảm sinh khí. Thậm chí có những cái tưởng là mới của thời nay đưa vào hội lễ nhưng không phù hợp, thiếu thẩm mỹ, lại được bảo tồn cũng đang cho thấy những bước thụt lùi.

Năng lượng Mới số 409

Mấy năm qua, tại các lễ hội truyền thống, sự xuất hiện những cái mới, những nét sáng tạo, hiệu quả của chúng và mức độ hưởng ứng từ phía cộng đồng. Nhưng việc sáng tạo trong lễ hội truyền thống là cần thiết và như một điều kiện quan trọng để lễ hội phát triển theo hướng tự sàng lọc, ngày càng lan tỏa giá trị vốn có, đón nhận những giá trị mới, làm giàu thêm cho tinh thần, ý nghĩa của lễ hội. Sáng tạo trong cách thức tổ chức lễ hội, trong nội dung thể hiện, sẽ hay hơn là chỉ lặp đi lặp lại, chỉ “an phận” với những gì đã có.

Thực hiện tác phẩm thư pháp đương đại tại lễ hội Bình Đà 2014

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền nhận xét xác đáng về thực tế sử dụng bài bản quan họ trong các kỳ hội hiện nay. Theo đó, lâu nay chúng ta chỉ sử dụng những gì các cụ để lại chứ không phát triển được bài ca mới. Trong khi với nhiều thế hệ người hát quan họ ngày xưa, việc sáng tạo giai điệu, lời ca là một kỹ năng, một phẩm chất quan trọng. Và như một số ý kiến chuyên gia khác như các nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nhạc sĩ Đức Miêng… mỗi cuộc giao lưu, nhất là mỗi kỳ lễ hội, cuộc gặp mặt hát ở ngoài hội hay hát canh ở nhà cũng có thể là dịp để bài ca mới được trình làng trước quan họ bạn. Thậm chí ngay trong quá trình giao lưu, những người tài giỏi, nhiều vốn liếng và nhanh trí, có thể sáng tạo nên những bài mới để thách đối hay đối lại với quan họ bạn. Không hoặc chưa đối lại được, người ta hẹn dịp sau để rồi sẽ về nhà nghiền ngẫm, sáng tạo. Cuộc chơi quan họ như vậy, càng cuốn hút vì không chỉ dựa trên những gì sẵn có, những gì đã thuộc, mà đòi hỏi người ta phải “động não”. Và người chơi quan họ cũng như người nghe, sẽ được hưởng niềm hứng thú là chờ đợi, thưởng thức những cái mới, cái khác khi chúng xuất hiện và được sàng lọc tự nhiên theo thời gian.

Tuy nhiên, ước mơ tổ chức đối đáp quan họ có sáng tạo lời mới tại chỗ cho đến nay vẫn đang… là mơ ước. Chưa có một lần nào đó để thử, để rồi sẽ cùng rút kinh nghiệm và lần sau làm cho tốt hơn.

Một trường hợp khác, mặc dù ngay khi đang diễn ra đã làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều, hoặc phản đối, hoặc ủng hộ từ các nhà nghiên cứu và từ chính người dân sở tại, đó là hoạt động viết thư pháp chữ Việt trong lễ hội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Họa sĩ, nhà thư pháp Lê Quốc Việt và nhà nghiên cứu, nhà thư pháp Nguyễn Quang Thắng đã có khoảng thời gian thú vị hướng dẫn nhiều em học sinh của địa phương tập viết hai chữ “Rồng”, “Tiên” trên hàng ngàn tờ giấy, sau đó viết trực tiếp lên vải để ghép thành bức thư pháp khổng lồ. Theo họa sĩ Việt, tính tương tác được thể hiện rõ khi mọi người cùng tham gia vào quá trình từ chuẩn bị cho đến khi tác phẩm hoàn thành, khác với thông thường, người dân sở tại chỉ đứng ở vị trí người xem.

Năm nay, lễ hội Bình Đà thêm vào cái mới, một chút thay đổi trong thói quen tham dự của người dân cũng là điều đáng khuyến khích.

Một ví dụ về nét mới đã trở nên quen thuộc và được yêu thích, đó là phần thi vẽ trâu trong lễ hội tịch điền ở Đọi Sơn, Hà Nam. Khi lễ hội mới được phục dựng, phần thi này được thực hiện với sự tham gia chủ yếu của các họa sĩ, nghệ sĩ đương đại từ Hà Nội về dự hội. Cho đến nay, số họa sĩ, người vẽ tham gia hằng năm đã tăng thêm và hình ảnh những con trâu với những hình vẽ lạ mắt, những màu sắc sặc sỡ bước vào nghi thức tịch điền đã càng lôi kéo người dân theo dõi. Và nét mới khác trong tập quán vốn rất quen thuộc đang đến gần với người dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đó là vào dịp lễ hội chùa Thầy năm nay, người địa phương có thể được xem những tiết mục rối nước truyền thống với lời dẫn, lời ca có sáng tác mới, do chính một phường rối sở tại thực hiện. Đây là phường rối hoàn toàn mới sau hàng trăm năm địa phương không có đội rối của mình. Đây có thể sẽ là điểm nhấn, là một “món ăn” chính trong lễ hội sắp tới.

Nhưng dường như ngược lại với những cái mới vốn chưa nhiều, vẫn còn phổ biến những nghi thức, hoạt động lễ hội được bảo vệ ở mức bảo thủ. Tất nhiên, không thể quy tất cả các lễ hội về một mối để đồng nhất các đặc thù của mỗi lễ hội và cho rằng, có một mô hình cải tiến, sáng tạo chung. Nhưng trong bối cảnh đời sống của cả cộng đồng, cả xã hội đang có những bước phát triển ngày càng văn minh hơn thì một lễ hội có hành động hành hạ con vật, gây ra cảnh vật vã, đau đớn như chém lợn, đập chết trâu… cũng nên xem xét lại và điều chỉnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ - Đại học KHXH&NV Hà Nội đưa ra một số gợi mở đáng chú ý cho việc duy trì lễ hội. Theo ông, rất nên có những sáng tạo mới cho cách thực hiện nghi thức của lễ hội trên cơ sở hiểu rõ phong tục tập quán địa phương, sử dụng chất liệu truyền thống. Như với lễ hội có nghi lễ chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, Bắc Ninh, có thể không cần chém lợn thật nữa mà hãy mời các nghệ sĩ sáng tác tiết mục nghệ thuật với phần vũ đạo đẹp mắt do người dân địa phương thể hiện. Nghi thức chém lợn được nghệ thuật hóa sẽ mang lại mỹ cảm cho người dân sở tại và khách thập phương khi chứng kiến, hơn là cho người ta xem cảnh lợn bị chém hay bị cứa, máu me văng tung tóe. Cũng theo nhà nghiên cứu, với nghi thức cướp phết ở Phú Thọ, nếu người ta tạo ra một cuộc thi có sự tham gia của các đội đại diện cho các thôn, xóm thì sẽ phát huy được ý thức cạnh tranh lành mạnh và tinh thần thể thao chứ không sa vào tranh giành và hành hung nhau một cách thô bạo. 

Cần những sáng tạo về nhiều khía cạnh. Từ nội dung được tuyên truyền trong lễ hội đến chương trình, tiết mục trình diễn nghệ thuật mới nhưng khai thác bản sắc truyền thống. Từ việc tuyên truyền với người dân sở tại, với du khách, bằng ấn phẩm, bằng tờ rơi có cách biên soạn, trình bày dễ hiểu, cuốn hút, đến việc tổ chức trang trí, trưng bày cho lễ hội có những hình ảnh, những góc, những không gian hiện đại hơn trong một tổng thể tôn trọng âm hưởng truyền thống. Cũng nên nghĩ đến cả việc xây dựng những biểu tượng cho lễ hội… Hãy tạo điều kiện, mở nhiều cánh cửa để nghệ thuật tham gia nhiều hơn trong một lễ hội. Đó là một phương thuốc hữu hiệu chữa trị những tham, sân, si mà con người mang đến lễ hội; giảm bớt những tiêu cực lan tràn trong lễ hội hôm nay.

Đừng mới theo kiểu trước kia không có bán ấn thì nay thương mại hóa. Đừng dung túng cho những hiện tượng mới như trước chỉ giành nhau hoa tre với cách gọi ví von là “cướp lộc” thì nay tranh cướp kịch liệt và còn gây gổ, ẩu đả; thậm chí còn giành giật luôn cả hoa lộc trên ban thờ. Hoặc trước kia ít người, quan họ chỉ hát cho nhau nghe, nhất là không có phương tiện kỹ thuật, nên chỉ có hát không nhạc đệm, không loa đài. Nay quá đông người xem, nghe, ồn ào, không gian rộng, loãng, thời buổi hiện đại nên có loa, mic, đàn hỗ trợ. Nhưng biết dừng, biết đủ, biết tính toán thì vừa, chứ nhiều khi nhạc to đến mức như cãi nhau, lấp cả tiếng hát, người hát lại ỷ vào nhạc đỡ giọng nên những kỹ thuật ca hát độc đáo cũng bay biến. Đừng mới như những chiếc cổng phao bơm căng tròn với nhiều khúc màu, dẫn vào lễ hội, trên có hai con rồng “mập” với ngọn lửa “béo” ở giữa, nhìn trông kỳ cục chứ không thấy trang trọng, không thấy thiêng liêng. 

Những cái mới đó là những… “mới thô thiển”, “mới thảm họa”!

Xuyên Sơn