Lặng nghe vang vọng cổ đồ

16:26 | 27/02/2015

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cứ mỗi độ xuân về, ấy là khi nhà sưu tập ung dung nhìn thế cuộc đặt những hiện vật cổ kính chứa dày trầm tích thời gian bên hoa mới tinh khôi trong căn phòng nhỏ còn cố níu giữ nét truyền thống của họ tộc. Họ âm thầm muốn dựng lại một không khí xuân vương giả giữa lòng Hà Nội của hôm nay đang cuồn cuộn thay đổi.

Năng lượng Mới số 400

Ông Ngô Mạnh Cường ở phố Châu Long kể, xưa các cụ mùa nào thức nấy, bày đồ theo thời tiết. Hè nóng để đồ màu lạnh, mát, xanh, trắng, hồng... thoáng đãng. Đông buốt giá dùng đến đồ màu ấm đỏ, vàng, nâu… cho cả căn phòng như hẹp lại, kín đáo, gần gũi. Như ông Cường nhớ dông dài về ông nội mình, bố mình và những bằng hữu, các cụ có chiếc tủ cất đồ, chọn cái nào thì mới lấy ra, thay đổi thế nào đồ tạm không bày thì lại cất vào đấy, cho có sự luân chuyển, nhìn căn phòng lâu lâu phải mới, phải khác, nhưng cũng phải tinh, chứ không xô bồ đem hết bình, bát, ấm, lọ, đỉnh đồng, đôn sứ… ra mà xếp thì lại thành ra khoe của, thành giống cái anh trọc phú ngay. Ông Cường nói nhỏ đủ nghe: Như kiểu bày sập gụ, tủ chè, có bộ tam đa mà sau này ta hay gặp ấy, thì ngày xưa các cụ gọi là bày đồ kiểu tổng lý, phổ biến ở nhà mấy ông cường hào nông thôn ngày xưa cho đến sau này nhiều người… bắt chước. Bày thế để quanh năm cũng được. Còn đã sưu tập, cất công tìm kiếm đến mức gọi là “cưới được cô thiếp về”, thì đã độc đáo, hiếm, lạ, mà còn phải biết khéo léo chỉ ra cái sự độc đáo, hiếm, lạ của “cô thiếp” ấy trong cả một dàn cao thấp, lớn nhỏ, thô tháp và mịn màng... nhưng đều là những “thiếp yêu”. Cái đó, người chơi ở Hà Nội xưa là tinh lắm!

Nhà sưu tập Nguyễn Trường với một chiếc bát men nâu

Ngày trước, mấy cụ thuộc diện sành chơi thường là có cửa hàng ở phố, buôn bán được thì mới trường vốn mà chơi đồ, vì xưa chơi là hay mua vào để thưởng lãm chứ ít khi nhằm bán như bây giờ. Có nhà hàng bán ở tầng một, tầng hai chuyên để bày đồ, tiếp khách. Có người cửa hàng một phố, nhà ở một nơi, bày đồ, đón bạn, thưởng đồ cũng ở đấy.

Xuân gửi vẻ uy nghi, sang trọng vào căn phòng cổ ngoạn đã được ông chủ rón rén từng chút một với những món đồ, từng cành cây nhỏ đương nụ, mỗi giò hoa ướt nước. Chiếc bàn cuốn nâu bóng đặt sát với tường được bày lên lọ mai bình miệng nhỏ. Cành mai bông trắng nhỏ, phớt hồng thật mờ nhô ra nhưng vươn sang ngang sà ngay xuống, tạo thế huyền, thanh mảnh, uyển chuyển. Quả phật thủ được bày ở dưới, hoặc quả táo đỏ, hay quả lê vàng, cho màu nó “ăn” với nhau. Cũng có khi ở dưới hoa là bức tượng nhỏ ông Lý Bạch đang say hay ông Lưu Linh ở tư thế lúc nào cũng đưa đẩy với thế gian. Gầm bàn là cả một khoảng trống, một con thiềm thừ được đặt vào đó. Con cóc ba chân ấy theo truyện xưa là hay nằm hít khói trầm của các tiên ông, các ông cũng hay đùa với nó. Bây giờ tượng của nó để ở đấy, cho hít khói trầm của các cụ lúc thưởng đồ, thưởng trà, mời rượu. Lọ, bình cũng có thể đặt trên chiếc kỷ nhị sơn. Dưới chân kỷ, đặt trên chiếc đôn thấp là một chậu tóc tiên xòe ra ôm lấy hòn lũa bé. Chiếc bàn tròn giữa nhà có cắm bình hoa với những bông cúc đại đóa, hoặc long trảo cúc, hay cắm đôi ba giò địa lan để mùi lan thơm ngát hòa vào khói trầm. Đóng mở cửa, hương thơm quý phái phảng phất vào không gian. Bình pha lê đặt củ thủy tiên trắng muốt đã gọt tỉa cẩn thận để ngắm nguyên bộ rễ. Cành đào bu gà nhỏ cắm lọ trên ban thờ đã bao sái kỹ càng giờ đang hiện lên cả một bộ những chạm trổ, họa tiết gỗ, đồng, sứ… bóng bẩy.  

Một chiếc lư gạch nung thời Nguyễn

Vậy là mùa xuân đã hiện ngự ở đây, trong tiếng người nhẹ nhàng, lẫn tiếng hoa tươi mới mở, hòa tiếng vô thanh từ những sắc vóc của hoa văn trên cổ đồ trăm năm và lâu hơn thế, đang âm thầm ngân vọng. Xuân về trong cuộc trò chuyện bên khói trầm thong thả, trong phút lặng lẽ thành kính trước ban thờ. Lúc này đăm đăm vào đôi tay dâng nén nhang lên lư hương, lòng người lớp sau hướng vọng điều gì về những bóng hình xa xôi khuất nẻo? Nhà sưu tập Nguyễn Trường ở phố Quan Thánh ngẫm nghĩ, tâm linh người Việt đều gửi về đó nên người ta trân trọng chiếc lư hương. Và bởi nghĩ về những thời khắc trang trọng ấy của lòng người, nghĩ về chiếc lư hương như một biểu tượng thiêng liêng kết nối thế hệ hôm nay với hôm qua, ngày xưa nên ông Trường để nhiều công tìm về cho bộ sưu tập của mình những chiếc lư hương cổ. Thêm cả sự cuốn hút của những chiếc lư được tạo tác nhiều hình vẻ, dáng nét qua mỗi thời khác nhau. Khiến cho người ta khi ngồi bên cổ đồ nay không còn thực hiện chức năng thờ cúng, mà đã như một hiện vật trưng bày thì lòng người thưởng lãm vẫn dâng lên niềm trân trọng tài khéo của nghệ nhân xưa.

Một chiếc lư gốm thời hậu Lê bề thế, tạo tác tinh xảo với nhiều tầng hoa văn sắc nét, từ rồng mây, đến hạc rùa, mặt hổ phù và chuỗi cánh sen, được gắn khéo léo theo thân lư chia ra phía trên dạng chữ nhật, phía dưới vồng ra tạo thế vững chãi. Chiếc khác cuối Lê, ba chân thấp, miệng loe tròn như cái bát, trông giản dị, “bình dân” hơn với màu nâu sậm mộc mạc, giản dị, được gắn kết uyển chuyển hai tầng hoa văn chạy liên tiếp quanh thân như những cánh sen đang tỏa ra. Ở tầng dưới, những cánh sen với đường xoáy tròn mềm mại được đắp nổi hẳn lên, rõ nét, gợi nhớ đến những tay vịn đầu lan can nhà chùa được tạo hình búp sen bắt đầu nở. Chiếc khác thời Mạc thân cao, dáng tròn, càng thuộc dạng hiếm, có độ chuyển màu tự nhiên giữa những mảng vàng ngà với sắc lam. Các hoa văn trang trí khá dày nhưng không lặp lại mà được thể hiện khá thoải mái…, như có gửi cả những nghĩ suy ngẫu hứng của người thợ thủ công từ những trăm năm xa xưa khi đang tạo hình trên những khuôn mẫu. Lan man chuyện lư hương trong ngôi nhà cổ vật cất chứa đầy những ký ức, những dáng nét văn hóa còn lung linh của ông Trường, ngắm nghía hàng chục chiếc mà lư nào cũng gợi cái tài về bố cục, tạo hình, cách phủ men, nung gốm của người xưa khiến người hôm nay thấy còn phải học hỏi nhiều.

Một chiếc bình pha lê đựng thủy tiên được ông Cường lưu giữ lâu năm

Phố Quan Thánh gió những ngày đầu năm mới đang giao mùa ấm lạnh. Quán cà phê nhỏ khiêm nhường, nơi nhà sưu tập lão làng, một người của những phố phường Hà Nội cũ đang đợi khách, chờ bạn theo lời hẹn. Nhận được lòng chân thành của ai đó mới đến tìm mình, nhà sưu tập say mê mở cánh cửa dẫn về những thời, những lớp văn hóa xa xưa để cùng chia sẻ vẻ đẹp của những món đồ được nâng niu, trân quý qua nhiều thế kỷ, có thể đã đi qua bàn tay sở hữu của nhiều người, nhiều đời và lâu nay đến lượt ông gìn giữ. Năm mới sắp về, lắng nghe người yêu cổ ngoạn rì rầm câu chuyện nhỏ, lắng nghe cổ vật như chuyển mình ngân vọng. Những lời kể qua trăm năm, ngàn năm âm thầm lòng đất, men phai gốm rạn, gỉ đồng xanh phủ mặt đồng thô. Những lời kể về tay người gìn giữ như gia sản trân quý, như tâm hồn chính mình quyến luyến vàng son xưa cũ. Những lời kể qua biến thiên thời cuộc, nhà tan, người mất, cuộc sống đổi thay, nhưng có những cổ đồ còn lại làm chứng vật của cả cộng đồng.

Mùa xuân đang tỏa trên cánh đào phai mới chuyển về từ bãi phù sa ven sông lớn, cắm trong chiếc bình gốm hoa nâu im lặng.

Xuyên Sơn