Đạo diễn Thanh Vân: “Chúng ta đừng ảo tưởng về phim Việt!”

06:56 | 10/07/2013

1,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đạo diễn Thanh Vân khẳng định chất lượng phim Việt đang đi xuống vì Nhà nước bận làm phim kỷ niệm, tư nhân bận làm phim kiếm tiền, mặc dù mấy năm gần đây phim Việt được chiếu suốt bốn mùa chứ không chỉ còn trông vào phim tết. Thậm chí, khi mang phim ra nước ngoài nhiều khi rất ngượng vì bị coi là “hàng nhái”. Vì vậy, “nhiều” về số lượng không hẳn là tin vui, mà càng bộc lộ rõ cái thiếu và yếu của nền điện ảnh nước nhà. Một trong các nguyên nhân điện ảnh trong nước ngày càng yếu kém là do không có môi trường tốt để phát triển. Môi trường sạch, rộng thì con cá lớn; môi trường đục thì con cá khỏe bỏ đi, con cá yếu ớt không lớn được. Đó cũng chính là căn nguyên của một nền điện ảnh nghèo nàn hiện tại. Phóng viên PetroTimes đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn phim “Đời cát” nhân Dự thảo Luật Điện ảnh được đưa ra.

Chưa có niềm tin vào nền tảng đào tạo về điện ảnh

PV: Rất nhiều người có ý kiến “Dự thảo Luật Điện ảnh”mới chỉ mang tính chính sách, thiếu thực tiễn và khó đi vào đời sống. Cá nhân anh có ý kiến gì?

Đạo diễn Thanh Vân: Thực ra, ở mức chiến lược, trong dự thảo người làm luật chỉ vạch ra những cái phác đồ chính. Tôi nghĩ từng hạng mục trong đó phải có sự triển khai cụ thể hơn. Khi vạch ra phác đồ như vậy đương nhiên mọi người sẽ khó hình dung nên sẽ thấy những mâu thuẫn. Đơn cử như việc đến năm 2020 tỷ lệ chiếu phim Việt Nam là 40% nhưng khi đó hạn mức nhập phim không có tối đa là bao nhiêu. Có thể năm nay là 100 phim, năm sau là 150 phim, thế thì con số 40% này nó sẽ đuổi theo con số 100 phim hay 150 phim? Vì vậy tôi nghĩ dự thảo phải có giải pháp đồng bộ và cụ thể hơn.

Mọi người hay quan tâm về chỉ tiêu, như đến năm 2020 thì phải là hàng đầu Đông Nam Á, đến năm 2030 thì là hàng đầu châu Á chẳng hạn. Điều đó là không nên. Vì khi đặt ra kế hoạch nào ta cũng phải căn cứ vào nền móng và cơ sở, trên nền tảng căn bản về công nghệ, con người. Có rất nhiều vấn đề liên quan tới điều đó, bản thân các nước trong khu vực cũng có sự tiến bộ không ngừng qua thời gian.

Đạo diễn Thanh Vân

Nói tới điện ảnh là nói tới công nghệ và con người. Đối với cá nhân, tôi quản ngại nhất là lực lượng sáng tác rất mỏng, rất trống. Như tôi đây, ở cái lớp tạm gọi là có một chỗ đứng, có vị trí trong công cuộc phát triển điện ảnh, nhưng nhìn thấy phía sau rất trống vắng. Đối với các hãng phim Nhà nước đã thế rồi, còn đối với hãng phim tư nhân thì lúc được lúc không, năm nay thế này, năm sau thế kia. Nó không thành một mặt bằng, một sự phát triển rõ ràng mà mới dừng ở mức dựa trên một số cá nhân và cá nhân đấy cũng không có sự liên tục. Họ có thể làm một bộ phim nghệ thuật rất tốt, nhưng sau đó vì khán giả, vì doanh thu, họ lại làm một bộ phim để mục đích chính là kiếm tiền. Tôi không hề thấy có sự phát triển về mảng nhân lực.

PV: Căn nguyên cũng là ở con người. Sự thực là khoảng 10 năm lại đây điện ảnh không hề thấy có sự phát triển về mảng nhân lực, ông có nhận thấy điều đó?

Đạo diễn Thanh Vân: Để có bất kỳ mục tiêu nào, nhân tố đầu tiên phải là con người. Những người học điện ảnh hoàn toàn có tư duy là phải đi học ở nước ngoài theo mô hình rất rõ ràng và đem lại hiệu quả rõ ràng. Như Hàn Quốc, họ cử người đi học cách đây 10-15 năm rất nhiều và thế hệ đấy đang là nền tảng cho điện ảnh Hàn Quốc ngày nay. Chúng ta chưa nhìn thấy việc đó, chúng ta đào tạo ở những trường điện ảnh trong nước rất nhiều và chúng ta thống kê được số người được đào tạo đạo diễn rất rõ, nhưng thống kê người ra để hành nghề thì không thống kê được. Chúng ta đào tạo ở mặt bằng rộng nhưng thiếu chiều sâu. Tức là những người học tốt nhất ở điện ảnh trong nước hoặc có những phim ngắn được chú ý thì hãy tạo điều kiện cho họ phát triển sâu hơn nữa. Chứ không chỉ le lói ở những phim ngắn nhưng sau đó vì công việc sẽ về truyền hình vì lương ổn định hơn, làm phim truyền hình thì cũng sẽ có tiền hơn thành ra thời gian để ấp ủ các dự án lớn cho điện ảnh hầu như không tăm tích.

Nói một cách công bằng tôi cũng chưa thấy có cơ chế nào tạo cho họ một động lực để làm được phim điện ảnh tử tế và tạo ra làn sóng. Nhưng nói gì thì nói, việc khẩn cấp nhất bây giờ cần làm là đưa người đi đào tạo. Với cơ sở vật chất của ta hiện nay thì không thể làm được, nền tảng giáo dục đào tạo về điện ảnh như hiện nay thì tôi chưa có lòng tin.

PV: Tôi còn nhớ tại Đại hội Điện ảnh năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng phát biểu đồng ý cho điện ảnh xây dựng đề án cử người đi học ở nước ngoài. Tại sao việc đưa người đi đào tạo lại trở nên khó khăn như vậy?

Đạo diễn Thanh Vân: Vấn đề này phải hỏi ở các cấp quản lý cao hơn. Là người làm nghề tôi nhận thấy, trước hết công nghệ phát triển rất nhanh, nếu có tiền, có kinh phí thì có thể mua máy móc, công nghệ đổi sang kỹ thuật số. Nhưng vấn đề là người sử dụng công nghệ đó. Hiện tại, đó là một khoảng cách rất rõ ràng.

Nếu ngay trong năm sau, Nhà nước cấp kinh phí, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa hoặc các cơ sở điện ảnh đưa được một thế hệ đi học tử tế, học ở Hollywood, ở Nga, ở Anh… hoặc ở đâu đấy, với số lượng có thể hàng trăm người thì khi đấy mới tính đến vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực. Vì cách đây mấy chục năm điện ảnh đã làm được như vậy. Tôi nghĩ thế là vừa đủ, chứ dùng từ hàng đầu thì làm cho chính người trong nghề cũng cảm thấy phân vân.

PV: Đó là điều tôi rất muốn hỏi, cách đây hàng chục năm, điện ảnh Việt đã từng được “xem trọng” với những bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Con chim vành khuyên”, “Cánh đồng hoang”… sau này thì có “Sống trong sợ hãi”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Đời cát”… Nếu làm một phép so sánh thì bây giờ điều kiện đã tốt hơn, vậy thì nguyên do nào khiến chúng ta trở nên thụt lùi so với trước?

Đạo diễn Thanh Vân: Vấn đề ở đây là môi trường có tính nghề nghiệp. Các bạn trẻ hiện nay có môi trường tốt, ít nhất là tốt hơn thời trước. Thời của tôi học, sự giao lưu với điện ảnh thế giới rất ít, chủ yếu với Nga, thậm chí 10-20 năm sau khi ra trường mới được tiếp cận những nền điện ảnh khác. Bây giờ các nhân tố trẻ có thể tiếp cận điện ảnh thế giới ngay từ trên ghế nhà trường. Nhưng còn một môi trường nữa mà các bạn phải hướng đến là giá trị vật chất hay giá trị tinh thần hoặc là cân bằng giữa hai điều đấy. Trước đây thì tinh thần toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn, có điểm đích rõ ràng hơn, còn bây giờ thì thật khó.

Cảnh trong phim "Cánh đồng hoang"

PV: Thực tế thì vẫn có những bộ phim do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất khá là hay nhưng lại luôn chật vật trong việc tìm đến với công chúng?

Đạo diễn Thanh Vân: Điều này liên quan đến một cơ chế rất rộng: xuất nhập khẩu, phát hành. Hiện nay tỷ lệ ăn chia ở phim chiếu ra rạp khoảng 50/50, trong khi một phim nhập khẩu chỉ mất 10% thuế và họ được thu lời trọn vẹn. Chưa nói phim nhập thường được chọn lọc, đa số là phim hay hoặc phim “bom tấn”. Và như thế, xu thế nhập vẫn lãi hơn là chiếu phim cho các hãng. Chưa kể, những phim Oscar mua giá cao hơn nhưng phát hành có lãi, nhất là có hệ thống rạp riêng. Vậy thì tội gì họ mời một đơn vị mà mình mất tiền đến tỷ lệ 50/50 mà lại không đảm bảo ăn khách.

Vì thế, chủ rạp cũng phải cân đối, nên mới đẻ ra chuyện chiếu giờ vàng. Ví dụ một phim Việt chiếu thứ Năm, thứ Sáu nhưng đến thứ Bảy, Chủ nhật đông khách thì lại không được chiếu tiếp với lý do, đã chiếu rồi nhưng ít người xem. Hay chiếu giờ vàng thì là phim họ nhập còn phim Việt chiếu sáng thì ai xem. Đây là một khâu tinh vi, nhưng suy ra thì cũng vì lợi nhuận, không thể trách ai được.

Phim Việt đang thụt lùi

PV: Có nhiều người cho rằng, trong vòng 2 năm trở lại đây, phim Việt (phim nhựa,  phim truyền hình…) đều kém so với giai đoạn trước. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Đạo diễn Thanh Vân: Đúng, gần đây, trong các liên hoan phim quốc tế thì phim Việt rất chới với. Thi thoảng có bộ phim được chú ý chỉ là phim ngắn hoặc phim đầu tay. Ngay cả liên hoan phim ở những khu vực nhỏ thôi, thì phim Việt cũng đang rất sợ bị lãng quên. Đấy là cái giá của việc xã hội hóa. Để cho các hãng phim tư nhân phát triển mạnh mẽ thì ưu thế của cơ chế này là đem lại rất nhiều màu sắc, đem lại được khán giả. Thế nhưng, các đơn vị tư nhân thường chỉ chú trọng tới vấn đề thu hồi vốn nên bỏ mất một việc là, đôi khi điện ảnh không phải chỉ thu vé, thu tiền mà còn là ngành nghệ thuật. Trong hạn mức nào đó thì nó còn được xem như là đại sứ ngoại giao mang tính văn hóa, chính trị… Hòa nhập giữa một ông chuyên bán kiếm tiền, một ông phục vụ nhiệm vụ chính trị ở thời điểm này hơi khó. May ra, đến một mặt bằng kinh tế phát triển hơn, thì  hai con đường sẽ gần nhau hơn. Còn thời điểm này là mong ước.

Cái khó của nhà quản lý là cân bằng được dòng phim có tính giải trí và dòng phim có tính văn hóa của người Việt, không chỉ với khán giả trong nước mà còn đối với quốc tế. Hiện nay, các phim có tính văn hóa, tính nghệ thuật có cảm giác không được Nhà nước quan tâm nhiều. Vì có thể Nhà nước đang làm nhiệm vụ chính trị nhiều quá, đang hơi chú trọng tới dòng phim lịch sử, cách mạng, lãnh tụ. Thực sự, dòng phim này cũng rất cần, nhưng cái tôi muốn nói tới là sự cân bằng và tỷ lệ cho sự phát triển. Trước đây, chúng ta cũng có những dòng phim này nhưng cũng có những phim mang đậm tính tác giả, nhân văn.

PV: Thực tế thì lực lượng người làm phim cũ, từng có giải thưởng quốc tế, ghi được dấu ấn vẫn còn chứ chưa hết hẳn. Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến bây giờ chúng ta không làm được ra những bộ phim hay mang tính thời đại?

Đạo diễn Thanh Vân: Có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cục Điện ảnh bị mất số tiền khá lớn. Việc này rất quan trọng vì chỉ cần 4 tỉ đã làm được một bộ phim nhựa tử tế. Việc mất 43 tỉ là mất một số tiền rất lớn. Và vì thế cần phải có thời gian. Tôi tin là người quản lý họ nhìn ra hết nhưng chưa thể làm được ngay.

Điện ảnh cũng đang chuẩn bị làm nhiều phim gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước cho lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 40 năm Giải phóng Sài Gòn, như vậy là thời điểm này bị mất cân đối, ưu tiên làm phim kỷ niệm. Hy vọng sau một thời thời gian nữa sẽ xuất hiện dòng phim tác giả. Và hy vọng sau năm 2015 trở lại đường đi sẽ cân bằng hơn.

Năm nay Hãng Phim truyện làm 2 phim kỷ niệm, một phim về Bác Hồ và một phim về Điện Biên Phủ. Chưa thấy thấp thoáng đâu phim nghệ thuật. Trước đây mỗi năm hãng làm 10 phim thì phim mang tính xã hội cũng có tỷ lệ tốt, nhưng bây giờ lượng phim quá ít thì phải tập trung cho những sự kiện lớn điều đó quả là thiệt thòi. Đặc biệt các bạn trẻ khó có cơ hội khẳng định mình.

Đạo diễn Thanh Vân trên trường quay

PV: Nhìn thẳng sự thật thì ông thấy điện ảnh Việt đang thiếu và yếu ở khâu nào nhất?

Đạo diễn Thanh Vân: Theo tôi, hiện nay điện ảnh Việt thiếu và yếu nhiều. Không thể đổ riêng cho kịch bản hay đạo diễn, mà lỗi ở tất cả các khâu. Quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp không cao. Một số phim có xu hướng hơi nhái điện ảnh Hàn Quốc và Hollywood, không có tính thuần Việt. Còn bộ phận khác có tính chính trị xã hội thì lại hơi cũ, na ná như nhau, thiếu cá tính. Mà sự cá tính, sáng tạo và cái mới chỉ có thể hy vọng ở các bạn trẻ. Tiếc là đạo diễn trẻ chỉ chú ý vào phim đầu tay. Họ tìm được ngôn ngữ mới, nhưng họ không đi tiếp được ở con đường dài hơi hơn, đây là lỗi ở đào tạo chiều sâu.

Nhiều đạo diễn trẻ bây giờ cứ muốn học theo nước ngoài. Đồng ý là học nhưng bộ lọc phải có trình độ thẩm mỹ, học vấn và văn hóa mới đem lại cái gì đó là Việt. Những phim như: “Chị Tư Hậu”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... tính thuần Việt rất cao nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng đấy chứ. Hiện hiếm có đạo diễn nào làm được hay như thế. Trước đây phim Việt Nam ngô nghê nhưng rất Việt Nam và vẫn được trân trọng, nhưng ngày nay thì lai căng nhiều. Bảo tìm một phim Việt gần đây thuần chất Việt và có thành tựu thì rất khó tìm.

Có một thực tế mà điện ảnh Việt đang phải đối mặt là khi mang phim ra nước ngoài rất ngượng vì họ biết là hàng nhái không cho chiếu. Còn những phim cách mạng Việt Nam thì cũng không được lựa chọn vì thực sự hiện nay phim làm về chiến tranh không tốt hơn ngày xưa.

PV: Hiện cả phía nam và phía bắc cũng đã xuất hiện những tên tuổi đạo diễn trẻ có tài. Thế nhưng, trong số họ hầu như không ai là người Nhà nước?

Đạo diễn Thanh Vân: Thứ nhất là lớp trẻ hiện nay ra trường không đủ kiên nhẫn để về Hãng Phim truyện với đồng lương ít ỏi, số lượng phim truyện 2-3 năm nay thì không có gì hay ho, mới mẻ. Họ không đủ tin tưởng vào con đường lựa chọn của mình.

Trước kia, khi tôi về đây, 5-10 năm phải đi làm phó là chuyện bình thường, còn các bạn trẻ hiện nay ra trường có xu hướng hòa nhập rất nhanh, mà truyền hình lại là mảnh đất màu mỡ. Cũng không thể trách vì họ muốn làm nghề. Trước mắt là nuôi sống bản thân rồi đến gia đình vợ con. Khi tôi vào nghề, điện ảnh lúc đó là nghề sang trọng, có thể nói là thu nhập khá, có khi còn cao hơn mặt bằng chung, nhưng bây giờ thì đang ở mức dưới trung bình. Vậy thì đương nhiên với các bạn trẻ nhất là bạn trẻ giỏi lại càng không bao giờ muốn về Nhà nước. Họ không đủ kiên nhẫn đợi 5-10 năm mới có một bộ phim đầu tay.

Xu thế đó ta buộc phải chấp nhận. Khi nào điện ảnh được tôn vinh, được coi là được nghề sang trọng thì người ta sẽ lại đến với điện ảnh, quan trọng nhất là phải đảm bảo mức nuôi sống được bản thân.

PV: Vậy với nền tảng thiếu và yếu như ông đã phân tích thì đến năm 2020 phim Việt liệu có tiến được bước nào không, thưa ông?

Đạo diễn Thanh Vân: Điều này chỉ có thể là võ đoán. Vì biết đâu, bất ngờ có một cá nhân xuất sắc thì sẽ có thành tựu. Nhưng nếu đường dài thì hiện nay tôi không có lòng tin, không có cơ sở để năm 2020 mình sẽ làm nên điều gì. Bởi mặt bằng điện ảnh Việt Nam đang rất manh mún, lõm bõm. Tôi chỉ hy vọng là điện ảnh Việt sẽ có một vị thế, tức là được chú ý, được trân trọng.

PV: Tựu chung lại, để Việt Nam có vị thế ở Đông Nam Á, ngoài việc đào tạo thì điện ảnh Việt cần những bước đi như thế nào?

Đạo diễn Thanh Vân: Thực ra, câu hỏi này dành cho nhà quản lý nhưng tôi vẫn nhấn mạnh đào tạo con người. Và  môi trường rất quan trọng. Môi trường văn hóa chính trị, môi trường điện ảnh. Tôi chỉ kể ra đây một ví dụ của nền điện ảnh như Iran. Đất nước Iran không biết phim Hollywood là gì. Muốn xem phim nước ngoài thì sang nước ngoài mới xem được. Đâm ra họ không có ảnh hưởng gì cả, bao giờ xem phim Iran cũng biết đó là phim Iran. Tất nhiên, môi trường cực đoan cũng không phải là cái chúng ta theo được. Nhưng phải biết rằng, môi trường sạch, rộng thì con cá lớn; môi trường đục thì con cá khỏe bỏ đi, con cá yếu ớt không lớn được. Nguyên tắc là như thế.

Và với một nền tảng này thì chúng ta đừng ảo tưởng. Tôi thì chỉ mong muốn trong thời gian tới chúng ta làm được những bộ phim thực sự tốt, ít nhất để đi đến các liên hoan phim khu vực thì chúng ta vẫn có được sự cân bằng, không quá xa lạ, thụt lùi so với ho, vẫn còn mang tiêu chí là tác giả và tiệm cận với xã hội đương đại này.

PV: Xin cảm ơn đạo diễn!

Thái Linh - Thanh Huyền (thực hiện)