Quy định về phong tặng danh hiệu nghệ sĩ:

Cần hiểu nghệ sĩ

07:43 | 01/06/2013

1,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bộ VH-TT&DL đang tiếp nhận góp ý cho dự thảo nghị định “Quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT)”. Điều đáng bàn là đã qua nhiều kỳ xét tặng danh hiệu, nhưng dự thảo này xem chừng lại chưa thật sự rút kinh nghiệm từ những bất cập nảy sinh trong thực tế. Có khá nhiều quy định trong dự thảo, nếu áp dụng vào việc xét tặng sẽ gây khó khăn và thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Nên tăng quyền lợi

Liên quan đến vấn đề quyền lợi của nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu, tiếp tục thấy dự thảo không có cải tiến gì so với những quy định trước đây.

Dự thảo nêu: “Người được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, kèm theo tiền thưởng và được hưởng các quyền lợi quy định tại khoản 3 Điều 73 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng”.

Các nghệ sĩ được phong danh hiệu NSND năm 2012

Theo đó, tiền thưởng cho danh hiệu NSND là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung và 9,0 với danh hiệu NSƯT.Như vậy thì ngoài huy hiệu, bằng chứng nhận và tiền thưởng, các nghệ sĩ được phong tặng không có quyền lợi gì sau khi nhận danh hiệu vinh dự này. Trong khi rất cần các chế độ đãi ngộ, hình thức động viên thỏa đáng hơn để ghi nhận những thành quả đã có và khuyến khích nghệ sĩ tiếp tục nhiệt tình sáng tạo, cống hiến. Một nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSƯT, NSND, nên được tăng lương trước thời hạn nếu đang công tác. Còn nếu đã nghỉ hưu thì được cộng thêm một khoản nhất định tính theo lương cơ bản vào số lương hưu lĩnh hằng tháng. Điều này càng ý nghĩa khi bao năm qua, các nghệ sĩ vốn chịu nhiều thiệt thòi về chế độ lương, thưởng, luyện tập quá thấp, quá “bèo” so với công sức.

Ngoài ra, các nghệ sĩ vốn đã ở trong biên chế hoặc đã ký hợp đồng với đơn vị nghệ thuật của Nhà nước, đều đã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Còn các nghệ sĩ tự do thì không. Nên tạo điều kiện cho nghệ sĩ tự do được bảo hiểm y tế khi được phong tặng NSƯT, NSND. Những quyền lợi như thế cần được bổ sung, quy định rõ trong dự thảo để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sau này.

Đừng bỏ rơi nghệ sĩ tự do

Nhiều lần phong tặng danh hiệu nghệ sĩ những năm qua, chủ trương đúng và tích cực của ngành văn hóa là “mở cửa” đối với các nghệ sĩ ngoài công lập, nghệ sĩ tự do, tạo điều kiện cho họ cũng được đề đạt, xét và tặng danh hiệu như các nghệ sĩ công lập. Nhưng chủ trương là vậy, còn các văn bản lại chưa thật quan tâm, tạo điều kiện cũng như chưa mấy thể hiện tinh thần hỗ trợ, động viên lực lượng nghệ sĩ này. Trong khi đây là những người ít có điều kiện tham gia các kỳ cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật và như vậy cũng ít có cơ hội gặt hái các huy chương, giải thưởng.

Ví dụ, những năm qua, khi diễn ra một số cuộc liên hoan kịch nói hay thi tài năng sân khấu trẻ ở phía bắc, phần nhiều các đơn vị kịch xã hội hóa ở TP HCM đã không thể tham dự được, một phần chính do không thể đủ kinh phí đi lại, ăn ở cho diễn viên. Rồi nếu không có liên hoan ảo thuật toàn quốc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức đến lần thứ hai thì các nghệ sĩ ảo thuật tự do hiếm có cơ hội thi tài, cọ xát với các đồng nghiệp. Còn trong các liên hoan ca múa nhạc toàn quốc thì bên cạnh con số đông đảo của các ca sĩ, nhạc công, diễn viên Trung ương, tỉnh thành, lực lượng, có thể tìm đâu ra những gương mặt nghệ sĩ tự do?…

Khó khăn là thế với các nghệ sĩ không được hưởng “bầu sữa mẹ”, trong dự thảo lại không nói đến việc các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập có được phép thành lập hội đồng xét tặng cấp cơ sở hay không? Và cũng theo dự thảo, hội đồng cấp cơ sở có thể là các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật cấp tỉnh và Trung ương, nhưng lại không nói rõ các hội đồng này có chịu trách nhiệm tiếp nhận và xét hồ sơ của các nghệ sĩ tự do thuộc địa phương hoặc lĩnh vực của mình hay không?

Sao chỉ “quý” mỗi “vàng”?

Một trong những bất cập của dự thảo còn thể hiện ở việc “tuyệt đối hóa” các giải Vàng, từ Bông sen Vàng cho đến Cánh diều Vàng, các huy chương Vàng (HCV) và giải A mà không nhắc gì đến các giải Nhì, giải B và huy chương Bạc (HCB). Dự thảo chỉ lấy vàng làm chuẩn và cơ sở quy đổi. Và như vậy, các HCB, các giải Nhì, giải B không được xem là tiêu chí để xét danh hiệu cho nghệ sĩ. Thực tế những lần xét tặng danh hiệu trước, các giải Nhì, giải B hoặc HCB được tính như một phần của giải Nhất, giải A hoặc HCV khi quy đổi. Còn trong tương lai, có khả năng sự linh hoạt này sẽ không được vận dụng.

Theo dự thảo thì khi một tác phẩm được HCV, giải Nhất, giải A, các thành phần tham gia sáng tạo tác phẩm đó sẽ được hưởng quy đổi. Ví dụ trong lĩnh vực múa, với tác phẩm đoạt HCV, giải Nhất, giải A của hội diễn, liên hoan, cuộc thi toàn quốc do Bộ VH-TT&DL tổ chức, biên đạo múa coi như được 1 HCV, chỉ đạo nghệ thuật và diễn viên chính được 1/2 HCV. Hoặc trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, một bộ phim được Bông sen Vàng thì đạo diễn cũng được “1 sen Vàng”, họa sĩ chính được “nửa sen Vàng”, còn người thiết kế ánh sáng được… “1/4 sen Vàng”.

Tạo điều kiện ghi nhận các cá nhân chính thuộc các thành phần sáng tạo nên một “sản phẩm vàng” là cần thiết. Nhưng việc chỉ quý “vàng” cho thấy bất cập ở chỗ, các “phần thưởng vàng” như trên, có thể được “xẻ” ra đến tận 1/3, 1/4 khi quy đổi, chẳng lẽ các “tác phẩm Bạc”, sản phẩm xếp thứ nhì trong một liên hoan, cuộc thi, hội diễn lại không đáng “vun vào” một chút gì cho danh hiệu của nghệ sĩ hay sao? Nên có hình thức quy đổi hợp lý để các giải Nhì, giải B, HCB cũng được “đưa vào tầm ngắm”, đỡ thiệt thòi cho họ.

Việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ sẽ được giới làm nghề quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng khi cùng với mục đích tôn vinh, nó phải tạo được sự thuận tiện, nhanh gọn trong việc giúp họ làm các thủ tục liên quan. Cũng như phải thể hiện được sự ghi nhận xứng đáng đối với tài năng, công sức của nghệ sĩ. Nếu nghị định, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện các  hoạt động xét tặng và đãi ngộ nghệ sĩ còn nhiều bất cập, còn thiếu sót hay chưa rõ ràng, chưa bao quát hết thực tế hoàn cảnh, điều kiện của các nghệ sĩ thì họ sẽ gặp lúng túng, sẽ dễ nản lòng khi đề nghị xét tặng danh hiệu cho mình.

Các nhà soạn thảo nghị định “Quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT” cần điều chỉnh khá nhiều quy định trong dự thảo, sao cho nghị định trong tương lai tránh được những “nguy cơ” trên. Việc xét tặng danh hiệu là vì nghệ sĩ, cho nghệ sĩ nhưng sâu xa cũng chính là của nghệ sĩ nữa. Vì thế vị trí, vai trò, tiếng nói và nguyện vọng của họ cần được lắng nghe và đề cao hơn trong văn bản này.

Dự thảo cũng bộc lộ thiếu sót khi không nêu ra đủ một số giải thưởng có tính chất truyền thống. Theo dự thảo, giải Cánh diều Vàng là giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam, được đưa ra để xem xét, nhưng lại không nhắc gì đến các giải thưởng hằng năm của các hội nghề nghiệp khác như sân khấu, múa, nhạc. Đây đều là các giải thưởng tương đương nhau về ý nghĩa, tính chất, là sự tôn vinh hằng năm của mỗi hội nghề nghiệp, chúng cần phải được thể hiện một cách bình đẳng. Liệu có phải do hằng năm, lễ trao giải Cánh diều được tổ chức hoành tráng, truyền hình trực tiếp, được đông đảo công chúng và nhà quản lý biết đến mà những người soạn dự thảo đánh giá giải thưởng này cao hơn giải của các hội khác?


Lê Chi