Ca sĩ Đức Tuấn: “Còn do dự còn khó ra biển lớn”

11:00 | 31/07/2013

1,840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là ca sĩ nổi tiếng và luôn có những trăn trở về việc đưa nhạc Việt hội nhập thế giới, ca sĩ Đức Tuấn cho rằng: “Với tâm lý chỉ làm theo đường mòn mà không có sự bứt phá như hiện tại thì giấc mơ vươn ra thế giới của nhạc Việt còn quá xa vời!”.

PV: Có phải anh đang tiếp tục nỗ lực mang nhạc Việt ra thế giới bằng cách hợp tác với đối tác sản xuất âm nhạc lớn của London không?

CS Đức Tuấn: Việc này cũng nằm trong hoạch định của Đức Tuấn bởi mình phải tự tìm lối đi cho mình thôi. Thực ra trước đây Tuấn cũng tự mày mò và có những dự án riêng, để muốn rằng mình được vươn ra với sự phát triển chung của âm nhạc thế giới. Hiện tại, Tuấn đang thương thảo với đối tác ở London, họ sẽ đào tạo Đức Tuấn thành một ca sĩ quốc tế. Ban đầu sẽ xâm nhập vào thị trường âm nhạc các nước châu Âu, sau đó là Mỹ. Làm được điều này, Tuấn phải đầu tư nhiều vào tiếng Anh, bởi ca sĩ Việt hiện tại hát tiếng Anh theo kiểu Mỹ nhiều hơn, còn tiếng Anh theo kiểu Anh thì rất khó.

Trong dự án này, nếu suôn sẻ Tuấn dự định sẽ đưa những ca khúc Việt Nam được dịch sang tiếng Anh vào. Như vậy, mới mong tiếp cận được với khán giả nước ngoài nhiều hơn. Nói gì thì nói rào cản ngôn ngữ vẫn lớn đối với âm nhạc ở Việt Nam.

PV: Chọn khởi điểm đưa nhạc Việt ra nước ngoài là thị trường âm nhạc lớn và sôi động như châu Âu, dường như đó là một sự lựa chọn quá khó và mạo hiểm. Anh có thấy thế không?

CS Đức Tuấn: Bản thân Tuấn thì thấy không có gì là mạo hiểm hay ghê gớm cả. Một công ty nước ngoài họ thấy mình có tiềm năng, có thể phát triển được ở thị trường đó thì họ đầu tư, còn mình thì đâu có lý do gì để không làm. Thành công thì ai cũng muốn, nhưng thất bại cũng không vấn đề gì cả. Việc gì mình làm cũng có giá trị riêng, không thành công thì cũng học hỏi được rất nhiều thứ.

Ca sĩ Đức Tuấn

PV: Công bằng mà nói thì giấc mơ đem nhạc Việt ra nước ngoài ở xứ ta còn khá xa vời, mặc dù trước nay rất nhiều nghệ sĩ đã từng có tham vọng đó. Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào?

CS Đức Tuấn: Muốn là một chuyện nhưng làm lại là một chuyện khác. Mọi người cứ nói là muốn nhưng làm thì đã ai làm đến nơi đâu? Xưa nay bằng cách này hay cách khác nhiều nghệ sĩ vẫn miệt mài đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài, đó là những tên tuổi như Mỹ Linh, Mỹ Tâm... Nhưng đó chỉ là muốn thôi. Những dự án đó không thành công là do không có thật. Bởi những album chủ yếu vẫn là tiếng Việt, chỉ phát hành ở Việt Nam hoặc có chăng thì phát hành ra nước ngoài với quy mô nhỏ, thậm chí tự phát thì làm sao có thể gọi là vươn ra thế giới.

PV: Nhận xét về một sản phẩm của diva Mỹ Linh được cô đưa ra nước ngoài, tôi nhớ có lần anh nói rằng, Mỹ Linh “làm chưa tới”! Vậy theo anh thế nào là làm cho tới và muốn làm cho tới thì phải làm thế nào đây, thưa anh?

CS Đức Tuấn: Chưa tới ở đây là gì? Tuấn không nói về mặt âm nhạc hay nghệ thuật, chỉ xét riêng về chất lượng đạt chuẩn âm thanh. Để vươn ra thế giới thì rõ ràng trước tiên phải đạt quy chuẩn về mặt âm thanh. Khi đạt chuẩn âm thanh thì sản phẩm của mình mới thâm nhập được vào thị trường quốc tế, được đặt lên kệ và bày bán ở nước ngoài. Còn về việc chị Linh thực hiện một cái gì đó ở tầm vóc quốc tế chưa thì tôi nghĩ là chưa làm nên không thể gọi là tới được. Chừng nào làm thì mới gọi là tới, nhưng ở Việt Nam mình chưa có ai làm.

Nói như thế không đồng nghĩa với việc tôi phủ nhận những cố gắng của các ca sĩ Việt trong các sản phẩm âm nhạc, nhưng thực tế chưa ai làm ra sản phẩm đủ chuẩn để vươn ra thế giới thì là như vậy. Làm việc với một nhà sản xuất âm nhạc nước ngoài nó khác với việc nhờ một người chuyên làm nhạc bên nước đó làm việc cho mình. Một nhà sản xuất âm nhạc không nhất thiết biết làm nhạc, họ chỉ biết người làm nhạc và họ điều khiển việc đó.

Tất cả những gì mình đang làm từ trước đến giờ là nhờ một người biết làm nhạc ở nước ngoài làm việc cho mình. Như album của Mỹ Tâm chẳng hạn, đi qua Hàn Quốc, nhờ người chuyên làm nhạc ở Hàn Quốc rồi đem về Việt Nam phát hành thì cũng vậy. Nó đâu có khác, chẳng qua là không làm việc với người Việt Nam, mà làm việc với người Hàn Quốc và phát hành ở Việt Nam mà thôi. Việc đó coi như chưa làm gì để đưa nhạc Việt ra thế giới cả. Muốn làm, phải ra nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc một thời gian trong môi trường đó, hát nhạc và bị chi phối bởi thị trường âm nhạc đó.

PV: Nói như anh thì tôi lo ngại rằng, nhạc Việt của chúng ta chưa hòa nhập vào thị trường thế giới nhưng đã hòa tan mất rồi?

CS Đức Tuấn: Không phải như vậy bạn à vì âm nhạc là không biên giới. Một khi đã là nghệ sĩ thì phải có sự cố gắng nỗ lực và hòa vào cái thế giới rộng lớn đó. Như cô bé Charice người Philippines, xuất thân trong một môi trường không được đào tạo bài bản nhưng cô bé vẫn đưa được âm nhạc của đất nước mình ra với thế giới. Giờ cô ấy thường xuyên hát nhạc Mỹ nhưng khán giả vẫn nhắc đến đó là một ca sĩ của Philippines.

PV: Vậy có thể tóm lại rằng, nếu làm một cách chuyên nghiệp thì sẽ phải đảm bảo về chất lượng là điều trước tiên?

CS Đức Tuấn: Nói gì thì nói, không chỉ riêng Việt Nam mà bất bất kỳ nước nào nếu muốn đưa âm nhạc nước đó hội nhập quốc tế thì cũng phải có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Và để làm được điều đó thì không thể “tự lực cánh sinh” được, đó là điều không tưởng và nếu tự làm tất cả cũng xem như bạn chưa từng làm gì!

Nhiều người cho rằng, nghệ sĩ Việt rất ít cơ hội tiếp cận với âm nhạc thế giới. Tôi không nghĩ như vậy. Với điều kiện công nghệ như hiện tại thì việc tiếp cận là dễ dàng ấy chứ. Chẳng qua là vì chẳng ai dám từ bỏ một cái gì đó cố định để xông pha ra nước ngoài, lăn lộn tìm những mối quan hệ để làm việc thôi.

PV: Thế theo anh thì những tồn đọng đang diễn ra ở nền nhạc Việt là gì?

CS Đức Tuấn: Nhạc Việt rất là hay, rất đặc biệt và cũng đặc trưng. Nhưng cách làm việc lại không có sự chuyên nghiệp. Người Việt mình cứ coi nghệ thuật là nghệ thuật chứ không có coi là một nghề chuyên nghiệp. Nói không ngoa chứ đa số là làm một cách nghiệp dư. Còn những người có chuyên môn thì họ cứ nghĩ rằng xa tầm với, nên cứ làm những thứ có sẵn, an toàn vậy thôi!

Cái cần là phải tìm ra nhà sản xuất nhạc chuyên nghiệp của thế giới. Nhưng sự mạnh dạn là không có, Tuấn dùng từ hơi nặng lời nhưng đúng là có khi phải “xin xỏ” họ, để họ để mắt tới mình, tạo cơ hội cho mình thể hiện. Bằng không, rất khó, cứ đứng “chờ sung rụng” thì con đường hội nhập còn lâu lắm!

Nghệ sĩ của ta vẫn còn chưa biết làm thế nào chứ không phải dè dặt. Những người mình biết có thể giúp được mình thì mình chưa được họ để mắt tới. Như thế bắt buộc để không bỏ cuộc thì phải đi những con đường chông gai hơn.

PV: Vậy theo anh, với hiện trạng này, anh kỳ vọng bao nhiêu năm nữa nhạc của ta có thể vươn ra nước ngoài?

CS Đức Tuấn: Điều đó còn phụ thuộc vào các công ty sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới, họ “vào” sớm thì ta có điều kiện sớm. Còn họ chưa có cảm hứng với âm nhạc và ca sĩ Việt thì ta còn phải đợi. Tôi đã nói, Việt Nam không thiếu người giỏi nhưng bản tính không thích mạo hiểm khiến người Việt cứ đi theo những lối mòn. Thế nên chúng ta chưa làm được những điều như các nước xung quanh đã làm.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Trúc Mai (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps