Washington và vụ nghe trộm chấn động nước Mỹ

06:40 | 15/06/2013

679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Washington Post số ra ngày 7/6/2013 đã tung ra một quả bom khi cho biết họ tiếp cận được một tài liệu cực mật, cho thấy CIA và FBI đang cùng các công ty Internet hàng đầu tại Mỹ phối hợp trích xuất đủ loại thông tin cá nhân, với mọi định dạng, từ âm thanh, video, hình ảnh, tài liệu, e-mail đến “nhật ký” kết nối mạng, để cung cấp cho Chính phủ Mỹ. Chương trình nghe trộm này có mật danh PRISM. Đứng sau chương trình nghe trộm này tất nhiên là Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA)…

Tài liệu Washington Post tiếp cận được cho biết NSA, trong gần 6 năm qua, đã thu thập hàng núi dữ liệu khi bí mật phối hợp với Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube và Apple. Một viên chức chính phủ đã xác nhận sự tồn tại chương trình PRISM nhưng nói rằng, họ chỉ nhắm vào người nước ngoài bên ngoài phạm vi Mỹ; và những dữ liệu liên quan công dân Mỹ, nếu có, chỉ là sự cố ngoài ý muốn. Vụ việc xảy ra không lâu sau khi giới chức chính phủ thừa nhận sự tồn tại một chương trình tương tự kéo dài 7 năm liên quan việc nghe lén điện thoại bên trong nước Mỹ. Với hãng điện thoại Verizon, họ nói rằng mình chẳng làm điều gì sai khi cung cấp dữ liệu cho chính phủ; trong khi đó, Google, Facebook và Apple lại bác bỏ hoàn toàn việc dính dáng chương trình PRISM.

Phát ngôn viên Google nói rằng công ty mình “không hề biết” về cái gọi là chương trình nghe lén đọc trộm PRISM. “Google luôn quan tâm sâu sắc về tính an ninh của dữ liệu người dùng. Chúng tôi chỉ tiết lộ dữ liệu người dùng cho chính phủ khi có yêu cầu và chúng tôi  luôn xem xét tất cả yêu cầu đó một cách thận trọng. Công chúng nghĩ rằng chúng tôi đã tạo ra “cửa sau” cho chính phủ thâm nhập vào hệ thống chúng tôi nhưng Google chẳng có “cửa sau” nào như thế” - đại diện Google nói.

Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đứng sau chương trình nghe trộm PRISM

Tương tự, Steve Dowling - phát ngôn viên Apple - cũng “ngây thơ cụ”: “Chúng tôi chưa từng nghe đến PRISM”… Phần mình, lãnh đạo đa số Thượng viện Harry Reid trấn an: “Mọi người nên bình tĩnh và hiểu rằng chuyện này chẳng có gì mới cả” và rằng chuyện thu thập dữ liệu cá nhân chỉ nhằm đối phó với khủng bố. Theo cùng cách, Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Dianne Feisntein cũng nói rằng chương trình PRISM là hợp pháp và nó luôn được Quốc hội xem xét lại 3 tháng một lần (Wall Street Journal 6/6/2013).

Cho đến nay, chỉ có hai tờ báo là tiếp cận được tài liệu mật liên quan các chương trình nghe lén nói chung của Mỹ. Đó là tờ Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh. Và đây cũng chẳng phải lần đầu tiên mà Washington bị tai tiếng với scandal nghe trộm công dân. Sau vụ khủng bố Mỹ 11/9/2011, NSA từng được Tổng thống George W. Bush chuẩn y (vào ngày 4/10/2001) thực hiện một chiến dịch nghe trộm quy mô và sự việc bắt đầu bị phanh phui vào năm 2006 với điều tra của tờ USA Today. Nhật báo này cho biết, chương trình rình rập của NSA thời điểm đó đã thu thập dữ liệu điện thoại hàng chục ngàn công dân Mỹ, được cung cấp với sự hợp tác của các hãng AT&T, Verizon và BellSouth.

Trong thực tế, các chương trình tương tự PRISM từng tồn tại suốt lịch sử tình báo Mỹ nói chung và NSA nói riêng. Theo Washington Post, từ thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay, có đến 100 công ty đã bí mật hợp tác để cung cấp thông tin cho chính phủ. NSA gọi những chương trình như vậy là “Các chiến dịch nguồn đặc biệt”; và chúng được triển khai thông qua các sắc lệnh đặc biệt. Để tránh bị kiện tụng, các hãng như Yahoo hay AOL phải có trong tay một “sắc lệnh” từ bộ trưởng tư pháp và giám đốc cơ quan tình báo quốc gia mới có thể mở hệ thống máy chủ cho “Đơn vị kỹ thuật thâm nhập dữ liệu” của FBI. Năm 2008, Quốc hội từng cho phép Bộ Tư pháp có quyền ra “tối hậu thư” yêu cầu một công ty nào đó hợp tác.

NSA và FBI có quyền truy cập trực tiếp hệ thống máy chủ của các tập đoàn Internet để lấy dữ liệu

Trong thực tế, công ty có quyền trì hoãn hoặc thậm chí kháng lại, đặc biệt khi luật sư công ty xem xét các yếu tố có thể gây ảnh hưởng dư luận và phản lại quyền lợi người tiêu dùng. Với một số công ty, họ không liều lĩnh đánh đổi uy tín thương hiệu để mất khách hàng. Tuy nhiên, với vài công ty khác, họ chọn con đường đứng về phía chính phủ, đặc biệt khi nhận thấy yêu cầu chính phủ là hợp pháp và chính đáng. Và thế là người sử dụng không hề biết rằng họ đang bị theo dõi nhất cử nhất động trên không gian mạng. Thời điểm hiện tại, theo NSA, mỗi tháng họ nhận được hơn 2.000 báo cáo liên quan PRISM (riêng năm 2012 là 24.005 báo cáo; tăng 27% so với năm 2011). Tổng cộng đã có hơn 77.000 báo cáo tình báo liên quan PRISM - một chương trình đang hoạt động với ngân sách 20 triệu USD/năm…

Với trường hợp Verizon, AT&T và Sprint (ba hãng điện thoại lớn nhất Mỹ), cứ mỗi lần công dân Mỹ gọi điện, NSA lập tức nhận được thông tin cho biết địa điểm cuộc gọi, số gọi đến, thời lượng cuộc gọi… Cần biết, AT&T có đến 107,3 triệu khách hàng di động và 31,2 triệu khách hàng điện thoại hữu tuyến; Verizon có 98,9 triệu khách hàng di động và 22,2 triệu hữu tuyến; trong khi Sprint có tổng cộng 55 triệu khách hàng. Một số công ty tỏ ra rất nhiệt tình hợp tác. Microsoft chẳng hạn. Dù slogan quảng cáo của công ty này hiện là “Sự riêng tư của bạn là quan tâm hàng đầu của chúng tôi” nhưng Microsoft chính là nơi đầu tiên mở “cửa sau” cho NSA lẻn vào từ tháng 12/2007, 2 năm trước khi ông Barack Obama vào Nhà Trắng (The Guardian 6/6/2013).

Tiếp đó là Yahoo vào năm 2008; rồi Google, Facebook và PalTalk 2009; YouTube 2010; Skype và AOL 2011; và cuối cùng là Apple 2012. Báo cáo cho biết có một sự “tăng trưởng mạnh” trong việc sử dụng chương trình PRISM nhằm thu thập dữ liệu: trong năm 2012, dữ liệu thu thập từ Skype tăng 248%; Facebook 131%; Google 63%... NSA còn đang tính thu thập dữ liệu từ công ty điện toán đám mây Dropbox! Cần nói thêm, hoạt động như một “ổ cứng” di động cho phép người sử dụng lưu dữ liệu trên “mây” và có thể truy xuất dễ dàng mọi lúc mọi nơi, Dropbox đang là một trong những công ty hàng đầu về lưu trữ clouding (điện toán đám mây). Với việc hàng triệu triệu người thế giới đang cất vô số dữ liệu trong các tài khoản Dropbox, có thể nói việc Dropbox hợp tác để mở cửa cho NSA thâm nhập và “nghiên cứu” kho dữ liệu cá nhân khổng lồ thật sự là điều đáng lo sợ đối với người tiêu dùng.

AFP cho biết phản ứng về vụ chương trình PRISM bị lật tẩy, người sáng lập trang WikiLeaks Julian Assange cho rằng, hệ thống tư pháp Mỹ đã bị tổn thương do "sự sụp đổ mang tầm thảm họa của chế độ pháp trị”.

Nguồn tin Báo Guardian mới đây cho biết, ngay cả Cơ quan An ninh Anh (GCHQ) cũng lấy thông tin tình báo từ chương trình PRISM của Chính phủ Mỹ. GCHQ đã tiếp cận với hệ thống PRISM từ tháng 6-2010 và đã đưa ra 197 báo cáo tình báo dựa trên thông tin từ PRISM.


Cao Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc