Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Vì sao Mỹ từ chối đề nghị hợp tác của Nga?

15:00 | 19/04/2015

2,244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đề nghị Mỹ hợp tác với Nga để xây dựng một thế giới dân chủ và an toàn hơn. Liệu đề xuất này của Nga có được Mỹ chấp thuận?

Vì sao Mỹ từ chối đề nghị hợp tác của Nga?

Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ tìm cách duy trì sự thống trị đối với các vấn đề trên thế giới

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya 1, hôm 18/4, Tổng thống Putin nói cho dù có những bất đồng về nhiều vấn đề trên trường quốc tế, Nga và Mỹ hiện vẫn đang chia sẻ nhiều lợi ích chung.

Theo ông Putin, làm cho kinh tế thế giới dân chủ hơn, đều đặn và cân bằng hơn, để trật tự thế giới được dân chủ hơn, là một trong những đề mục chung trong nghị trình Mỹ-Nga. Những lợi ích chung khác mà Mỹ và Nga cùng chia sẻ là không phổ biến các loại vũ khí có sức hủy hoại lớn, chống tội ác có tổ chức, chống khủng bố và chống đói nghèo.

Thực tế cho thấy, ngay cả khi quan hệ Nga và Mỹ căng thẳng cao độ do vấn đề Ukraina thì Washington cũng không thể giải quyết những vấn đề của thế giới mà thiếu vai trò của Nga. Đơn cử như trong trường hợp nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, các giới chức Mỹ phải thừa nhận rằng nếu không có những cố gắng của Nga thì sẽ không thể kết thúc được vấn đề hạt nhân Iran vốn kéo dài suốt nhiều năm qua.

Quan hệ giữa Moskva và Washington cũng như với các cường quốc phương Tây khác đã hạ xuống một mức thấp kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm của Ukraina vào năm 2014.

Tổng thống Nga nói Mỹ và phương Tây đã xúi giục gây ra cuộc khủng hoảng Ukraina qua "cuộc đảo chính" do phương Tây hậu thuẫn lật đổ cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych.

Trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân Nga hôm 16/4, Tổng thống Putin đã cáo buộc Mỹ tìm cách duy trì sự thống trị đối với các vấn đề trên thế giới. Ông nói điều Mỹ muốn "không phải là đồng minh, mà là chư hầu".

Trong một phản ứng mới nhất, ngày 18/4, Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ và châu Âu nên duy trì những biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cho đến khi nước này thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraina.

"Ở mức tối thiểu, chúng ta phải duy trì những biện pháp trừng phạt hiện hành cho đến khi chúng ta nhìn thấy họ đã thực hiện những bước mà họ phải thực hiện theo thỏa thuận''- ông Obama nói trong một cuộc họp báo chung ở thủ đô Washington với Thủ tướng Italia, Matteo Renzi.

Cùng ngày, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, nói với các nhà báo ở Moskva rằng sự hiện diện của những lính dù Mỹ tại Ukraina có thể "gây bất ổn" trong khu vực. Một lữ đoàn không quân của Mỹ đã đến Ukraina trong tuần này để tiến hành huấn luyện cho binh lính Ukraina.

Như vậy có thể thấy, bất chấp thái độ mềm mỏng của Moskva, xem ra Mỹ vẫn chưa hài lòng. Có lẽ chính quyền Washigton muốn lật đổ chính quyền Putin hơn là giải quyết vấn đề Ukraina. Đây là điều đã được giới chức Nga cảnh báo trong thời gian gần đây.

Nh.Thạch

tổng hợp