Thử lửa quan hệ đồng minh Washington - Islamabad?

07:00 | 13/03/2013

615 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau nhiều lần trì hoãn, đầu tuần này, Chính phủ Pakistan chính thức khởi công Dự án đường ống dẫn khí đốt nối với nước láng giềng Iran, bất chấp sự phản đối gay gắt của đồng minh Mỹ. Xem ra, với Islamabad, một “láng giềng gần” có đầy đủ điều kiện đáp ứng ngay nhu cầu thiết thực của mình vẫn là lựa chọn tốt hơn so với một “người anh em xa” cứ hứa giúp mãi mà chưa làm được gì khả quan.

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”

Dự án đường ống dẫn khí Iran - Pakistan đã được bàn đến cách đây đến cả thập kỷ. Bên cạnh khó khăn do Pakistan thiếu vốn đầu tư, dự án này còn liên tiếp gặp trục trặc do vấp phải sự phản đối gay gắt từ Mỹ, nước luôn gây sức ép đối Iran bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động hạt nhân của Tehran. Ban đầu Ấn Độ cũng có ý định tham gia vào dự án này, tuy nhiên, những bất đồng chính trị giữa Ấn Độ và Pakistan và sau đó là cơ chế định giá giữa Ấn Độ và Iran không thống nhất được đã dẫn đến việc dự án bị đình trệ trong nhiều năm và chỉ có Iran, Pakistan là còn mặn mà.

Giới chuyên gia khi đó cho rằng, sự rút lui của Ấn Độ khỏi Dự án đường ống dẫn khí Iran - Pakistan - Ấn Độ thực ra còn có một nguyên nhân khác nữa, đó là New Delhi không muốn mất cơ hội đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, mà Mỹ thì tất nhiên không muốn Tehran có cơ hội “phớt lờ” lệnh cấm vận và “ngang nhiên” xuất khẩu khí đốt sang chính nước đồng minh của mình là Pakistan chứ chưa nói đến một thị trường rộng lớn như Ấn Độ. Việc này chẳng khác nào như một “gáo nước lạnh” dội vào Washington, hủy hoại các nỗ lực trừng phạt Tehran mà Mỹ và các đồng minh phương Tây thiết kế.

Khủng hoảng năng lượng và thiếu điện triền miên buộc Pakistan phải thúc đẩy Dự án đường ống dẫn khí Iran - Pakistan, bất chấp sự phản đối của Mỹ

Trong khi đó, năng lượng là một điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế ở một đất nước phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng trong nhiều năm qua như Pakistan. Nguồn cung năng lượng lớn nhất của Islamabad là khí đốt mà lượng thiếu hụt lại lên tới 2 tỉ ft3 mỗi ngày. Tính ra, người dân trên toàn Pakistan phải chịu cảnh mất điện trung bình trên 6 giờ/ngày. Chỉ 2 tháng trước, nhiều trạm bán xăng ở Pakistan đã phải đóng cửa đến hơn 1 tuần vì thiếu nguồn cung. Và hiện tại, để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng lên nhanh chóng, Pakistan không còn cách nào khác là phải trông cậy tới 49% vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Irran và Turkmenistan.

Trong quá khứ Mỹ cũng từng hứa hẹn giúp Islamabad cải thiện tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách hỗ trợ, thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI), tuy nhiên, dự án này lại cũng gặp trục trặc do tình trạng bất ổn ở Afghanistan và mâu thuẫn giữa các nước tham gia. Không thể đợi lâu hơn được nữa, chính phủ của 2 đời Thủ tướng Pakistan cũng đã phải chịu áp lực rất lớn từ trong nước, đành phải tìm đến Iran như một đối tác vừa dồi dào về trữ lượng khí đốt, vừa sẵn lòng bỏ tiền hỗ trợ Islamabad xây dựng phần đường ống trên lãnh thổ Pakistan. Phía Iran đồng ý cho Pakistan vay 500 triệu USD, tuy nhiên hai bên không tiết lộ thời hạn trả nợ các khoản vay của Pakistan. Mọi việc theo đó cũng tiến triển nhanh chóng không ngờ.

Ngày 20/2 vừa qua, Bộ trưởng Dầu mỏ hai nước đã tham dự lễ khởi công xây dựng đoạn đường ống dài 781km từ biên giới Iran - Pakistan đến khu vực Navabshah của Pakistan. Tuần này, tại cảng Gwadar cũng diễn ra lễ khởi công đoạn đường ống trên lãnh thổ Pakistan. Và ngoài ra, Iran cũng hé lộ khả năng cung cấp 10.000 tấn khí hóa lỏng (LPG) cho Pakistan, đồng thời xây dựng một nhà máy lọc dầu với công suất lọc 400.000 thùng dầu/ngày tại Gwadar. Cơn khát năng lượng của Islamabad nhờ thế mà đã phần nào được giải tỏa và trở nên có hy vọng hơn nhiều.

Washington có thể làm gì?

Ngay khi có tin Iran, Pakistan quyết tâm triển khai dự án đường ống dẫn khí này, Ðại sứ Mỹ tại Islamabad đã lên tiếng phản đối gay gắt và nói rằng Chính phủ Mỹ hiểu rõ tình hình khủng hoảng năng lượng của Pakistan cũng như sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết, trừ việc lắp đặt tuyến đường ống này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 8/3 cũng bày tỏ quan ngại hợp tác Iran - Pakistan sẽ hủy hoại lệnh trừng phạt Tehran mà Mỹ đang áp dụng, đồng thời nhắc nhở Islamabad rằng: “Iran không phải là một đối tác đáng tin cậy”.

Thực tế thì bên cạnh sự hỗ trợ cho Dự án TAPI, Washington còn đang tài trợ quy mô lớn cho lĩnh vực năng lượng của Pakistan như tài trợ những nhà máy thủy điện, nhiệt điện lớn ở nước này với lời hứa đến cuối năm 2013, sẽ bổ sung thêm 900MW cho lưới điện quốc gia của Pakistan. Tuy nhiên, từng đó cũng chưa “thấm” vào đâu cả, chỉ đủ để đáp ứng 20% thiếu hụt năng lượng hiện thời của Pakistan mà thôi. Trong khi đó, mục tiêu của Pakistan không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại mà còn là đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai. 

Cựu Tổng thống Pakistan, tướng P.Musharraf từng khẳng định, Islamabad sẽ không khuất phục trước sức ép của Mỹ đòi Pakistan phải từ bỏ thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt với Iran. Ông Musharraf quả quyết: “Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, đầu tư nước ngoài của Pakistan phụ thuộc vào năng lượng. Chúng tôi đang thúc đẩy dự án xây dựng tuyến đường ống này. Đây là quyền lợi kinh tế của chúng tôi. Và không một nước nào có quyền cho rằng chúng tôi không được thực hiện dự án trên”.

Cũng có những dự đoán cho rằng Washington sẽ không để yên cho đồng minh qua mặt mình dễ dàng như vậy và sẽ áp dụng trừng phạt như đã từng “dọa” Pakistan. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, Mỹ chỉ “gầm gừ” vậy thôi, bởi trong cơn khủng hoảng năng lượng triền miên, Islamabad đã không còn lựa chọn nào khác. Nếu Washington đã miễn trừ cho các đồng minh khác, đơn cử như Nhật Bản với lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran thì cũng có thể làm điều tương tự với Pakistan. Cơ bản là Islamabad phải linh động và mềm dẻo trong các chính sách với Washington. Còn đối với Pakistan, mở rộng quan hệ đối tác nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cũng cấp thiết và có ý nghĩa chiến lược chẳng kém gì lợi ích từ “chiếc ô an ninh” của Mỹ. Hơn nữa, dự án này còn có thể giúp Islamabad bớt lệ thuộc vào Washington đồng thời còn có thể chơi con bài đối trọng.

Tuy nhiên, xét về lợi ích thì dường như ở đây, chỉ có Iran là lợi hơn cả. Cái lợi đối với Tehran không chỉ có đơn thuần là xuất khẩu khí đốt mà còn là phân hóa quan hệ Pakistan với Mỹ và phương Tây. Điều này giúp Tehran giảm bớt tác động do những biện pháp trừng phạt của Washington cùng đồng minh tiến hành để duy trì vị thế thuận lợi hơn cho đàm phán về chương trình hạt nhân của mình.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Iran - Pakistan trị giá 7,5 tỉ USD, có chiều dài lên tới gần 2.000km, với 2/3 trong số đó nằm trên lãnh thổ Iran. Phần đường ống bên Pakistan có chi phí xây dựng dự kiến 1,5 tỉ USD.


Linh Phương