Thấy gì từ vụ phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10 của Trung Quốc?

19:00 | 12/06/2013

1,304 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo các nhà phân tích, nỗ lực mới nhất phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10 vào quỹ đạo của Trung Quốc phản ánh sự trưởng thành của chương trình không gian nước này.

Tàu Thần Châu 10 rời khỏi bệ phóng từ sa mạc Gobi

 

Tàu vũ trụ Thần Châu 10 đã được phóng thành công đưa 3 phi hành gia Trung Quốc lên quỹ đạo. Dự kiến phi hành đoàn sẽ ở lại trên quỹ đạo trong 15 ngày để thực hiện các thí nghiệm y học và công nghệ vũ trụ hướng tới phát triển trạm không gian.

Theo tường thuật trực tiếp từ truyền hình quốc gia Trung Quốc, tàu Thần Châu 10 đã được phóng vào vũ trụ từ sa mạc Gobi vào lúc 5 giờ 38 phút chiều ngày 11/6 (giờ địa phương).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp các phi hành gia trước khi phi thuyền được phóng đi. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng các phi hành gia làm cho nhân dân Trung Quốc cảm thấy rất hãnh diện. Ông nói rằng phi vụ này là vinh quang và thần thánh, và ông tin rằng phi hành đoàn sẽ thực hiện thành công sứ mạng của mình. Ông cho biết ông trông đợi ngày khải hoàn của các phi hành gia.

Phi thuyền Thần Châu 10 sẽ thực hiện hai cuộc ráp nối thử với trạm không gian Thiên Cung 1, là Trạm không gian mẫu đang bay trên quỹ đạo. Một cuộc thử nghiệm là ráp nối tự động và cuộc thử nghiệm kia là ráp nối qua sự điều khiển của các phi hành gia. Trạm không gian Thiên Cung được dùng như một mẫu hình cho Trạm không gian lớn hơn mà Trung Quốc định đưa lên không gian vào năm 2020.

Các phi hành gia cũng sẽ thực hiện một loạt những cuộc nói chuyện với các học sinh tiểu học và trung học từ trạm không gian Thiên Cung. Truyền thông Trung Quốc cho biết những bài nói chuyện sẽ tập trung vào môn vật lý. Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ NASA lâu nay vẫn dùng hoạt động tiếp xúc, giao lưu với học sinh để thúc đẩy sự ủng hộ cho chương trình không gian của nước Mỹ.

Trung Quốc đã thực hiện thành công vụ phóng tàu vũ trụ vào không gian kết nối với Thiên Cung 1 vào tháng 6 năm ngoái. Đây là một sự kiện quan trọng hướng tới việc phát triển trạm không gian có thể là nơi sinh sống cho con người trong một thời gian dài.

Nhà phân tích không gian Morris Jones của Úc cho biết: “Chương trình không gian của Trung Quốc đã bước sang giai đoạn hoạt động chứ không còn là thử nghiệm nữa. Họ đã chỉnh sửa thiết kế tàu vũ trụ Thần Châu rất nhiều và kiểm tra nhiều lần. Họ chứng minh rằng có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và ở lại trong các phòng thí nghiệm không gian khá lâu”. Ông Morris Jones cho rằng chương trình không gian được nới rộng của Trung Quốc là một phần của những nỗ lực nhằm chứng tỏ với người dân Trung Quốc và thế giới về sức mạnh mỗi ngày một tăng của Trung Quốc. Ông Jones nói: "Nếu muốn làm một siêu cường, thì việc phát triển một chương trình không gian rất mạnh là một cách để họ có thể phóng chiếu hình ảnh đó ở trong nước và ở nước ngoài".

Trung Quốc bị ngăn không cho tham gia Trạm Không gian Quốc tế, một phần là vì sự phản đối của Mỹ về sự dính líu của quân đội Trung Quốc trong chương trình không gian. Trạm không gian tương lai của Trung Quốc sẽ nặng 60 tấn và bằng khoảng một phần sáu Trạm Không gian Quốc tế.

Ba phi hành gia (từ trái) Wang Yaping, Nie Haisheng và Zhang Xiaoguang

 

Ông Stephen Noerper là một chuyên gia về Đông Bắc Á của Hội Triều Tiên ở New York. Ông cho biết như sau về chương trình không gian của Trung Quốc. Ông Noerper nói: "Nó thật sự cho thấy sự chuyển mình của Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Trung Quốc bây giờ khác xa với Trung Quốc của 10 năm trước. Họ đã lớn mạnh rất nhiều xét về sức mạnh kinh tế, về tầm quan trọng trong lãnh vực chính trị, và xét về khả năng kỹ thuật. Sự khác biệt này làm cho những sự việc như bước tiến kế tiếp trong chương trình không gian trở thành một sự việc rất quan trọng và là một dấu hiệu cho thấy thế đứng của Trung Quốc như một cường quốc thế giới đang trỗi dậy".

Các quan chức Trung Quốc nói họ đang tính đến việc đưa một thiết bị thăm dò lên mặt trăng lần đầu tiên trong năm nay.

Việc này sẽ đánh dấu một bước quan trọng của Trung Quốc nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trạm không gian có khả năng chứa các phi hành gia trong một thời gian dài.

Chuyên gia Morris Jones cho biết chuyến đi tới “sẽ phức tạp hơn bất kỳ sứ mạng Trung Quốc đã thực hiện trước đây”. Ông Jones nói Trung Quốc trước đây đã tiến hành thực hiện các hoạt động trong các chuyến bay không người lái và có người lái. Tuy nhiên, lần này các phi hành gia sẽ thử nghiệm việc ráp nối với các điểm hẹn ở nhiều góc độ khác nhau.

Ông Jones nói rằng việc ráp nối với điểm hẹn và lắp ghép là một hoạt động khó khăn cho bất kỳ chương trình không gian nào, “dù cho người ta có nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng vậy”.

Chuyến bay 15 ngày lần này được đánh giá là sứ mệnh dài nhất của phi hành gia Trung Quốc trên quỹ đạo ngoài Trái đất.

Điều đặc biệt khác trong lần phóng tàu vũ trụ lần này, là việc Trung Quốc đưa nữ phi hành gia thứ hai vào không gian. Đó là Wang Yaping, 33 tuổi, một Thiếu tá trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Wu Ping, phát ngôn viên chương trình không gian của Trung Quốc nói rằng ngoài việc thực hiện “các thí nghiệm y tế hàng không không gian và thí nghiệm công nghệ không gian”, bà Wang cũng sẽ dạy học cho học sinh từ quỹ đạo. Vào tháng 6 năm ngoái, bà Liu Yang, nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc cũng đã có mặt trên phi thuyền Thần Châu.

Nh.Thạch (Tổng hợp)