Quốc phòng Trung Quốc đã thay đổi ra sao trong năm 2013?

13:53 | 02/01/2014

2,104 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 2013 là năm của những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc. Có lẽ thế giới đang chứng kiến sự khởi đầu của quá trình thay đổi căn bản các nguyên tắc hành vi của Trung Quốc trên trường quốc tế và quá trình hiện thực hóa tham vọng cường quốc quân sự toàn cầu của nước này.

Bản đồ Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông của Trung Quốc

Tháng 3/2013, Trung Quốc đã thay đổi hành vi ở khu vực tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), lần đầu tiên phái đến khu vực này tàu chiến và máy bay của Hải quân Trung Quốc thay cho nhóm tàu ngụy trang như trước đó.

Trong năm qua, Trung Quốc đã thực hiện cuộc cải cách lớn của các cơ quan bảo vệ trật tự trên biển, thành lập Cảnh sát biển. Biện pháp này làm gia tăng khả năng của Trung Quốc phản ứng bằng các biện pháp phi quân sự với các tình huống tranh chấp, và điều này được phản ánh trong hành động của các lực lượng Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông.

Vào tháng 11/2013, Trung Quốc đã tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông. Máy bay chiến đấu của Mỹ và Nhật Bản bắt đầu thực hiện các chuyến bay trong khu vực để cho thấy rằng, họ không chấp nhận quyết định đó của Trung Quốc.

Dù không sử dụng trực tiếp lực lượng quân sự, nhưng Bắc Kinh cũng không ngồi không. Trong tháng đầu tiên sau khi lập vùng nhận dạng phòng không, để đối phó với cuộc xâm nhập của các máy bay chiến đấu nước ngoài, Trung Quốc đã thực hiện 51 lần bay ở khu vực này. Như vậy, Trung Quốc đã nhận được công cụ tiềm năng mới để gây áp lực lên Nhật Bản trong vấn đề lãnh thổ. Trong tương lai xa hơn, áp lực này có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nhật Bản tìm kiếm thỏa hiệp với Trung Quốc, nhưng, cũng có thể mang lại tác dụng trái ngược - củng cố liên minh quân sự Nhật - Mỹ.

Trong năm 2013, Trung Quốc đã củng cố đáng kể khả năng giáng trả các tình huống khủng hoảng trong và ngoài nước bằng cách thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Cơ quan này thay thế các cơ chế không hiệu quả và có quyền thông qua quyết định ràng buộc. Hội đồng An ninh Quốc gia trở thành một trung tâm quan trọng mới để thông qua các quyết định, và sự tham gia của các đại diện quân đội Trung Quốc làm tăng trọng lượng của quân đội trong chính trị.

Năm qua, Trung Quốc có những thành tựu trong lĩnh vực tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là những thành phần đảm bảo quá trình biến Trung Quốc thành một siêu cường quân sự. Chẳng hạn, Trung Quốc đã chuẩn bị đưa vào chiến đấu các tàu ngầm hạt nhân với tên lửa Tszyuylan-2. Bắc Kinh đã tăng cường thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền, đang trang bị cho lực lượng vũ trang máy bay ném bom H-6K và bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu trên tàu sân bay J-15. Trung Quốc cũng đang xây dựng hai tàu sân bay.

Nhật báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ra ngày 1/1/2014 trích nguồn từ các quan chức quân sự cao cấp Trung Quốc và nhiều nguồn khác cho biết: Trung Quốc đang xem xét tái cơ cấu lại các quân khu của quân đội. Cụ thể, 7 quân khu hiện nay ở Trung Quốc sẽ được tổ chức lại còn 5 quân khu. Mục tiêu nhằm có thể phản ứng nhanh khi xảy ra tình hình khủng hoảng.

Thông tin nói rõ: mỗi quân khu mới sẽ lập ban chỉ huy phối hợp nhằm kiểm soát hoạt động của các lực lượng hải, lục, không quân và đơn vị tên lửa chiến lược. Kế hoạch tái cấu trúc các quân khu của Trung Quốc cho thấy việc chuyển từ chiến lược phòng thủ hiện nay sang chiến lược linh hoạt phản ứng hơn với sự huy động được tất cả các lực lượng và các đơn vị tên lửa chiến lược.

Tin về kế hoạch tái cấu trúc các quân khu của Trung Quốc được đưa ra giữa lúc căng thẳng chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản về chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông tiếp tục gia tăng.

2013 cũng là năm Trung Quốc thông qua các quyết định chính trị quan trọng và mở đầu cải cách kinh tế, xã hội. Theo các chuyên gia, trong những năm tới, kết quả của những cải cách này sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị và quân sự trên thế giới.

Nh.Thạch

tổng hợp