Ngoại trưởng Trung Quốc bàn gì trong chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á?

15:42 | 10/08/2012

1,384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong khi lo ngại về các vấn đề biển Đông vẫn là một bài toán khó đối với các quốc gia Đông Nam Á, chuyến công du 3 nước Indonesia, Bruinei và Malaysia của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì bắt đầu từ ngày hôm qua (9/8) đặt ra cho giới phân tích một loạt những câu hỏi lớn.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì

Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm lần này của ông Dương Khiết Trì ngoài mục đích tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia nói trên,còn nhằm đối phó với chính sách của Mỹ về vấn đề biển Đông, trong bối cảnh Mỹ đang có những tuyên bố và động thái can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề này.

Ông Dương Khiết Trì sẽ có cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp của mình, Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa vào ngày 10/8. Được biết, cuộc gặp của 2 người đứng đầu Bộ Ngoại giao 2 nhà nước được dư luận hết sức quan tâm.

Trả lời phỏng vấn báo giới ngày hôm qua, ông Marty Natalegawa cho hay, ông rất trông đợi chuyến viếng thăm lần này của Bộ trưởng Dương Khiết Trì và tại cuộc gặp, ông sẽ bày tỏ quan ngại của Indonesia cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khác về vấn đề biển Đông. Đồng thời cũng hi vọng rằng, ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được Bộ nguyên tắc ứng xử trên biển Đông vào cuối năm nay. Đây là một trong những nỗ lực của Jakarta trong việc tìm ra giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở biển Đông, sau chuyến thăm hồi trung tuần tháng 7 năm nay của ông Marty Natalegawa đến Malaysia, Việt Nam và Campuchia.

Trên trang web của Bộ Ngoại giao trung Quốc cũng đề cập đến vấn đề hợp tác giữa 2 nước Indonesia và Trung Quốc nhân chuyến thăm lần này của ông Dương Khiết Trì. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương và ký các thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của người đứng đầu Bộ Ngoại giao 2 nước.

Mặc dù các hoạt động chi tiết của ông Dương Khiết Trì tại chuyến công du lần này không được thông báo thêm, song dư luận gần đây tỏ ra hết sức quan tâm đến vấn đề biển Đông cũng như giải pháp mà các nhà ngoại giao đưa ra lần này.

Báo giới Trung Quốc cũng dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia: “Ngoài các vấn đề hợp tác song phương, chúng tôi sẽ trao đổi quan điểm riêng của từng quốc gia trong các vấn đề biển Đông. Vấn đề này đòi hỏi các nước ASEAN và Trung Quốc có phương pháp tiếp cận tích cực và hành động, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ những căng thẳng leo thang. Indonesia sẽ tích cực góp phần đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử hoàn thiện vào cuối năm nay, đầy đủ hơn, hoàn hảo hơn”. Ông Marty Natalegawa cũng hi vọng phía Trung Quốc có các phản ứng tích cực về vấn đề trên.

Hôm qua, 9/8 đồng thời cũng là ngày Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) tại Thủ đô Pnom-penh của Campuchia. Tại Hội nghị, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao Campuchia – ông Kao Kim Huon cho biết: “Có rất nhiều vấn đề cần phải bàn thảo để đề cập trong bản tuyên bố chung ASEAN, trong đó có vấn đề biển Đông. Chúng tôi phải tìm ra ngôn ngữ và quan điểm thích hợp và cần có thời gian để trao đổi để thống nhất quan điểm. ASEAN đã thống nhất được những điểm cơ bản về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông COC và các thành viên ASEAN đã thống nhất rằng phải yêu cầu Trung Quốc đối thoại cấp cao về Bộ quy tắc ứng xử này, nhưng lịch trình của một cuộc đối thoại như vậy chưa được xác định”.

Trong vai trò chủ nhà, Campuchia kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn trong năm Chủ tịch ASEAN 2012 với các chương trình nghị sự theo hướng tạo động lực nhằm thúc đẩy tiến trình liên kết trong ASEAN, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, nâng cao tính cạnh tranh và vai trò hạt nhân dẫn dắt của tổ chức này trong việc giải quyết những thách thức đặt ra với khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Lương Minh được các Ngoại trưởng đề cử vào chức Tổng thư ký ASEAN thay cho ông Surin Pitsuwan sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc thăm 3 nước Đông Nam Á là một động thái nhằm đối phó với Mỹ trong chính sách biển Đông. Trong một tuyên bố của mình hồi tuần trước, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc đã thiết lập các đơn vị đồn trú và đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng căng thẳng khu vực. Thậm chí, một số nhà phân tích tỏ ra bi quan về một nguy cơ trò chơi Trung – Mỹ sẽ lại tái diễn trong vấn đề biển Đông?

H.M (Theo ifeng)