Mỹ lập chiến lược quân sự tại Bắc Cực

11:00 | 24/11/2013

1,087 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tại Diễn đàn quốc tế lần thứ 5 về các vấn đề an ninh hàng hải ở Halifax, Canada, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng việc băng tan mạnh ở Bắc Cực buộc phải Mỹ thực hiện một số điều chỉnh “trong việc lập kế hoạch quân sự” tại vùng cực này và kêu gọi các quốc gia chia sẻ chung lãnh thổ băng giá này, tránh xung đột.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Diễn đàn quốc tế lần thứ 5 về các vấn đề an ninh hàng hải tại Canada ngay 23/11

Trong bối cảnh nhiệt độ trái đất tăng lên làm băng tan giúp đường giao thông xuyên vùng Bắc Cực dễ dàng hơn, các quốc gia chung quanh khu vực chiến lược này hăm hở khai thác tài nguyên và kiểm soát vị trí địa chính trị. Tại Diễn đàn an ninh Halifax, lần đầu tiên, Washington tiết lộ chiến lược của Mỹ tại Bắc Cực.

Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết quân đội Mỹ đã bắt đầu thích nghi với hiện tượng nhiệt độ gia tăng trong khu vực. Ông kêu gọi 8 nước có địa lý bao quanh Bắc Băng Dương (Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Island) cùng hợp tác, xây dựng một khu vực an toàn và hòa bình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi các nước rút tỉa những bài học trong lịch sử loài người để tránh tái phạm sai lầm mỗi lần chạy đua chinh phục biên cương lãnh thổ là mỗi lần sử dụng chiến tranh.

Ông Hagel nói chủ trương của Mỹ tại Bắc cực là thắt chặt quan hệ quân sự với Nga, quốc gia cùng với Mỹ và Canada có quyền lợi chung tại Bắc Băng Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết chiến lược của Washington đã được thông báo ba tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào tháng 9 năm nay tuyên bố ý định cho hoạt động trở lại một căn cứ quân sự trên vùng băng giá này để giám sát hoạt động hàng hải vốn được dễ dàng hơn từ những năm gần đây do hệ quả của hiệu ứng nhà kính.

Theo hãng tin AFP, trong chiến lược Bắc Cực, Mỹ nhấn mạnh là sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền tự do đi lại trong lãnh hải của Mỹ. Từ 5 năm nay, Mỹ bố trí một lực lượng quân sự gồm 22.000 binh sĩ và 5.000 vệ binh tại bang Alaska cùng với nhiều tàu ngầm nguyên tử và máy bay vận tải C-130.

Kế hoạch của Mỹ không chủ trương tăng quân số để tránh tạo ra một cuộc leo thang quân sự. Ngược lại, Lầu Năm Góc tiếp tục chiều hướng hợp tác về an ninh với mục đích ngăn chặn những xung khắc tiềm tàng biến thành xung đột công khai.

Băng tan giúp đường giao thông xuyên vùng Bắc Cực dễ dàng hơn

Nh.Thạch

AFP